26/12/2007 - 08:59

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Năm 2008, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010

* Đổi mới chính sách đất đai, thuế, tín dụng để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục thể thao

Sáng 25-12, Hội nghị triển khai thực hiện các chương trình, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2008 đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội. Đây là hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt do Văn phòng Chính phủ tổ chức, với sự tham dự của lãnh đạo 64 tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm hoàn chỉnh chương trình hành động; các nhóm giải pháp cụ thể thực hiện kế hoạch phát trỉển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2008. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân và các thành viên Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Năm 2008 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước; là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2006-2010. Trong năm 2008, Chính phủ phấn đấu hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của kế hoạch 5 năm; phấn đấu đến 2009 hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế xã hội mà kế hoạch 5 năm đã đề ra. Với mục tiêu đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hội nghị tập trung kiểm điểm kết quả đã thực hiện trong năm 2007; thảo luận kỹ chương trình, các nhóm giải pháp mà Chính phủ đề xuất nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2008. Đồng thời, chủ động thực hiện các cam kết và lộ trình hội nhập kinh tế thế giới, đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Báo cáo tại Hội nghị về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 2007, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết: Năm 2007, mặc dù gặp nhiều khó khăn như giá cả thế giới biến động, thiên tai, dịch bệnh... nhưng bằng sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ và các địa phương, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, tăng xấp xỉ 8,5%; giá trị toàn ngành công nghiệp tăng 17,1%, xuất khẩu đạt 48,4 tỉ USD, thu hút nước ngoài đạt kỷ lục 20,3 tỉ USD; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 723 USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19% xuống 14,7%, giải quyết việc làm cho 1,68 triệu lao động... Tuy nhiên, ba chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng nhập khẩu vẫn ở mức cao: 27% (chỉ tiêu là 15,5%); tốc độ gia tăng giá tiêu dùng trên 9% (kế hoạch là thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế); tỷ lệ giảm sinh là 0,25% (kế hoạch là 0,3%). Cũng theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, dự kiến năm 2008, Chính phủ sẽ đề nghị các địa phương thực hiện 10 nhóm giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008. Những nhóm giải pháp này sẽ được thảo luận kỹ tại hội nghị.

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khái quát kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế và thể dục thể thao. Thời gian tới, để tạo điều kiện cho công tác xã hội hóa các lĩnh vực này, Chính phủ tập trung đổi mới 3 loại chính sách về đất đai, thuế và tín dụng: chuẩn bị mặt bằng; miễn thuế 4 năm đầu hoạt động; cho vay vốn đầu tư...

Cũng trong sáng 25-12, hội nghị đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân báo cáo kết quả thực hiện các chương trình giảm nghèo trong 2 năm (2006 - 2007); nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử báo cáo tình hình thực hiện một số cơ chế chính sách đối với đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn.

* Chiều 25-12, các đại biểu tiếp tục nghe các thành viên Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2007 và những định hướng, đề xuất của các bộ, ngành để triển khai thực hiện trong năm 2008.

Theo người đứng đầu Bộ Tài chính, nguyên nhân của tình trạng chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng năm 2007 tăng cao (9,45%) cao hơn so với dự kiến là do sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, giá thị trường thế giới tăng cao; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; tổng phương tiện thanh toán tăng; thu nhập của dân cư tăng 5,8% so với năm 2006 (đã trừ yếu tố trượt giá). Bộ Tài chính dự báo, năm 2008 giá cả vẫn chịu sức ép tăng giá do tác động cộng hưởng của những nhân tố tác động từ nền kinh tế thế giới, nhất là đối với những hàng hóa đầu vào của nền kinh tế mà Việt Nam vẫn phải nhập khẩu với khối lượng lớn. Ngoài ra, những nhân tố nội tại của nền kinh tế trong nước cũng ảnh hưởng đến mặt bằng giá như: Sức ép tăng trưởng kinh tế; thiên tai, dịch bệnh; các hiện tượng đầu cơ, gian lận thương mại chưa được kiểm soát có hiệu quả; thu nhập và sức mua tăng...

Để đảm bảo mục tiêu tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2008, dự kiến Chính phủ chỉ đạo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường ngay từ những tháng cuối năm 2007, phục vụ Tết Mậu Tý và cả năm 2008. Đáng chú ý là Chính phủ dự kiến điều chỉnh giá một số mặt hàng theo giá thị trường, đó là: Giá than bán cho 3 hộ tiêu thụ lớn (xi măng, phân bón, giấy). Giá than bán cho ngành Điện sẽ điều chỉnh một bước vào thời điểm thích hợp (tăng 20%). Năm 2008 sẽ điều chỉnh giá điện bình quân tăng khoảng 5,7%. Dầu hỏa và dầu diezel sẽ được điều chỉnh hai bước theo giá thị trường đến cuối 2008, không bị lỗ. Đầu năm 2008 áp dụng thuế nhập khẩu 5%, cuối năm 2008 là 10% đối với mặt hàng xăng dầu; thực hiện giá thị trường đồng thời nghiên cứu cơ chế cho doanh nghiệp kinh doanh xăng, “dự phòng rủi ro” để chủ động và điều hành giá xăng theo từng thời kỳ.

Báo cáo tại hội nghị về công tác đảm bảo TTATGT năm 2007, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết: 11 tháng của năm 2007, toàn quốc đã xảy ra 13.290 vụ TNGT, làm chết 11.909 người, bị thương 9.859 người, tăng 64 vụ, 442 người chết so với cùng kỳ năm 2006... Theo ông Dũng, từ khi thực hiện triển khai Nghị quyết 32/CP của Chính phủ, tình hình TTATGT đã được cải thiện một cách đáng kể. Đã kiềm chế được sự gia tăng TNGT; phát huy và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước từ xã đến Trung ương trong bảo đảm TTATGT. Ý thức người tham gia giao thông được nâng cao; bước đầu thực hiện thành công quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô xe máy, góp phần quan trọng hạn chế số người chết vì TNGT trong những tháng cuối năm 2007...Trọng tâm nhiệm vụ của công tác đảm bảo TTATGT năm 2008 tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết 32/CP của Chính phủ ở tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp. Chính phủ sẽ ưu tiên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT; tổ chức cuộc vận động “văn hóa giao thông” trên phạm vi cả nước.

Nhận định công tác cải cách hành chính trong năm 2007 chưa theo kịp yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho rằng, người dân và các tổ chức vẫn chưa hài lòng về phong cách, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp nhất là những yếu kém trong môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý và hệ thống thuế và các cơ quan thuế. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc bảo đảm phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế. Bộ Nội vụ đề nghị Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương rà soát tất cả các loại thủ tục hành chính và công bố công khai trong một danh mục do Chính phủ ban hành để toàn thể nhân dân, doanh nghiệp nắm vững. Tiếp tục loại bỏ các loại giấy phép con không cần thiết, đang có chiều hướng gia tăng, tạo môi trường pháp lý minh bạch. Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương đẩy mạnh và tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện cơ chế một cửa, liên thông; tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực. Đặc biệt, nghiên cứu thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường; thí điểm nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã.

Đề nghị các địa phương tích cực hợp tác với Bộ Tài nguyên Môi trường hoàn tất công tác cấp sổ đỏ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, Bộ đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng mức phí hợp lý để giảm tới mức thấp nhất khoản thu của người dân đối với việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu.

T.T - QUANG VŨ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết