22/03/2013 - 20:15

Một họ tộc “nghệ sĩ”

Tộc họ Lương ở ấp Định Yên, xã Định Môn, huyện Thới Lai, có gần 30 thành viên. Điều đặc biệt là cả tộc họ đều đam mê đờn ca tài tử. Cứ rảnh rỗi, các thành viên dòng họ lại tụ họp ca hát, diễn cải lương để giải trí. Lời ca tiếng hát ngày càng gắn bó các gia đình, thành viên trong họ tộc.


Buổi sinh hoạt của các thành viên tộc họ Lương. 

Trời mới chập tối, căn nhà vợ chồng ông Đặng Ngọc Hưng (Tám Hưng) và bà Lương Thị Tuyết Hoa đã khá đông người. Họ đều là anh em, con cháu họ Lương - bên vợ ông Tám Hưng. Người châm trà nước, người trải chiếu, người so dây đờn… chuẩn bị cho cuộc đờn ca. Khán giả là bà con hàng xóm đến xem vỗ tay không ngớt. Không quy định cụ thể nhưng hễ rảnh việc đồng áng, khi trong gia đình, lối xóm có đám tiệc là các thành viên tộc họ Lương lại tổ chức đờn ca. Bà Lương Thị Tuyết Hoa cho biết: "Chúng tôi truyền dạy cho thế hệ con cháu các bài bản, điệu thức tài tử như một cách kết nối các thành viên trong gia đình".

Tộc họ Lương hiện có hơn 30 thành viên thì hơn 20 người biết đờn ca tài tử. Trưởng tộc là ông Lương Hữu Lãnh, năm nay đã 77 tuổi, cũng là người lớn tuổi nhất trong họ. Tuổi già, giọng đã run, tay chân không còn linh hoạt nhưng đôi tai vẫn minh mẫn nên mỗi buổi sinh hoạt ông Ba Lãnh đều ngồi nghe con cháu hát, chỗ nào sai ông chỉnh sửa liền. Ông Ba Lãnh là "cây đa, cây đề" trong phong trào gầy dựng đờn ca tài tử ở địa phương từ hơn 50 năm trước. Theo lời ông Ba Lãnh, ông nội và cha mẹ ông đều là người đờn ca nên tập tành cho ông làm quen cổ nhạc từ nhỏ. Năm 1957, ông là một trong những người tiên phong thành lập Đội Ca - múa - nhạc Tuổi trẻ của xã để diễn phục vụ bà con ngay trong lòng địch, tuyên truyền cách mạng. Những vở cải lương nội dung đả phá sự tàn ác của giặc và bè lũ tay sai, ca ngợi tinh thần yêu nước của dân tộc diễn thu hút hàng trăm người đến xem và cổ vũ. Ông Ba Lãnh kể: "Hồi đó tuồng nổi tiếng của đội là "Thầy Mỹ - trò Diệm" lên án chế độ Mỹ - Ngụy. Tôi đóng vai "trò Diệm" - nịnh nọt, ác ôn khiến bà con ai cũng "ghét". Đó cũng là cái thương của bà con dành cho mình".

Ông Tám Hưng, con rể ông Ba Lãnh, kể: "Đam mê đờn ca rồi như cái nợ khó dứt. Đang đi công chuyện, buôn bán mà nghe có đờn ca "ba Nam -sáu Bắc" là nhảy lên xin ca liền. Nhờ vậy mà bạn bè văn nghệ nhiều lắm, giáp xứ đồng bằng ở đâu cũng có và duyên vợ chồng cũng đến với nhau từ đó". Khoảng năm 1976, ông Tám Hưng là thành viên đội văn nghệ ấp Định Mỹ còn bà Tám Hưng thuộc ấp Định Yên. Những buổi diễn văn nghệ phục vụ bà con, ông bà thường đóng vai đào - kép mùi, quyến luyến. Vậy rồi tiếng đờn lời ca mang ông bà đến với nhau và gắn bó gần 40 năm qua.

Địa điểm mỗi buổi sinh hoạt đều được thay đổi: khi thì nhà ông Tám Hưng, nhà ông Công Chuẩn… để tạo không khí vui vẻ. Ngày họ tộc có đám giỗ, ngày kỷ niệm, anh em, chú bác hò hát rộn ràng đến khuya. Dứt tiếng đờn ca, các thành viên ngồi lại thăm hỏi, sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống. Tộc họ Lương được nhiều CLB, hội nhóm tài tử ở các địa phương khác trong địa bàn thành phố và các tỉnh khác mời giao lưu văn nghệ. Những chuyến giao lưu kết hợp tham quan tràn ngập niềm vui.

Hai quy tắc "bất thành văn" nhưng luôn được các thành viên tộc họ Lương chấp hành: người lớn thì phải tận lực làm kinh tế khá giả; tuổi nhỏ thì phải học giỏi rồi mới được ca hát. Ông Ba Lãnh giải thích: "Ca hát mà bỏ bê đồng ruộng, làm ăn, xao lãng học hành thì bậy lắm!". Quả vậy, hầu hết các thành viên trong họ tộc này đều khá giả, có nhà tường, xe gắn máy. Các gia đình còn thành lập Tổ may gia công cải thiện công ăn việc làm cho thành viên và bà con lối xóm, được chính quyền địa phương đánh giá cao. Con cháu tộc họ Lương luôn được bà con hết lời khen ngợi không chỉ vì có khiếu hát hay mà còn bởi sự lễ phép, ngoan hiền và học giỏi. Qua tích xưa chuyện cũ trong mỗi bài ca, người lớn trong tộc họ thường khuyên dạy cháu con sống làm người quân tử, giúp dân giúp nước, không được gian dối, xảo trá. Họ học được cái đạo ở đời, cách đối nhân xử thế trong đờn ca tài tử.

Nhiều người nói vui rằng họ Lương có thể thành lập một "gánh hát gia đình" bởi có đủ đào, kép, soạn tuồng, nhạc công. Các dâu, rể trong dòng họ đều ca hay, mùi. Điểm đặc biệt của dòng họ này là nhiều người biết hát các bài bản khó của đờn ca tài tử như: Long Ngâm, Long Đăng, Vạn Giá, Thanh Dạ Đề quyên… và có thể biểu diễn trích đoạn cải lương. Đào, kép nghiệp dư nhưng diễn nhập vai rất ăn ý. Thành viên nhí nhất là em Lê Thanh Trúc, mới 11 tuổi, đã ca khá nhiều bài bản khó. Em có thể ca trọn vẹn 21 câu Long Ngâm khiến giới chuyên môn rất ngạc nhiên. Thanh Trúc đạt khá nhiều giải thưởng cấp huyện và đang chuẩn bị thi Liên hoan Đờn ca tài tử thành phố tới đây. Hiện nay, họ Lương là hạt nhân trong phong trào văn hóa, văn nghệ ở xã Định Môn. Hầu như Liên hoan Đờn ca tài tử cấp huyện năm nào họ Lương cũng có người đạt giải. Họ Lương cũng rất nhiệt tình tham gia diễn phục vụ bà con mỗi khi xã tổ chức văn nghệ, sự kiện. Khi bà con trong xã hay bất cứ đâu có đám tiệc, "gánh hát gia đình" sẵn lòng mang lời ca tiếng hát góp vui. Mọi người tâm niệm: được ca hát thỏa niềm đam mê đã là niềm hạnh phúc lại được bà con muốn nghe, muốn thưởng thức thì hạnh phúc nào bằng.

***

Ông Nguyễn Văn Đền, cán bộ Văn hóa xã Định Môn, nói: "Đây là một dòng họ tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương và có lối sống lành mạnh, quan tâm lẫn nhau". Họ Lương ở Định Môn đã góp phần đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử tiến gần đến danh hiệu "Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại".

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết