Tổng thống Joe Biden vừa ra lệnh cho các chỉ huy quân sự Mỹ lên kế hoạch đáp trả thủ phạm đứng sau vụ tấn công đẫm máu ở sân bay Kabul của Afghanistan hôm 26-8.
Gần 2.500 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng kể từ khi nước này phát động cuộc chiến ở Afghanistan năm 2001. Ảnh: Getty Images
Hai vụ nổ đã xảy ra bên ngoài sân bay Kabul, nơi Mỹ và các đồng minh đang chạy đua với thời gian để sơ tán công dân nước mình và người Afghanistan. Ít nhất 85 người đã thiệt mạng, trong đó có 13 lính Mỹ và 28 tay súng Taliban, cùng 140 người khác bị thương trong vụ đánh bom liều chết mà ISIS-K, nhánh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Afghanistan, nhận trách nhiệm. ISIS-K khẳng định mục tiêu tấn công là nhằm vào binh sĩ Mỹ cùng các đồng minh. Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã lên án vụ tấn công đẫm máu trên.
Suốt 10 năm trở lại đây tại Afghanistan, Mỹ chưa bao giờ tổn thất binh sĩ lớn như thế trong một ngày. Chính quyền Mỹ và các nước phương Tây trước đó vài ngày đã cảnh báo nguy cơ rất cao IS tấn công khủng bố ở sân bay Kabul, đồng thời kêu gọi công dân tránh xa khu vực này. Tuy nhiên, thảm kịch vẫn xảy ra. Nhà Trắng đã treo cờ rủ, Tổng thống Biden lên án mạnh mẽ và có lúc lặng người trong cuộc họp báo tại văn phòng của mình.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Biden tuyên bố sẽ không dung thứ cho những kẻ khủng bố. “Chúng tôi sẽ đáp trả bằng vũ lực và độ chính xác, vào thời gian, địa điểm mà chúng tôi lựa chọn”, chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh. Theo đó, quân đội Mỹ được giao nhiệm vụ lên kế hoạch tấn công các thủ lĩnh, tài sản và cơ sở của ISIS-K. Ông Biden khẳng định sẽ bổ sung cho quân đội bất cứ điều gì để đối phó các mối đe dọa khủng bố.
Chưa rõ Mỹ sẽ đáp trả bằng vũ lực như thế nào nhưng không kích có thể được xem là một trong những lựa chọn. Lâu nay, chiến dịch chống IS của Mỹ thường xuyên dùng các đòn không kích. Richard Grenell, cựu quyền giám đốc tình báo quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, cũng kêu gọi chính quyền ông Biden tiến hành không kích ở Afghanistan sau vụ tấn công trên.
Cùng ngày, Mỹ cảnh báo IS sẽ tiếp tục tấn công nhưng tuyên bố không thay đổi kế hoạch và sứ mệnh sơ tán khỏi Kabul. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ Kenneth McKenzie nhận định nhiều khả năng IS sẽ tiến hành thêm các cuộc tấn công khủng bố và Mỹ đang làm mọi thứ có thể để đối phó. Theo ông, Washington sẵn sàng sử dụng các chiến đấu cơ để bảo vệ phi trường Kabul nếu cần, bao gồm máy bay cường kích AC-130. Trong khi đó, Taliban cũng sẽ siết chặt an ninh và điều thêm lực lượng để kiểm soát đám đông trước các cổng sân bay.
Sau vụ đánh bom, một số nước đã dừng các chuyến bay di tản như Úc Bỉ, Canada, Ðan Mạch và Hungary, trong khi số khác lại tăng tốc di tản, bao gồm các chuyến bay của Mỹ. Các nước phương Tây đã sơ tán hơn 10.000 người kể từ hôm 14-8, một ngày trước khi Taliban tiến vào Kabul. Dự kiến hàng ngàn người sẽ còn kẹt ở Afghanistan khi những binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi quốc gia Tây Nam Á vào cuối tháng này.
Ðại sứ quán Anh để sót tài liệu về các cộng tác viên người Afghanistan
Tờ Times đưa tin trong quá trình sơ tán khỏi Afghanistan, các nhân viên thuộc Đại sứ quán Anh tại Kabul đã bỏ sót các hồ sơ liên quan tới thông tin những người Afghanistan làm việc cho cơ quan này. Trả lời hãng tin Reuters ngày 26-8, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Anh nói rằng điều quan trọng là đại sứ quán Anh tại Kabul đã có thể đưa các nhân viên này cùng người thân đến một địa điểm an toàn.
HẠNH NGUYÊN (Theo Business Insider, Reuters)