21/04/2018 - 15:54

Mô hình bác sĩ gia đình - nhiều nơi than khó!
Kỳ II: Trạm y tế “chật vật” với mô hình bác sĩ gia đình 

Mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) có ưu việt là quản lý hồ sơ sức khỏe từ gốc. Thực tế 18 trạm y tế trên địa bàn TP Cần Thơ triển khai mô hình rất vất vả. Khi nghe hỏi đến mô hình BSGĐ, nhiều cán bộ y tế ở cơ sở tỏ ra ngán ngại bởi thêm việc nhưng không có kinh phí, trong khi không có kinh nghiệm về y học gia đình, trang thiết bị y tế và văn phòng thiếu thốn…

Thiếu nhân lực trầm trọng

Mô hình BSGĐ được sự ủng hộ của Bộ Y tế. Sở Y tế TP Cần Thơ cũng đã phối hợp với Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang xây dựng, cài đặt phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe; hướng dẫn nhập liệu, tích hợp các dữ liệu, in, cấp phát hồ sơ quản lý sức khỏe, bệnh án và phiếu thu thập thông tin cho 18 trạm y tế với số tiền trên 200 triệu đồng do Dược Hậu Giang hỗ trợ. Thế nhưng, các trạm y tế vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện. Người dân chưa quan tâm, chưa tin tưởng và nhiều người chưa hiểu đúng về mô hình, hoặc đánh đồng BSGĐ với những bác sĩ khám tư tại nhà. Thêm vào đó, chất lượng dịch vụ tại trạm y tế chưa đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân cũng là điều hạn chế.

Cán bộ y tế Trạm Y tế phường Thới Hòa, quận Ô Môn, khám cho học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du theo nguyên lý y học gia đình.
Cán bộ y tế Trạm Y tế phường Thới Hòa, quận Ô Môn, khám cho học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du theo nguyên lý y học gia đình.

 

Trạm y tế Trường Long, huyện Phong Điền là đơn vị tiêu biểu cho hoạt động của y tế cơ sở và xây dựng phòng khám BSGĐ của Cần Thơ. Bác sĩ Nguyễn Văn Sang, Trưởng trạm y tế, cho biết: “Cuối năm 2017, trạm y tế triển khai mô hình BSGĐ. Toàn xã có 20 ấp, với 22.187 nhân khẩu. Trạm kết hợp với cán bộ các ấp đến nhà dân điều tra, thu thập thông tin. Đến nay đã điều tra cơ bản xong, đang tiến hành khám, nhập liệu vào phần mềm quản lý cho khoảng 12.152 người. Tổ chức khám để lập hồ sơ, nếu khám tại trạm y tế, người dân ít chịu đến, nên chúng tôi phải đến các ấp, nhưng người dân đến khám chỉ khoảng 50%; số còn lại, chúng tôi phải đến tận nhà. Trong khi đó, lực lượng dành cho công việc này chỉ có 1 bác sĩ của trạm và 1 y sĩ”.

Theo phản ánh của cán bộ ở trạm y tế, mô hình BSGĐ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, giúp giảm tải cho BV tuyến trên và mang đến lợi ích cho người dân bởi được theo dõi, điều trị liên tục, toàn diện, được tư vấn phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm. Nhưng đó là lý thuyết, còn triển khai thực tế rất gian nan.

Hiện nay, một bộ phận người dân, nhất là ở các quận trung tâm, nơi tập trung nhiều BV, không “mặn mà” đến khám bệnh, chữa bệnh tại các trạm y tế, dù khám không thu phí cũng ít người đến. Một bác sĩ công tác ở trạm y tế than thở: “Tâm lý chung, người dân không chịu đi khám bệnh nếu không có dấu hiệu của bệnh. Thêm nữa, nhân viên trạm giải thích việc khám sàng lọc để lập hồ sơ, chứ không phát thuốc thì họ phàn nàn và không chịu đến trạm khám. Trong khi nhân lực chỉ có 1 bác sĩ, nên không khám chuyên khoa, chủ yếu chỉ khám nội và không biết đến khi nào mới lập hồ sơ được hết số nhân khẩu trong xã”.

Theo đại diện của Trạm y tế Thới Thạnh, huyện Thới Lai, khi tổ chức khám, một số người dân không đi nên tiến độ lập hồ sơ rất chậm. Mời 2 đợt không thành công, nhân viên, bác sĩ trạm y tế phải đến tận ấp, chia cụm để khám. Sáng, các cán bộ phải khám bệnh cho dân ở trạm y tế, chiều mới tranh thủ đến ấp khám để lập hồ sơ quản lý. Cán bộ của trạm y tế còn phải tham gia “trực” hỗ trợ tại Trung tâm y tế huyện. Do vậy, nhân lực để thực hiện mô hình BSGĐ đang thiếu trầm trọng.

Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều Hoàng Xuân Dũng nhìn nhận, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc mời người dân đến khám để lập hồ sơ quản lý. Thậm chí khám ở tận khu vực dân cư, người dân đến khám cũng rất thưa thớt. Một bác sĩ công tác ở trạm y tế thuộc quận Ninh Kiều, bộc bạch: “Trong các đợt khám miễn phí, phát thuốc và quà thì dân đến rất đông. Còn khám để lập hồ sơ quản lý sức khỏe do không phát thuốc nên họ không đi và rất khổ cho các trạm y tế khi triển khai mô hình BSGĐ”.

Nhiều bất cập

Theo Sở Y tế Cần Thơ, hiện nay, bình quân trạm y tế xã có từ 6- 10 cán bộ mà phải điều tra, khám và lập hồ sơ, quản lý hồ sơ sức khỏe 7.000- 22.000 dân; thậm chí có những xã, phường trên 30.000 dân. Trong khi đó, trạm y tế còn phải quản lý rất nhiều chương trình: lao, HIV, tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, an toàn thực phẩm… Vì lẽ đó, khi gánh thêm mô hình BSGĐ, các trạm y tế bị quá tải, nhất là các trạm y tế đặt trên địa bàn đông dân cư. Phần lớn phòng khám BSGĐ, bác sĩ trưởng trạm kiêm luôn phụ trách BSGĐ do đó khối lượng công việc rất lớn.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam đóng góp ủng hộ mua trang thiết bị cho y tế cơ sở.
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam đóng góp ủng hộ mua trang thiết bị cho y tế cơ sở.

 

Bác sĩ Lê Hữu Thành, Trưởng trạm y tế An Bình, quận Ninh Kiều cho biết: “Việc đến tận nhà dân để thu thập thông tin không phải dễ dàng, vì người dân vắng nhà, đi làm ăn xa. Trạm y tế phải lấy nội dung điều tra từ bảo hiểm y tế để nhập vào. Tuy nhiên, cán bộ của trạm bận nhiều việc nên tiến độ nhập liệu vào máy tính bị chậm và phải thuê học sinh nhập liệu tiếp. Có trạm y tế, cán bộ phải tranh thủ nhập liệu cả ban đêm”.

Bên cạnh vấn đề nhân lực, các trạm y tế phản ánh mạng chập chờn, có trạm nhập gần xong dữ liệu vào phần mềm thì phát hiện mất thông tin của gần 1.000 người, phải nhập lại… Khó khăn nhất vẫn là vấn đề kinh phí. Tất cả các khâu từ tuyên truyền, tờ rơi, thu thập thông tin, nhập liệu, công khám, xét nghiệm; vật tư tiêu hao cho xét nghiệm, siêu âm; mua sắm trang thiết bị y tế, máy tính, máy in, máy quét mã vạch phục vụ quản lý sức khỏe tại các cơ sở y tế cũng như văn phòng phẩm, điện, nước, xăng xe, chi phí cho đoàn khám đến ấp, khu vực... đều không có kinh phí.

Năng lực khám, chữa bệnh của trạm y tế chưa phù hợp với yêu cầu của mô hình phòng khám BSGĐ; danh mục thuốc còn hạn chế; chưa thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng cơ bản như: siêu âm, đo điện tim, X - quang… Các trạm y tế không đủ nhân sự phục vụ công tác tại phòng khám BSGĐ do tập trung vào công tác phòng dịch, tiêm chủng, các chương trình sức khỏe và những hoạt động khác của địa phương trong khi chưa lồng ghép được các hoạt động, chức năng vốn có của trạm y tế với hoạt động phòng khám BSGĐ. Trang thiết bị y tế tại các trạm y tế được đầu tư lâu năm, phần lớn đã hư hỏng nên chưa đảm bảo theo danh mục Bộ Y tế quy định (trừ những trạm mới được đầu tư xây dựng mới có gói trang thiết bị đi kèm). Ngoài bác sĩ đa khoa được đào tạo 3 tháng y học gia đình thì các chức danh khác tại trạm y tế chưa được đào tạo, tập huấn về y học gia đình.

Thực tế hiện nay, phần lớn các trạm y tế đều loay hoay với việc thu thập thông tin và nhập liệu, khám… Tất cả các trạm y tế chưa có sự liên hệ trao đổi thông tin, phản hồi thông tin người bệnh chuyển tuyến hay điều trị ở tuyến trên. Chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám BSGĐ với hệ thống khám chữa bệnh. Chưa thực hiện khám, chữa bệnh tại nhà (do chưa được bảo hiểm y tế thanh toán), chưa thực hiện tư vấn sức khỏe. Mô hình phòng khám BSGĐ chưa hấp dẫn tư nhân tham gia thành lập phòng khám BSGĐ, nên các phòng khám BSGĐ tư nhân triển khai mô hình BSGĐ còn quá ít. Hiện nay, các trạm sử dụng phần mềm khám chữa bệnh (bảo hiểm y tế); phần mềm BSGĐ; phần mềm tiêm chủng; phần mềm bệnh không lây nhiễm... vì thế, đối với 1 bệnh nhân, phải cập nhật nhiều phần mềm khác nhau, gây tốn nhiều công sức cho cán bộ y tế và máy tính quá tải vì nhiều phần mềm.

HUỆ HOA

(Còn tiếp)

Kỳ cuối: Cần quyết tâm lớn

Chia sẻ bài viết