06/12/2015 - 07:05

MỞ CƠ HỘI HỢP TÁC, TĂNG THU HÚT ĐẦU TƯ

TP Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng ÐBSCL, trên trục giao thương giữa vùng tứ giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau, Ðồng Tháp Mười và TP Hồ Chí Minh. Là thành phố cửa ngõ vùng hạ lưu sông Mê Kông, ngoài khả năng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản, TP Cần Thơ đang trở thành điểm đến hấp dẫn để phát triển các ngành công nghiệp sử dụng hàm lượng chất xám cao, phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Trong bối cảnh hội nhập, nhiều cơ hội mới đang đến với Cần Thơ khi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến thành phố ngày càng nhiều...

Ðiểm đến Cần Thơ

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, giai đoạn 2010-2015, thành phố huy động tổng vốn đầu tư khoảng 200.000 tỉ đồng để xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đáp ứng một số yêu cầu đầu tư, phát triển của thành phố. Trong đó, thành phố được Trung ương quan tâm đầu tư những công trình lớn mang tính chất vùng, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển mới như Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ; mở rộng cảng Cái Cui (giai đoạn II); Dự án nâng cấp quốc lộ 1A, quốc lộ 91 (đoạn qua TP Cần Thơ), Tổ máy số 1 Trung tâm Nhiệt điện Cần Thơ,... Song song đó, thành phố thu hút được các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư cho các dự án thuộc lĩnh vực thương mại như Chợ đầu mối kinh doanh lúa gạo ở Thốt Nốt; Dự án Tổ hợp Khách sạn 5 sao Mường Thanh-Cần Thơ; Dự án Trung tâm mua sắm Sài Gòn-Cần Thơ, Trung tâm điện máy Nguyễn Kim; Dự án Vincom Center Cần Thơ 1. Thành phố cũng thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như Công ty TNHH Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam – Chi nhánh Cần Thơ 62,2 triệu USD; Công ty TNHH Wilmar Agro Việt Nam Chi nhánh tại Thốt Nốt 60,2 triệu USD; Công ty PEPSICO Việt Nam tại Cần Thơ 32 triệu USD; Công ty cổ phần Bất động sản Việt-Nhật tại Cần Thơ 31,8 triệu USD; Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Khu Công nghiệp Trà Nóc 26 triệu USD… Các dự án không chỉ tạo diện mạo mới cho thành phố mà còn đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội.

Hiệp hội Máy nông nghiệp Nhật Bản Jamma giới thiệu các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp trong dịp Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2015 tại TP Cần Thơ.

Nhiều nhà đầu tư khi đến với TP Cần Thơ đều khẳng định thành phố đã có những thay đổi đáng ghi nhận. Ông Nakajima Satoshi, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Cần Thơ là thành phố ở vị trí cửa ngõ vào miền Nam tiểu vùng sông Mê Kông, là thành phố lớn nhất khu vực ĐBSCL và đang phát triển vững chắc. Hằng năm, lượng khách du lịch đến TP Cần Thơ đều tăng lên trong đó có rất nhiều du khách Nhật Bản đã đến thăm thành phố thông qua các tour du lịch ĐBSCL". Còn ông Manabu Takahashu-Chuyên gia của Tổ chức Kết nối Nhật Bản với các nước Đông Nam Á, cho biết: "Doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến vùng ĐBSCL, đặc biệt là TP Cần Thơ khi hạ tầng của vùng và của thành phố được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Doanh nghiệp Nhật biết đến Cần Thơ với vai trò là trung tâm vùng, có các thế mạnh về chế biến lúa gạo, thủy sản. Trong đó, doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm nhiều đến sự phát triển về cơ sở hạ tầng của thành phố, nhất là khi sân bay Quốc tế Cần Thơ đi vào hoạt động. Bởi lẽ với sân bay quốc tế, Cần Thơ có thể dễ dàng kết nối giao thương với các quốc gia, nhà đầu tư các nước cũng dễ dàng đến với Cần Thơ hơn".

Kỳ vọng hợp tác

Tính đến tháng 11-2015, các khu công nghiệp trên địa bàn có 220 dự án còn hiệu lực. Các dự án thuê 296,7 ha đất công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.957 triệu USD, vốn đầu tư đã thực hiện 894,5 triệu USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Toàn thành phố có 66 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 954,6 triệu USD, vốn thực hiện 346 triệu USD, chiếm 36,3% tổng vốn đăng ký. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống khẳng định: "Thành phố luôn chú trọng đến công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, cung cấp kịp thời các thông tin về định hướng phát triển và giới thiệu các dự án đang có nhu cầu mời gọi, hợp tác đầu tư đến các nhà đầu tư. Cùng với đó, lãnh đạo UBND thành phố luôn lắng nghe và tiếp thu những thông tin quý báu và ý kiến chân thành của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chung của thành phố".

Đến với TP Cần Thơ, các nhà đầu tư không chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp mà cả ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ do lợi thế vị trí trung tâm, là thị trường tiêu thụ sản phẩm và sử dụng dịch vụ đầy tiềm năng. Theo ông Frank Schellenberg, Chủ tịch Công ty TNHH Digi-Texx Việt Nam, Digi-Texx là một nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyên về các hoạt động gia công sản xuất thương mại, gọi tắt là BPO. Cung cấp các dịch vụ số hóa dữ liệu, BPO không yêu cầu nhiều về cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường hàng không, đường ray, sân bay, bến cảng,... nhưng cần nơi có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt, lực lượng lớn lao động có chuyên môn cao, các chuyên gia và nhà quản lý có tay nghề. Do đó, TP Cần Thơ là nơi hoàn toàn đáp ứng đầy đủ những điều kiện để thu hút các nhà đầu tư BPO, các công ty IT, phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Vấn đề là thành phố cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng ngày càng tốt hơn, phát huy lợi thế cạnh tranh so với các khu vực khác. Ông Frank Schellenberg chia sẻ: "Chẳng hạn, Bình Dương và Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh thu hút đầu tư nhiều hơn do họ đã và đang cung cấp nhiều điều kiện tốt hơn những địa phương khác. Rất nhiều công ty công nghệ thông tin đang tận dụng những lợi thế này để đầu tư và tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn. Do đó, chúng tôi khuyến khích mạnh mẽ Cần Thơ nên làm theo các điển hình thành công đó. Về phía Digi-Texx cũng đang đầu tư vào TP Cần Thơ nhằm phát động nên một làn sóng mới để phát triển ngành công nghệ thông tin tại đây".

Cuối tháng 11 vừa qua, Hội nghị Đầu tư vào ĐBSCL Thường niên lần thứ 3 trong khuôn khổ Chương trình "Giao lưu Văn hóa - Thương mại Việt Nam - Nhật Bản năm 2015" tại TP Cần Thơ đã thu hút sự tham gia của hơn 90 đại biểu khách mời quốc tế. Trong đó, doanh nghiệp Nhật Bản chiếm trên 50%, doanh nghiệp Hàn Quốc gần 20%, còn lại là các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp đến từ Mỹ, Đức, Singapore, Anh và Thụy Sĩ. Qua hoạt động này, hình ảnh về một thành phố trung tâm vùng ĐBSCL đầy năng động đã ghi dấu đậm nét với các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Nakajima Satoshi, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, phấn khởi nói: Chương trình "Giao lưu Văn hóa - Thương mại Việt Nam - Nhật Bản" là một cơ hội tuyệt vời có khả năng tạo ra những cơ hội hợp tác kinh tế Nhật - Việt một cách cụ thể. Qua chương trình này, chúng tôi thật tâm kỳ vọng những cơ hội giao lưu giữa người dân Nhật và người dân TP Cần Thơ sẽ ngày càng nhiều hơn, mức độ thấu hiểu lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Nhật Bản sẽ sâu sắc hơn nữa. Sự năng động trong quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho Cần Thơ, giúp doanh nghiệp Nhật hiểu hơn về những tiềm năng sẵn có của Cần Thơ và những giá trị mang lại khi quyết định đầu tư lâu dài. Khi đó, số lượng doanh nghiệp Nhật đầu tư vào khu vực này và số lượng du khách Nhật đến thăm vùng đất này cũng sẽ tăng lên.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết