03/08/2019 - 18:27

Mùa Hè yên tĩnh nhất tại EPL 

Thị trường chuyển nhượng mùa Hè 2019 sẽ đóng cửa vào ngày 8-8 tới, nhưng tính đến nay các đội bóng tại giải Ngoại hạng Anh (EPL) đang trải qua giai đoạn mua sắm khiêm tốn nhất trong lịch sử.

Sissoko (nằm) “chặt chém” tiền đạo Daniel James của Man United tại giải International Champions Cup 2019. Ảnh: ESPN

Tính đến ngày 26-7, EPL chỉ mới có 59 chữ ký mới (cân bằng con số của năm 2010), thấp nhất kể từ khi chuyển nhượng mùa Hè ra mắt vào năm 2002. Con số trên chưa bằng phân nửa so với Hè 2005 và ít hơn nhiều so với 2 mùa gần đây. Nếu các câu lạc bộ tiếp tục chiêu mộ với tốc độ xấp xỉ 1,3 chữ ký/ngày như hiện nay, thì khi “tan chợ” tổng số tân binh dự kiến chỉ là 76, thua Hè năm ngoái đến 50 chữ ký.

Xu hướng trên đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với những lần chạy đua mua sắm trước của EPL. Một trong những nguyên nhân được cho là do tình hình lực lượng các đội. Liverpool và Manchester City tự nhận thấy đã ổn, nên không nhất thiết “phá két” để nâng cấp nhân sự. Trong khi đó, Tottenham, Arsenal và Manchester United dù háo hức chi tiêu, nhưng trong những ngày tới ít có khả năng một trong số họ mua thêm nhiều cầu thủ mới.

Thực tế là nhiều đội bóng hiện nay đã cởi mở hơn với ý tưởng sử dụng những gì đang có. Các cổ động viên cũng không còn quá mong chờ “bom tấn” như trước, thay vào đó là muốn nhìn thấy những tài năng “cây nhà lá vườn” leo lên đội một. Bị cấm mua sắm trong 2 kỳ chuyển nhượng, Chelsea gặp không ít khó khăn trong quá trình chuẩn bị cho mùa giải mới. Thế nhưng, các CĐV “The Blues” có lý do để lạc quan bởi sự trở lại của huyền thoại Frank Lampard trong vai trò huấn luyện viên trưởng hứa hẹn giúp cầu thủ trẻ có thêm nhiều cơ hội khoác áo đội một. Nhiều CLB cũng không gia hạn hợp đồng với các lão tướng để mở đường cho tài năng trẻ. Thay vì giữ họ lại và trả lương cao, các đội tiễn đi để dùng số tiền đó trả cho cầu thủ trẻ được đôn lên đội một, thậm chí là rẻ hơn.

Một lý do khác khiến các đội “nhát tay” mua sắm là chi phí chuyển nhượng tăng cao. Man United bị Leicester hét mức giá kỷ lục thế giới 80 triệu Bảng cho hậu vệ Harry Maguire. Chủ tịch CLB Tottenham - Daniel Lewy - thì đòi hơn 100 triệu Bảng nếu ai muốn có sự phục vụ của Christian Eriksen mặc dù tiền vệ người Đan Mạch chỉ còn một năm hợp đồng. Còn Crystal Palace không chịu bán Wilfried Zaha với giá dưới 70 triệu Bảng. Đa số các đội đều nhận thấy giá trị lớn hơn nếu mua cầu thủ chưa thành danh và đào tạo họ thành “sao”. Thành công mà Tottenham gặt hái được ở mùa giải qua (á quân Champions League) sau kỳ chuyển nhượng Hè 2018 không mua bất cứ tân binh nào có thể khuyến khích các đội bóng khác xem xét làm điều tương tự. Thông thường các tân binh cần thời gian để tiếp thu chiến thuật của HLV, vậy tại sao không trao cơ hội cho cầu thủ đang tích cực tập luyện? Đó là quá trình “lột xác thần kỳ” của tiền vệ Tottenham Moussa Sissoko trong 12 tháng qua.

Gió đổi chiều
Lần đầu tiên trong lịch sử giải La Liga, các đội ném vào thị trường chuyển nhượng gần 1 tỉ Bảng. Chỉ trong 42 ngày đầu của phiên chợ Hè này, giải đấu cao nhất Tây Ban Nha đã mua về 88 cầu thủ mới, với tổng số tiền lên tới hơn 936 triệu Bảng (1,04 tỉ Euro), xô đổ kỷ lục của mùa 2018 (930 triệu Euro). Trong 10 năm qua, các đội EPL luôn là những tay chi đậm nhất trong 5 giải hàng đầu châu Âu. Hè năm rồi, Anh “đốt” trên 1,3 tỉ Euro, chiếm 31% tổng chi tiêu, so với 20% của Tây Ban Nha. Trong hai năm 2017 và 2016, tỷ lệ này tương ứng là 37%-13% và 41%-15%.

BÌNH DƯƠNG (Theo Telegraph, Goal)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
EPL