21/04/2018 - 07:20

Mô hình bác sĩ gia đình - nhiều nơi than khó!
Kỳ I: Ưu việt nhưng chưa phổ biến 

TP Cần Thơ hiện có 18 trạm y tế, 6 phòng khám BSGĐ tư nhân và bệnh viện. Dù thành phố đã triển khai hơn 2/3 chặng đường của Đề án nhưng nhiều người dân đến khám tại đây cũng không biết đó là mô hình BSGĐ. Mặt khác, công tác truyền thông về mô hình chưa hiệu quả; đội ngũ thầy thuốc gia đình không thể bao phủ hết các nhiệm vụ mà mục tiêu đề án đặt ra. 

Kỳ I: Ưu việt nhưng chưa phổ biến

Cần Thơ là 1 trong 8 tỉnh, thành tham gia Đề án: “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) giai đoạn 2013-2020” của Bộ Y tế. Mô hình BSGĐ được kỳ vọng sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục và thuận lợi cho người dân, góp phần giảm quá tải bệnh viện. Song, qua 5 năm triển khai Đề án, nhiều địa phương than khó vì không đủ nguồn lực thực hiện đề án. Mô hình BSGĐ vẫn loay hoay tìm lời giải.

BSGĐ: loay hoay ở phòng khám

Theo Bộ Y tế, Phòng khám BSGĐ được xây dựng theo 3 mô hình: Phòng khám BSGĐ tư nhân độc lập; Phòng khám BSGĐ thuộc phòng khám đa khoa tư nhân hoặc bệnh viện (BV) đa khoa tư nhân; Phòng khám BSGĐ thuộc khoa khám bệnh của BV đa khoa công lập và  trạm y tế xã có lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ của phòng khám BSGĐ.

Cán bộ y tế Trạm Y tế phường Phước  Thới, quận Ô Môn lập sổ quản lý sức khỏe cho người dân theo nguyên lý y học gia đình.
Cán bộ y tế Trạm Y tế phường Phước  Thới, quận Ô Môn lập sổ quản lý sức khỏe cho người dân theo nguyên lý y học gia đình.

 

Bác sĩ Thái Thị Ngọc Thúy, Trưởng Phòng khám BSGĐ, Trưởng Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, học cao học và nghiên cứu sinh về y học gia đình ở nước ngoài lý giải: Theo mô hình của Bộ Y tế, khi người dân bệnh có bảo hiểm y tế sẽ đến các phòng khám BSGĐ khám bệnh, nhận thuốc. Nếu bệnh nặng- ví dụ nhồi máu cơ tim cần can thiệp chuyên khoa sâu hoặc bệnh lý cần phẫu thuật- BSGĐ sẽ chuyển bệnh nhân đến các BV. Còn những bệnh nhân điều trị ổn định, sẽ theo dõi tại phòng khám BSGĐ. Thông tin khám, chữa bệnh được liên thông giữa các tuyến. Khi bệnh nhân đến khám, chỉ cần nhập tên, địa chỉ thì toàn bộ các thông tin hành chính, lịch sử tiêm chủng, tiền sử bệnh, quá trình điều trị trước đây đều đầy đủ trong hồ sơ lưu trữ trên hệ thống, giúp ích rất nhiều cho bác sĩ trong điều trị và bệnh nhân được theo dõi sức khỏe liên tục.

Theo bác sĩ Thái Thị Ngọc Thúy, mô hình BSGĐ giúp giảm quá tải ở các BV, tiết kiệm thời gian và chi phí cho bệnh nhân. BSGĐ cũng xác định các yếu tố nguy cơ để tư vấn phòng bệnh, sàng lọc bệnh hiệu quả, giúp chẩn đoán đúng, hạn chế bỏ sót bệnh, tiết kiệm chi phí điều trị và chọn lọc các test kiểm tra sức khỏe định kỳ phù hợp. Hiện có hơn 100 quốc gia đã đào tạo BSGĐ và áp dụng chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình. Mô hình BSGĐ giúp người dân được theo dõi toàn diện, liên tục, ngay cả khi bệnh lẫn khi khỏe mạnh.

Tại TP Cần Thơ, BV Đại học Y Dược Cần Thơ là đơn vị đầu tiên thực hiện mô hình phòng khám BSGĐ tại BV từ tháng 1-2015. Quy trình cụ thể: bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân hỏi bệnh sử, tiền sử, khám lâm sàng và chỉ định cận lâm sàng cần thiết; bệnh nhân thực hiện cận lâm sàng; cuối cùng bác sĩ ghi toa, tư vấn và lập hồ sơ quản lý sức khỏe, hẹn bệnh nhân tái khám. Hiện nay, phòng khám tiếp nhận bệnh nhân khám tổng quát, tầm soát bệnh và điều trị các bệnh lý mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… Bệnh nhân đến khám được lập Hồ sơ theo dõi sức khỏe (bằng phần mềm) do bộ phận công nghệ thông tin của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ hỗ trợ.

Sau hơn 2 năm thực hiện, các bác sĩ ở Bộ môn Y học gia đình, Khoa Y và Khoa Khám bệnh, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã thực hiện đề tài “Tình hình thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu qua mô hình BSGĐ tại phòng khám BSGĐ, BV Đại học Y Dược Cần Thơ”. Nghiên cứu cắt ngang được thực hiện từ tháng 9 đến tháng 12-2016 trên 96 bệnh nhân đến khám tại đây và 72 học viên đến học tập, thực hành tại phòng khám. Kết quả: năm 2015, phòng khám thực hiện 7.133 lượt khám; năm 2016: 8.378 lượt, tăng 17,5 %. Phòng khám tiếp nhận khám tổng quát và tái khám định kỳ; gần 94% bệnh nhân hài lòng với dịch vụ tại phòng khám. Đa số ý kiến đều nhận xét là bác sĩ vui vẻ, tận tình, giải thích cặn kẽ, tư vấn dùng thuốc, tập luyện, ăn uống. Tuy nhiên, phần mềm này hiện chưa liên thông, nên khi bệnh nhân khám bệnh ở nơi khác thì không có thông tin cập nhật và phòng khám chưa thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà. 

Thiếu thông tin về BSGĐ

  Tính đến thời điểm hiện tại toàn thành phố có 79 bác sĩ y học gia đình. Trong đó có 13 bác sĩ chuyên khoa I y học gia đình và 66 bác sĩ đa khoa học định hướng y học gia đình. Ở Cần Thơ còn có 6 phòng khám BSGĐ (phòng khám ở BV Đại học Y Dược Cần Thơ và 5 phòng khám tư nhân). Các phòng khám tư nhân chỉ có 1 bác sĩ chuyên khoa y học gia đình trực tiếp khám, chăm sóc điều trị. Riêng phòng khám BSGĐ thuộc khoa khám của BV Đại học Y Dược Cần Thơ có 3 bác sĩ y học gia đình.

Mặc dù có nhiều bệnh nhân đến phòng khám BSGĐ của BV Đại học Y Dược Cần Thơ, nhưng không nhiều bệnh nhân biết đây là phòng khám BSGĐ và họ cũng không có thông tin về mô hình. Ông Lâm Quang Tươi, phường 9, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau khám tại Phòng khám BSGĐ, cho biết: "Hơn một năm nay, tôi bị thoái hóa cột sống cổ, đau thắt ngực, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu… điều trị ở tỉnh không giảm. Còn ở đây, thiết bị đầy đủ và bác sĩ tư vấn, hướng dẫn kỹ hơn nên bệnh tình thuyên giảm”. Ông Tươi đã đến đây khám bệnh 2 lần nhưng ông không biết đây là phòng khám BSGĐ.

Khi hỏi ngẫu nhiên những bệnh nhân đến khám tại các trạm y tế, BV, chúng tôi đều thu nhận được cùng một câu trả lời: "Không biết mô hình BSGĐ là gì". Con gái bà Nguyễn Thị Chín, ở khu vực Thới Hưng, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy thường chở mẹ ra trạm y tế phường khám, lấy thuốc tăng huyết áp, cho biết: “Tôi chưa hề nghe đến mô hình BSGĐ!”. Trạm Y tế xã Trường Long, huyện Phong Điền có bảng rất to ghi là Phòng khám BSGĐ nhưng bà Nguyễn Thị Kiểng, ở ấp Trường Thuận, thường khám bệnh ở đây, lại nói rằng, bà chưa từng nghe nói đến BSGĐ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP Cần Thơ, thực hiện mô hình BSGĐ, các trạm y tế điều tra thu thập thông tin về người dân: tên, tuổi, địa chỉ, số thẻ BHYT, tiền sử bệnh của cả gia đình… Sau đó, tổ chức khám sức khỏe, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho tất cả người dân trên địa bàn và nhập vào phần mềm quản lý. Hồ sơ sức khỏe phải đảm bảo tính bảo mật, cá nhân được cấp một mã cá nhân để xem thông tin về sức khỏe của mình, chỉ có cá nhân mới có quyền cho bác sĩ xem thông tin về sức khỏe của mình để phục vụ cho khám và điều trị bệnh... Tuy nhiên, việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gặp khó khăn, người dân tham gia chủ yếu người già và trẻ em; nhận thức và sự quan tâm của nhân dân còn hạn chế, chưa nhận thấy được tầm quan trọng của lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cá nhân. Chất lượng khám để lập hồ sơ cho người dân còn hạn chế, việc thu thập các thông tin sức khỏe, đặc biệt các tiền sử cá nhân và gia đình còn sơ sài. Điều này cũng gây khó cho hoạt động của mô hình BSGĐ.

Thêm vào đó, hiện nay, mạng lưới BSGĐ ở trạm y tế trên địa bàn TP Cần Thơ mới chỉ thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thông thường. Các dịch vụ tại nhà người bệnh và dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời, tư vấn sức khỏe, sàng lọc, tầm soát bệnh sớm… chưa thực hiện được do thiếu nguồn nhân lực, trang thiết bị. Các trạm y tế rất khó khăn trong triển khai mô hình, do không thể kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng lúc.

HUỆ HOA 

(Còn tiếp)

Kỳ II: Trạm y tế “chật vật” với mô hình bác sĩ gia đình

Chia sẻ bài viết