14/06/2021 - 15:38

Mộc mạc vị bánh quê 

Bên cạnh những dòng bánh hiện đại như một sắc thái riêng biệt của thế giới bánh ngon, thì một số địa phương, người dân vẫn làm bánh gia truyền, lưu giữ nếp quê qua các loại bánh dân dã, bình dị. Với nghề làm bánh dân gian, nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định.

Ở khu chợ nhỏ xã Trung An, huyện Cờ Ðỏ, gánh bánh da lợn mặn của chị Nguyễn Thị Kim Loan rất đắt hàng bởi vị bánh thơm ngon và giá cả bình dân. Gia đình chị Loan (ngụ tại ấp Thạnh Lộc 2, xã Trung An) duy trì nghề làm bánh này trong suốt hơn 30 năm qua. Chị Loan trải lòng: “Mẹ chồng tôi có nghề làm bánh dân gian, chuyên làm các loại bánh quê, như: bánh canh, bánh bò, bánh bèo, chè đậu,… Trước đây, bà trực tiếp làm bánh, còn tôi chỉ phụ tiếp và gánh ra chợ bán hằng ngày. Về sau, tôi mở rộng quy mô, phát triển nghề làm bánh gia truyền của gia đình, nhận làm bánh phục vụ đám, tiệc…”.

Cô Đạm (khu vực Thới Ninh, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy) đang gói bánh lá dừa. 

Bánh da lợn mặn còn có tên thường gọi là bánh đúc mặn, được sáng tạo thành các loại bánh lạt, bánh chay. Theo chị Loan, làm bánh da lợn mặn không khó nhưng phải có bí quyết riêng để bánh có độ giòn, dai và vị béo đặc trưng. Ðể có bánh da lợn ngon, cần nguyên liệu chính là bột gạo; nhân được làm từ củ sắn, củ cải đỏ và tôm khô. Và một nguyên liệu không thể thiếu là nước cốt dừa, góp phần làm bánh thêm đậm vị, béo, thơm. Hiện nay, khi công nghệ phát triển, nhiều người làm bánh chuyển sang hấp bằng lò điện nhưng chị Loan vẫn duy trì phương pháp hấp bánh thủ công, chụm bằng trấu để có thể điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp. Mỗi ngày, chị Loan hấp khoảng 150 cái bánh da lợn mặn, với giá 3.000 đồng/cái, có nhân tôm khô; 2.000 đồng/cái đối với bánh lạt và bánh nhân củ sắn, củ cải đỏ. Chị Loan kể: “Hằng ngày, tôi bán bánh da lợn mặn kèm theo các món ăn khác, như: bánh tằm, bánh ướt,... Tùy theo số lượng đơn đặt hàng của khách mà tôi gia giảm số lượng bánh”.

Ðối với hầu hết các loại bánh dân gian, tuy nguyên liệu dễ tìm nhưng cũng đòi hỏi rất nhiều sự chăm chút và khéo léo của người thợ để cho ra những mẻ bánh bắt mắt, thơm ngon. Với gia đình cô Huỳnh Thị Hà, tên thường gọi là cô 3 Ðạm, 65 tuổi (ngụ tại khu vực Thới Ninh, phường Thới An Ðông, quận Bình Thủy), nghề làm bánh lá dừa đã giúp gia đình cô “ăn nên, làm ra” trong suốt hơn 14 năm qua. Cô Ðạm bảo rằng, thời con gái nhà quê như cô ai nấy cũng đều biết làm bánh, do được ông bà truyền nghề và học từ bà con lối xóm. Vừa luôn tay thoăn thoắt gói những chiếc bánh, cô Ðạm chia sẻ: “1 ký nếp thì tôi gói được 17 cái bánh. Ðể có được chiếc bánh dừa thơm, ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn. Ðầu tiên mua cây cà bắp (bắp dừa lá) dùng để quấn nòng bánh. Nếp phải chọn mua nếp mới để xào, vắt nước cốt dừa vào và trộn đều với xác dừa, thêm gia vị muối, đường, đậu. Ðể làm nhân bánh, phải nấu đậu xanh, xắt chuối xiêm chín. Sau khi mọi công đoạn sơ chế đã xong tôi mới bắt đầu gói bánh”.

Hằng ngày, cọc cạch trên chiếc xe đạp nhỏ, cô Ðạm chỉ bán bánh lá dừa quanh quẩn ở khu vực chợ Thới An Ðông. Bánh của cô bán khá đắt hàng, tầm hơn 6 giờ sáng đã bán hết. Bình quân mỗi ngày, cô gói trên 100 bánh, vừa bán lẻ vừa bỏ mối với giá 5.000 đồng/cái; trừ chi phí, cô lời trên 120.000 đồng. Riêng dịp lễ, Tết, bà con lân cận tìm đến cô để đặt gói bánh tét. Tuy số tiền không nhiều nhưng cũng giúp cô sống được với nghề, lại thỏa niềm mong mỏi được gìn giữ hương vị bánh quê.

Hiện nay, nhịp sống đô thị hóa, nhiều loại bánh ra đời, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng nhưng các loại bánh dân gian vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường, giúp nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thu nhập ổn định. Qua đôi bàn tay của khéo léo của người thợ, những chiếc bánh dân gian lại thơm ngon hơn, tròn vị hơn, hội tụ tinh túy các sản vật quê nhà.

Bài, ảnh: Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết