04/02/2018 - 16:15

Mức đóng và xử lý hành vi vi phạm về bảo hiểm xã hội 

Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc sẽ thay đổi; hành vi vi phạm pháp luật về BHXH sẽ bị xử lý hình sự... Đó là những điểm mới của Luật BHXH năm 2014 phát sinh hiệu lực từ ngày 1-1-2018.  

Luật BHXH năm 2014 đã quy định lộ trình về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp. Cụ thể, từ năm 2016 đến hết năm 2017, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động. Còn từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tức kể từ ngày 1-1-2018, việc quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tiếp cận gần với tiền lương thực tế của người lao động, đảm bảo quyền thụ hưởng các chế độ BHXH khi người lao động nghỉ việc hưởng BHXH từ quỹ BHXH (đặc biệt đảm bảo ổn định cuộc sống khi người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu).

Hội Nông dân TP Cần Thơ phối hợp BHXH thành phố đối thoại chính sách về BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế, được tổ chức tại huyện Cờ Đỏ. 

Theo BHXH TP Cần Thơ, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản phụ cấp lương và bổ sung khác đều làm căn cứ tính đóng BHXH. Các khoản phụ cấp lương tính đóng BHXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên... Các khoản không làm căn cứ tính đóng BHXH bắt buộc, gồm: các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động; các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Như vậy, những khoản phụ cấp lương, khoản bổ sung khác tính đóng BHXH là những khoản tương đối ổn định, thường xuyên; còn những khoản phụ cấp lương, khoản bổ sung khác không xác định được cùng với mức lương, gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động là khoản phụ cấp, bổ sung thường xuyên biến động nên không làm căn cứ tính đóng BHXH.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo và nâng cao quyền lợi người lao động ở mức cao nhất, nhiều điều khoản của Luật BHXH năm 2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Một trong số đó có quy định nếu người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng BHXH sẽ bị xử phạt khá nặng, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, người nào gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội trong trường hợp này sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội trong trường hợp này sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Trốn đóng bảo hiểm 1 tỉ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội trong trường hợp này sẽ bị phạt tiền từ 1 tỉ đồng đến 3 tỉ đồng;

Cũng theo Bộ luật Hình sự năm 2015, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết