12/12/2009 - 22:08

Một năm đìu hiu của cải lương truyền hình

Ngay tại cái nôi của sân khấu cải lương là ĐBSCL, nhiều kênh truyền hình đã thay thế mục sân khấu cải lương bằng các chương trình kịch, hài kịch. Dường như cải lương trên truyền hình ngày càng yếu thế trước sự “bành trướng” của các loại hình ca nhạc, phim truyện, trò chơi truyền hình…

Chỉ mới 5 năm trước, cải lương vẫn được xem là chương trình “đinh” trong lịch phát sóng của các đài truyền hình – đặc biệt là các đài ở khu vực ĐBSCL – với nhiều vở diễn được ưu ái dành cho “giờ vàng”, nhất là vào 20 giờ các tối thứ sáu, thứ bảy. Hiện nay, chương trình cải lương được xếp vào những khung giờ “trái khoáy” như 9 giờ sáng, 14 giờ chiều, 21 đến 22 giờ đêm. Khán giả chỉ còn được xem nguyên vở tuồng trên các kênh truyền hình Đồng Tháp và Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ, còn hầu hết các đài đều phát sóng các trích đoạn từ các chuyên đề của riêng các nghệ sĩ tài danh, từ các cuộc thi hoặc chuyên mục của đài HTV.

 Chương trình “Bông hồng tặng mẹ” tại Nhà hát Tây Đô.

Phải nhìn nhận cải lương trên truyền hình từ lâu đã không còn hấp dẫn. Khách quan mà nói, cải lương là một loại hình nghệ thuật đặc thù chỉ toát lên sức hút và vẻ đẹp trọn vẹn của nó khi được trình diễn trên sân khấu, khán giả trực tiếp thưởng thức tài ca diễn của diễn viên hòa quyện cùng những yếu tố sân khấu đặc trưng như âm nhạc, ánh sáng, phục trang và cả những kỹ xảo. Còn cải lương phát trên truyền hình, dù có chăm chút đến đâu thì vẫn thấy có sự giả tạo, nhất là trong cảnh trí, phông màn, đạo cụ... Đó là chưa kể, độ nét và hình ảnh cận cảnh của truyền hình còn làm giảm hào quang và vẻ lung linh của người nghệ sĩ vốn chỉ có thể bộc lộ trọn vẹn ở “thánh đường sân khấu”. Dù vậy, nhiều người cho rằng nguyên nhân chính khiến cải lương trên truyền hình ngày càng “mất thế” là do hàng chục năm qua chưa hề đổi mới, không đem đến sự sáng tạo, mới lạ, hấp dẫn cho bạn xem đài. Quanh đi quẩn lại, vẫn là ba hình thức, mà chủ yếu là sử dụng các vở tuồng cũ: “bê nguyên xi” vở diễn của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp về trường quay để thu hình một cách cứng nhắc; phát sóng những vở tuồng cải lương của các hãng băng đĩa vốn quá quen thuộc với khán giả mộ điệu; tổ chức biểu diễn các trích đoạn nổi tiếng theo từng chuyên đề rồi thu hình và phát sóng từ từ.

Trong năm qua, một số đài truyền hình đã có nỗ lực làm mới cải lương, đưa cải lương tiếp cận gần công chúng, nhưng rồi đều không trụ được lâu. Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh từng tổ chức sản xuất “Phim truyện cải lương”, ứng dụng công nghệ thu tiếng trực tiếp, khiến diễn viên có cảm xúc thật hơn trong từng câu hát, các nhân vật sống động hơn. Giai đoạn đầu, “Phim truyện cải lương” đã chinh phục khán giả qua các vở: “Cho trọn tình đầu”, “Lòng mẹ”, “Mẹ tôi”, “Một nửa thiên đường”, “Sông mê”... vì đây là những kịch bản mới, đậm hơi thở cuộc sống, có tiết tấu nhanh, cách dàn dựng giàu kịch tính theo kiểu phim truyền hình. Tuy nhiên, sau hơn một năm lên sóng, do áp lực mỗi tuần phải có một vở diễn mới, nên nhiều vở diễn bị cắt khúc. Khán giả xem cải lương với tâm thế hòa nhập vào vở diễn từ giây phút đầu tiên đến phút cuối cùng; khi vở diễn bị cắt vụn, phải chờ đến tuần sau người xem mới được theo dõi phần tiếp theo, nên “Phim truyện cải lương” không thể thu hút khán giả. Tại ĐBSCL, Đài Phát thanh truyền hình Hậu Giang cũng vài lần hỗ trợ Nhà hát Tây Đô của TP Cần Thơ mời các nghệ sĩ tài danh từ TP Hồ Chí Minh kết hợp cùng Đoàn cải lương Tây Đô biểu diễn một số chương trình, như “Lan và Điệp”, “Người nhà quê”, “Bông hồng tặng mẹ” thu hút đông đảo công chúng. Thế nhưng, nỗ lực này như “muối bỏ biển” vì sức của các đơn vị này có hạn.

Nói gì thì nói, trong tình hình hoạt động sân khấu cải lương nghèo nàn như hiện nay, cải lương trên truyền hình là một hình thức hiệu quả nhằm lưu truyền loại hình nghệ thuật truyền thống này trong đời sống tinh thần của đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ. Trong khi đó, hiện nay hầu hết giờ vàng trên sóng truyền hình đều dành cho các chương trình có tính giải trí nhằm thu hút tài trợ và quảng cáo. Đã đến lúc việc tìm hình thức mới cho cải lương trên truyền hình không chỉ là nhiệm vụ của riêng các đài truyền hình, mà cần có sự cộng đồng trách nhiệm của nhiều phía: ngành văn hóa, các đoàn nghệ thuật và chính sách ưu đãi từ Nhà nước để khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư vào các chương trình cải lương trên truyền hình, như hiện nay các công ty truyền thông và giải trí đang đầu tư sản xuất phim truyện, game show...

Bài, ảnh: Xuân Viên

Chia sẻ bài viết