29/01/2010 - 20:41

Mùa xuân đến sớm với khu vực 3

Chính quyền và bà con khu vực 3 thăm hỏi gia đình neo đơn nhân dịp xuân về.

Khu vực 3, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ được nhiều người biết đến không chỉ vì địa bàn có chùa Hội Linh – một Di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia, mà còn vì đây là một trong những khu vực tiêu biểu của quận Bình Thủy, 6 năm liền giữ vững danh hiệu khu vực văn hóa. Năm 2009, khu vực 3 được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Cần Thơ tặng bằng khen trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Sức sống mới

Khu vực 3 thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa liền kề với quận Ninh Kiều nằm trên trục đường Cách Mạng Tháng Tám và một phần Cồn Khương.

Đến khu vực 3 trong những ngày giáp Tết, chúng tôi cảm nhận được mùa xuân đang về thật gần. Những gốc mai đã được bà con lặt lá để kịp nở hoa ngày Tết. Bà con đang tất bật sửa sang nhà cửa. Từng nhóm người tranh thủ làm cỏ, dọn dẹp các con hẻm, thu gom rác thải... Khắp địa bàn khu vực đường, hẻm đều được tráng nhựa, bê tông phẳng phiu, thẳng tắp và sạch đẹp. Trời vừa tối, các hẻm lại rực ánh đèn đường. Ban Nhân dân và chi bộ khu vực thì đang gấp rút hoàn thiện danh sách các hộ nghèo cần hỗ trợ trong dịp Tết và tổ chức đoàn đi đến từng hộ gia đình, liên hệ các mạnh thường quân để vận động “Lá lành đùm lá rách” giúp người nghèo và được bà con ủng hộ nhiệt tình. Chương trình “Tết vì người nghèo” đã được phát động và thành nề nếp từ nhiều năm nay.

Ở khu vực 3, các thiết chế văn hóa đã được hoàn thiện. Tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Gặp chúng tôi tại Nhà Thông tin khu vực, ông Trần Văn Đô, Trưởng khu vực 3, hồ hởi khoe: “Nhà Thông tin này phần lớn là do nhân dân trong khu vực đóng góp xây dựng. Có Nhà Thông tin, chính quyền có chỗ hội họp, bà con cũng có nơi sinh hoạt, vui chơi”. Được biết Nhà Thông tin trước đây xây dựng bằng cây, tole đơn sơ, rất chật hẹp và đã xuống cấp. Phương án góp tiền xây dựng Nhà Thông tin mới và được bà con đồng tình hưởng ứng. Chính quyền địa phương đã đi vận động bà con khu vực cũng như các mạnh thường quân được 40 triệu đồng cùng 5 triệu đồng của phường hỗ trợ xây dựng. Nhà Thông tin có diện tích 40m2, hoàn thành khang trang, kiên cố cuối năm 2006.

Phong trào nâng cấp, xây dựng mới các con hẻm trong khu vực là một trong những hoạt động đáng ghi nhận của địa phương trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Toàn khu vực có 7 hẻm và nhiều ngách. Lúc trước, các con hẻm đều bị xuống cấp nghiêm trọng, nắng thì bụi bay mù mịt, mưa thì sình lầy. Do nằm ven sông nên mỗi khi thủy triều dâng, nước ngập hẻm vài ba tấc là chuyện bình thường, gây trở ngại cho việc sinh hoạt, đi lại của bà con. Song song với xây dựng “Khu vực văn hóa”, Ban Nhân dân cùng các ban, ngành khu vực xác định việc làm quan trọng đầu tiên là cần phải dựa vào sức dân chỉnh trang diện mạo của khu vực.

Hẻm 364 dài 130 mét, ngày trước luôn trong tình trạng “nắng bụi mưa sình”, hệ thống dẫn nước bị bể làm cho nước tràn lên mặt hẻm. Bà con đã cùng nhau đóng góp nâng cấp hẻm và thay hệ thống ống nước với tổng kinh phí gần 49 triệu đồng. Hẻm 364 giờ đây trở thành một trong những hẻm “xanh-sạch-đẹp” kiểu mẫu của phường. Không chỉ vậy, các hẻm 370, 314, 328, 300... đều được nâng cấp từ nguồn huy động trong dân. Nếu tính cả năm, tổng số tiền dân góp làm các công trình công cộng của khu vực 3 đến 180 triệu đồng.

Đẹp trong nếp sống

Cứ mỗi chiều cuối tuần, người ta lại thấy nhân dân trong các con hẻm bảo nhau cầm chổi ra quét phần đường trước nhà. Các câu lạc bộ thể thao, văn nghệ của khu vực luôn hoạt động hiệu quả, đều đặn. Mỗi buổi sáng các cụ bà lại rủ nhau tập dưỡng sinh, các cụ ông trong câu lạc bộ cờ tướng thì mải mê “lên xe xuống ngựa”. Cuối tuần đông đảo thanh niên nam nữ lại tề tựu về Nhà thông tin khu vực cùng ca hát, vui chơi... Trưởng khu vực Trần Văn Đô, nói: “Chính các hoạt động văn nghệ, thể thao tạo nên sân chơi bổ ích, làm nên nếp sống văn hóa tốt đẹp cho khu vực, góp phần hạn chế những tệ nạn xã hội”.

Bà con khu vực 3 rất tự hào vì khu vực có chùa Hội Linh, được công nhận Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia nên mọi người đều ý thức trong việc gìn giữ vẻ trang nghiêm của chùa. Các ngày lễ trọng của Phật giáo, hay ngày rằm, 30 hằng tháng dù lượng Phật tử về chùa cúng bái rất đông nhưng vẫn đảm bảo trật tự. Tuyệt đối không có tình trạng bán dạo, ăn xin nhếch nhác trong khuôn viên chùa. Chính quyền và Ban trị sự chùa phối hợp rất chặt chẽ trong việc hướng bà con sống tốt theo pháp luật của Nhà nước, có lối sống bác ái, giúp đỡ tha nhân.

Do liền kề với quận Ninh Kiều nên lượng xe cộ và người qua lại khá đông, tuy vậy an ninh trật tự trên địa bàn khu vực luôn được giữ vững. Nhiều năm liền khu vực không xảy ra trọng án. Công bình mà nói chỉ có vài trường hợp mất cắp vặt nhưng đều được ngăn chặn kịp thời. Mỗi khi trời sập tối là các thành viên trong 12 Tổ Tự quản của khu vực lại chia nhau tuần tra, canh gác trong từng nẻo đường góc phố. Lúc trước có một nhóm thanh niên trong khu vực thường tổ chức nhậu nhẹt, gây mất trật tự. Chính quyền và các đoàn thể đã tìm hiểu tâm tư, cảm hóa và tìm việc làm phù hợp cho từng em. Nhờ vậy, các em đã sửa chữa lỗi lầm và có việc làm ổn định. Đơn cử trường hợp ông T. thường xuyên nhậu say, đánh đập vợ con, hay chửi bới xóm giềng gây mất trật tự. Sau khi được cảm hóa, lại được chính quyền giới thiệu việc làm nên anh T. đã từ bỏ rượu chè...

Chan chứa tình người

Đa phần người dân khu vực 3 sống bằng nghề làm ruộng, trồng hoa màu và nuôi cá; số khác kinh doanh, buôn bán nhỏ và sản xuất tiểu thủ công. Đời sống kinh tế của phần nhiều bà con tương đối ổn định. Còn một số hộ nghèo, cận nghèo, chính quyền, đoàn thể và bà con khu vực luôn quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ.

Gia đình ông Đặng Văn Đăng, là một hộ thuộc diện nghèo của khu vực. Trước đây, vợ chồng ông cùng người con trai phải sống trong căn nhà dột nát. Trời mưa cả nhà chạy vạy tìm vật dụng hứng nước, phải ngồi nép vào những chỗ còn lành lặn cho đỡ lạnh. Cậu con trai của ông trình độ thấp nên chỉ đi làm mướn “được chăng hay chớ”. Thấy hoàn cảnh của ông Đăng, ông Lê Ngọc Anh cùng bà con lối xóm đã tặng cho gia đình ông ngôi nhà mới khang trang. Vợ ông Đăng đã qua đời cách đây vài năm, ông lại bị tai biến, đi lại rất khó khăn do tay chân bị run. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, việc bếp núc ông phải tự làm vì người con trai phải đi làm mướn, chiều tối mới về. Bà con, lối xóm thường tới lui thăm hỏi, phụ giúp ông những việc lặt vặt. Ông Đăng xúc động: “Bà con đối xử với tôi “như bát nước đầy”, có món gì bà con cũng bưng cho tôi. Tôi mạnh giỏi được như vầy cũng là nhờ sự đùm bọc chở che của xóm giềng”.

Một trường hợp khác là bà Bùi Thị Tám, ngụ tổ 2, dù tuổi đã cao nhưng phải nuôi người con bị bệnh tâm thần. Cuộc sống khó khăn do không có việc làm ổn định, lại thêm tiền thuốc men cho con. Bà con thường xuyên thăm hỏi và hỗ trợ bà Tám.

Có thể nói, tinh thần tương trợ, cưu mang lẫn nhau đã trở thành nếp nghĩ, nếp làm của bà con khu vực 3. Gia đình nào có đám tiệc bà con cũng đến chia vui, phụ giúp rất nhiệt tình. Những gia đình có người bệnh tật, ốm đau đều được bà con đến san sẻ...

Các đoàn thể khu vực 3 đã lập được 12 tổ hùn vốn với tổng nguồn vốn huy động gần 34 triệu đồng giúp hội viên có vốn làm ăn. Khu vực còn có phong trào “Áo ấm tặng người cao tuổi”, tặng gạo cho bà con nghèo ngày rằm và 30 âm lịch hằng tháng. Lâu lắm rồi không có một vụ tranh chấp, xích mích nào to tát giữa làng xóm với nhau. Một vài mâu thuẫn nhỏ đã được tổ hòa giải khu vực kịp thời can thiệp, làm hòa trước khi lớn chuyện. Ông Trần Văn Đô cho biết: “Sự đoàn kết, gắn bó với nhau trên cơ sở tình làng nghĩa xóm là sức mạnh giúp khu vực 3 phát triển, góp phần tạo nét đẹp văn hóa cho phường”.

***

Thêm một mùa xuân mới đã về. Với những tiến bộ của địa phương càng làm lòng người thêm rộn ràng...

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết