07/09/2017 - 21:13

Mùa cốm xanh về… 

Lúa Tú Lệ không lẫn vào đâu được. Đồng bằng sông Hồng luôn trầm trồ với nếp cái Hoa Vàng. Còn người ở Tú Lệ không hô hào. Họ cày cấy trên ruộng rồi thu hoạch lúa để ăn, thết đãi khách. Dư mới mang ra bán. Đặc biệt là lúa còn xanh non, họ hái xuống một phần làm cốm thì chỉ có ngon ngất ngây!

Cốm xanh là đặc sản riêng có của người Thái ở Tú Lệ.

Cốm tươi thường chỉ làm dư chút ít và dùng trong thời gian ngắn. Khách dừng hỏi mua. Cô gái Thái khỏe khoắn và nhanh nhẹn mang gùi ra ruộng cắt tỉa lúa non mang về rang cho chín rồi đưa vào cối giã mỏng ra. Sau đó, bóc vỏ và sàn sẩy cho sạch vỏ trấu mới thành phẩm. Mất khoảng một giờ, mẻ cốm đầu tiên mới ra lò, có màu xanh tự nhiên như hạt ngoài đồng nên nhìn thôi đã thèm ăn. Cái hay của người làm cốm là giã cối đều đặn và đảo nếp trong cối đều tay để lúa non không bị nát. Hạt gạo vừa dẹt ra không quá mỏng và mềm mại. Qua lửa, lúa non vốn đã thơm lại càng thơm hơn.

Cũng ruộng bậc thang và giống lúa từ Tú Lệ mang về nhưng nơi khác không thể trồng cho ra chất lượng như trồng ở đây được, nhất là không thể làm cốn xanh non như cốm Tú Lệ. Có lẽ, do thổ nhưỡng nằm giữa đèo Khau Phạ cao vút và cánh đồng Mường Lò phẳng phiêu, cộng với nguồn nước qua vùng đất này nên lúa Tú Lệ mang nét khác biệt. Bởi thế, người ta luôn miệng nhắc đến xôi Tú Lệ thơm lừng và dẻo hạt. Đang ăn đã thèm thuồng. Khi món đặc sản cốm miền Bắc bị thị trường hóa, người ta tẩm thêm màu cho cốm xanh, thêm phụ gia cho cốm giữ lâu hơn thì cốm Tú Lệ vẫn làm theo phương pháp truyền thống, kiểu như làm nhà ăn vậy. Vì thế, chỉ có thưởng thức tại chỗ mới cảm nhận được hết vị ngon của cốm và hương lúa bát ngát của cánh đồng dưới chân đèo Khau Phạ. Ngoài cốm, nếu ngủ đêm lại đây, du khách thể nào cũng dùng được món xôi nếp nương và thịt heo bản nướng mà chỉ có ở Tú Lệ mới ngon được như vậy!

Bài, ảnh: THỤY DU

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
mùa cốm xanh