Chính quyền Mỹ vừa thông báo các chuyến bay di tản những người Afghanistan xin cấp thị thực nhập cư ở xứ cờ hoa sẽ bắt đầu vào tuần cuối cùng của tháng 7.
Binh sĩ Mỹ trò chuyện với người dân Afghanistan thông qua một thông dịch viên. Ảnh: AP
Một quan chức Nhà Trắng ngày 14-7 cho biết, theo chỉ đạo của Tổng thống Joe Biden, Mỹ sẽ triển khai “Chiến dịch nơi trú ẩn cho đồng minh” để hỗ trợ những chuyến bay di tản các công dân Afghanistan mong muốn và có đủ tư cách, vốn đã hỗ trợ Mỹ và các đối tác, cũng như những người đã đưa ra đề nghị chính thức về việc rời khỏi quốc gia Tây Nam Á này. Khoảng 20.000 công dân Afghanistan gồm các phiên dịch, bảo vệ, tài xế…đã nộp đơn xin cấp visa nhập cư đặc biệt (SIV) để vào Mỹ. Cùng với các thành viên trong gia đình của họ, tổng số công dân di tản có thể lên tới 100.000.
Theo “Chiến dịch nơi trú ẩn cho đồng minh”, tất cả những trường hợp trên sẽ được đưa đến một hoặc nhiều địa điểm bên ngoài Afghanistan trong khi chờ Bộ Ngoại giao Mỹ hoàn tất việc xử lý hồ sơ nhập cảnh. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby tiết lộ chính quyền Washington đang cân nhắc sử dụng các căn cứ quân sự, ở cả nước ngoài lẫn Mỹ lục địa, để tiếp nhận tạm thời những người đủ điều kiện di tản. Được biết, Mỹ đang đàm phán với Chính phủ Uzbekistan và Tajikistan về kế hoạch này nhưng vẫn chưa thống nhất. Dự kiến, một phái đoàn của Mỹ sẽ bay đến Uzbekistan trong tuần này để thảo luận với lãnh đạo của các nước Trung Á về những vấn đề liên quan.
Theo giới phân tích quốc phòng, chiến dịch di tản lần này sẽ đối mặt với hàng loạt thách thức lớn. Nhiều người xin cấp thị thực nhập cảnh và thân nhân đang sống bên ngoài thủ đô Kabul, tại những khu vực hiện nằm dưới sự kiểm soát hoặc tranh giành của Taliban. Do vậy, rất khó để các quan chức đại sứ quán liên lạc với họ.
Nhiều phiên dịch viên làm việc cho các lực lượng của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trong 2 thập kỷ qua đang lo sợ bị Taliban trả thù sau khi Washington rút hết quân khỏi Afghanistan vào cuối tháng 8. Đến nay, tiến trình rút quân của Mỹ đã hoàn tất 95%. Tuần rồi, Tổng thống Biden tuyên bố sẽ đẩy nhanh tốc độ xử lý SIV. SIV, được Quốc hội Mỹ thông qua hồi năm 2008, là chương trình thị thực cho phép những người Iraq và Afghanistan từng phục vụ cho quân đội hoặc Chính phủ Mỹ di tản đến xứ cờ hoa. Mỗi ứng viên SIV phải chứng minh họ đã làm việc cho quân đội Mỹ ít nhất 2 năm, sau đó phải trải qua thủ tục đăng ký gồm 14 bước. Theo luật định, một đơn xin cấp thị thực sẽ được giải quyết trong vòng 9 tháng, song trên thực tế thủ tục thường mất ít nhất 1,5 năm.
Những hoạt động trên gợi nhớ đến cuộc rút quân Mỹ khỏi Iraq cách đây gần 10 năm. 18-12-2011 là một ngày lịch sử đối với người dân Iraq và cũng là ngày đáng nhớ đối với những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi nước này. Khi đó, đoàn xe khoảng 110 chiếc chở hơn 500 binh sĩ và vũ khí tiến về phía Nam Iraq rồi sang nước láng giềng Kuwait để hoàn thành việc “rút chân”, khép lại cuộc chiến kéo dài 9 năm và tốn kém tại quốc gia Tây Á.
Chương trình SIV của Iraq đã đóng cửa vào năm 2014, nhưng hiện vẫn còn khoảng 200 ứng viên chờ cấp thị thực.
Cuộc chiến Iraq nổ ra từ năm 2003, nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein, đã làm hơn 4.400 lính Mỹ thiệt mạng. Theo thống kê, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi gần 757 tỉ USD để triển khai quân đội ở Iraq trong gần một thập kỷ.
Số lính Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến kéo dài 2 thập niên ở Afghanistan là hơn 2.400 người, trong khi tiêu tốn 2.260 tỉ USD.
Hôm 14-7, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cam kết sẽ hỗ trợ các thông dịch viên người Afghanistan từng phục vụ Lực lượng vũ trang Canada tới quốc gia Bắc Mỹ này. Trước đó, người phát ngôn Bộ Nhập cư cho biết hơn 800 công dân Afghanistan đã được tái định cư ở Canada theo hai chính sách trước đây. Những người Afghanistan không đủ điều kiện theo quy định của các chính sách này có thể nộp đơn xin nhập cư theo Đạo luật bảo vệ người tị nạn và nhập cư.
Canada đã rút quân khỏi Afghanistan cách đây 7 năm. Hiện nay, cả đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ mới (NDP) đều đang thúc giục triển khai các chính sách tái định cư giúp nhân viên người Afghanistan từng làm việc cho Chính phủ Canada.
|
HẠNH NGUYÊN (Theo Politico, NPR)