(CT)- Ngày 19-3-2013, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn chủ trì Hội nghị trực tuyến định hướng công tác ngoại vụ địa phương năm 2013 với sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước. Tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND TP, cùng lãnh đạo các sở ngành, quận huyện tham dự hội nghị.
Căn cứ vào những định hướng chính trong công tác đối ngoại của Bộ Ngoại giao, công tác ngoại vụ địa phương năm 2013 sẽ tập trung ưu tiên mở rộng hợp tác với các nước láng giềng, các nước khu vực Đông Bắc Á, ASEAN, các nước phát triển Mỹ, Pháp, Canada, các nước có tiềm năng và có chính sách ưu tiên hợp tác với Việt Nam ở Trung Âu, Mỹ La-tinh. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong triển khai công tác liên quan đến biên giới lãnh thổ. Đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại và thu hút viện trợ phi chính phủ. Tăng cường các hoạt động ngoại giao văn hóa, vận động kiều bào, thông tin tuyên truyền đối ngoại
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, năm 2012, các tỉnh thành đã tổ chức khoảng 5.800 đoàn ra nước ngoài để thiết lập quan hệ hợp tác, xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch
và đón khoảng 8.700 đoàn nước ngoài vào thăm làm việc, tìm hiểu tình hình Việt Nam; tăng cường các hoạt động hợp tác địa phương với các nước láng giềng. Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, một số tỉnh thành đã đạt kết quả tương đối khả quan trong thu hút vốn FDI, ODA, vận động viện trợ phi chính phủ và vận động kiều hối. Năm 2012, Bắc Giang và Phú Thọ có 2 di sản văn hóa được UNESCO công nhận, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút du khách và kiều bào nước ngoài. Dù vậy, công tác đối ngoại địa phương vẫn còn một số hạn chế nhất định. Nhiều cơ quan, đơn vị địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò của cơ quan ngoại vụ trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, thiếu chủ động hoặc chậm triển khai hoạt động đối ngoại, thỏa thuận ký kết quan hệ hợp tác; xúc tiến đầu tư thương mại còn hạn chế, chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Tại Hội nghị, các địa phương tập trung thảo luận về những vấn đề: bộ máy tổ chức làm công tác ngoại vụ địa phương; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với công tác ngoại vụ địa phương; sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao- các tỉnh thành- các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm tăng cường hỗ trợ thông tin giúp các địa phương đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại cũng như quảng bá hình ảnh các địa phương; đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng giao tiếp, đàm phán, thông dịch
cho cán bộ ngoại vụ địa phương. Đáng ghi nhận là phần lớn ý kiến đề nghị sớm kiện toàn bộ máy ngoại vụ địa phương. Cụ thể, hiện mới chỉ có 43 tỉnh thành thành lập Sở Ngoại vụ; các huyện biên giới không có bộ máy, biên chế làm công tác ngoại vụ nên gặp rất nhiều khó khăn trong các hoạt động hợp tác địa phương. Những ý kiến này sẽ được Bộ Ngoại giao ghi nhận, phối hợp cùng các Bộ ngành liên quan giải quyết hoặc trình Chính phủ xem xét.n
SỸ HUIÊN