25/08/2019 - 07:40

Nghệ sĩ Ưu tú Nhật Danh:

Múa là cuộc đời tôi! 

Theo Quyết định số 1359/QĐ-CTN ngày 12-8-2019 của Chủ tịch nước về việc phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), Nghệ sĩ Nhân dân, Cần Thơ có 2 nghệ sĩ được phong tặng NSƯT là nghệ sĩ cải lương Hoàng Khanh và biên đạo múa Nhật Danh.

NSƯT Nhật Danh hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, một trong những nghệ sĩ múa gạo cội ở miền Tây Nam bộ. Trước niềm vui lớn, NSƯT Nhật Danh chia sẻ:

Đây thực sự là niềm vui không sao tả đối với tôi. Tháng 9 này, tôi đã tròn 38 năm gắn bó với nghệ thuật múa. Múa giờ không chỉ là cái nghề, là đam mê mà thực sự là cuộc đời tôi. Nghĩ lại những ngày đầu chập chững đến với nghệ thuật múa rồi giờ được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT, đó là một hành trình đời tôi.

NSƯT Nhật Danh hướng dẫn học trò tập múa. Ảnh: DUY KHÔI

* Ông có thể chia sẻ thêm đôi điều kỷ niệm về con đường đến với nghệ thuật múa ?

- Đó là cơ duyên. Tôi vốn học ngành Thú y, nhưng đam mê là múa. Vậy rồi tôi xin gia nhập Đoàn Ca múa tỉnh Hậu Giang vào năm 1981, sau đó được học lớp biên đạo múa bài bản và làm nghề cho đến nay. 38 năm làm nghề, tôi may mắn được sự chỉ dạy và rèn luyện từ những “cây đa cây đề” của nghệ thuật múa Việt Nam như NSND Đặng Hùng, NSND Phùng Thị Nhạn, NSND Ứng Duy Thịnh...; các Nhà giáo Ưu tú: Bá Thái, Bích Nghĩa, Thúy Minh... Họ là những người thầy lớn của tôi, chỉ dẫn từ những căn bản đến nâng cao của nghề múa, truyền cho tôi cả ngọn lửa đạo mê và đạo đức nghề nghiệp.

Vậy nên với nghề múa, lúc nào tôi cũng tự nhủ rằng phải yêu nghề, kính nghiệp, làm bằng cả tâm huyết. Tôi cố gắng đưa vào tác phẩm những đặc sắc văn hóa của Cần Thơ, của miền Tây sông nước, gầy dựng và chứng tỏ thực lực múa Cần Thơ trong bức tranh chung của múa Việt Nam.

* Ông nghĩ sao khi học trò thường hay gọi vui là “Thầy Danh của vạn học trò”?

- Rất vui và tự hào. Chẳng có sổ sách nào thống kê nhưng nhẩm tính suốt 38 năm qua, tôi đã dạy cho khoảng 1.000 học trò theo nghề. Có em giờ đã làm cán bộ quản lý, biên đạo tên tuổi; cũng có em hoạt động múa như nghề tay trái. Tôi tự hào nói rằng, khắp ĐBSCL, đâu đâu cũng có học trò của tôi hoạt động trong lĩnh vực múa. Nghe học trò gọi mình tiếng “Thầy Danh” thì thấy vui nhưng cũng thấy “nặng” lắm. Mình phải trách nhiệm, trao truyền bằng hết khả năng để học trò có những bài múa đẹp, có động lực theo nghề.

Như đã nói, tôi may mắn được các tiền bối truyền dạy nghề múa và giờ tôi trao truyền cho thế hệ tiếp sau. Nhiều người nhận định và tôi thấy đúng, thế hệ của tôi như cầu nối giữa múa cổ điển và múa hiện đại. Làm sao để dung hòa, xóa mờ lằn ranh này, giúp các nghệ sĩ múa trẻ hứng thú với nghề, là điều tôi trăn trở.

* Với tư cách là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam phụ trách khu vực ĐBSCL, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP Cần Thơ, ông có nhận định gì về thực trạng múa ĐBSCL và Cần Thơ hiện nay?

- Múa ở ĐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng, đang rất khởi sắc. Điển hình nhất là tại Cuộc thi Múa không chuyên toàn quốc 2019 vừa kết thúc, có đến 6/13 địa phương ĐBSCL tham dự và đạt thành tích cao. Ở Cần Thơ, chỉ riêng Hội Nghệ sĩ múa thành phố đã có gần 100 hội viên, đó là chưa kể khoảng 200 nghệ sĩ múa đang sinh hoạt tại trên 20 đội, nhóm, câu lạc bộ múa trên toàn thành phố. Đội ngũ múa đông đảo này đóng góp cho thành phố tại nhiều sự kiện lớn và tạo sinh khí cho phong trào.

Vấn đề mà tôi trăn trở là làm sao để múa truyền thống hài hòa, không lệch pha trên sân khấu hiện đại. Phải biết giữ những động tác múa đặc trưng, cổ truyền nhưng biết cách kết hợp khéo léo những động tác bê đỡ, giao đãi, giải phóng hình thể của múa hiện đại để thu hút người xem. Một thực trạng khác mà theo tôi anh em làm nghề cần chú ý là do một số nhóm, đội múa làm dịch vụ, áp lực kinh tế nên chưa đầu tư sát đáng cho bài múa. Việc lắp ghép, nhào nặn khiến bài múa không có ngôn ngữ riêng. Nếu khắc phục những điều này, tôi tin rằng múa ở ĐBSCL và Cần Thơ sẽ xác lập vị thế vững vàng.

* Xin cảm ơn và chúc mừng NSƯT Nhật Danh!

Đăng Huỳnh (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết