02/02/2008 - 09:32

Mít tinh trọng thể kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ngày ký Hiệp định Paris

* Mít tinh trọng thể kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

(CT-TTXVN)- Ngày 1- 2-2008, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN TP Cần Thơ tổ chức mít tinh trọng thể kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Đảng CSVN (3/2/1930 - 3/2/2008), 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, 35 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2008). Các đồng chí lãnh đạo thành phố, Quân khu 9, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, quí mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, đại diện các ban, ngành, đoàn thể... đã đến dự.

Thay mặt lãnh đạo TP Cần Thơ, đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, đọc diễn văn ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của Đảng CSVN; ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và thắng lợi trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 Đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ đọc diễn văn tại cuộc mít tinh kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Đảng CSVN, 40 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: K.XUÂN
78 năm qua, Đảng CSVN do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng của quân và dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968 là một trong những sự kiện lịch sử lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt 30 năm của nhân dân ta. Trong cuộc tiến công và nổi dậy này, ta đã tiêu diệt, tiêu hao một lực lượng quan trọng của địch, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị của chúng trên qui mô toàn miền Nam, buộc Mỹ phải đơn phương xuống thang chiến tranh, khởi đầu cho một quá trình phá sản về mặt chiến lược. Vào thời điểm ấy, phối hợp cùng chiến trường toàn miền Nam và Nam bộ, quân dân Cần Thơ đồng loạt nổ súng tấn công, đánh vào các cơ quan trọng yếu của địch như: Tòa lãnh sự Mỹ, cơ quan tình báo, bến xe, sân bay, Bộ Tư lệnh và trại truyền tin Quân đoàn IV... tiêu diệt nhiều ụ chiến đấu phòng thủ, làm chết và bị thương nhiều quân Mỹ - ngụy.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968, việc ký kết Hiệp định “về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” tại hội nghị 4 bên ở Paris, Thủ đô nước Pháp (ngày 27/1/1973) là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, là “đêm trước” của cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa mùa Xuân 1975. Với thắng lợi này, dân tộc ta đã hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút”, tạo điều kiện thuận lợi để tiến lên “đánh cho ngụy nhào”, kết thúc vẻ vang sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Đảng bộ và nhân dân TP Cần Thơ luôn ra sức khắc phục khó khăn, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về kinh tế -xã hội, củng cố an ninh-quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Năm 2007, TP Cần Thơ đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất từ trước đến nay (16,27%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người tương đương 1.122 USD (tăng 142 USD so với năm 2006). Huy động vốn đầu tư phát triển toàn thành phố gần 12.000 tỉ đồng, tăng 22,6%, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp ngoài Nhà nước và dân cư đáng kể. Hoạt động đối ngoại có nhiều khởi sắc. Cải cách hành chính có bước chuyển biến tích cực. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được tăng cường. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh giữ vững.

Dịp này, đồng chí Bí thư Thành ủy kêu gọi toàn Đảng bộ và cả hệ thống chính trị cùng nhân dân TP Cần Thơ ra sức thi đua phát triển kinh tế - xã hội, huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh chỉnh trang, nâng cấp và quản lý đô thị, phấn đấu đạt các tiêu chí thành phố lọai I vào năm 2009.

* Sáng 1-2, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, lãnh tụ của phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam (2/2/1908 - 2/2/2008).

Đọc diễn văn ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhấn mạnh: Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là hiện thân của tinh thần yêu nước chân chính. Từ tình yêu Tổ quốc và khát vọng đấu tranh chống áp bức bóc lột, giải phóng dân tộc, đồng chí đã đến với Chủ nghĩa Mác - Lê nin, đến với cách mạng vô sản, lựa chọn con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Đồng chí là một trong những người có công đầu trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân Việt Nam, xây dựng tổ chức cách mạng, phát động quần chúng đấu tranh, đồng thời là người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí là một cán bộ cách mạng đầy nhiệt huyết, có niềm tin sắt đá vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, đồng chí luôn có mặt ở mũi nhọn của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp; ở bất kỳ cương vị công tác nào, lúc nào, ở đâu, đồng chí cũng luôn giữ vững tinh thần cách mạng tiến công.

Là một trong những người sáng lập ra Công hội đỏ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đặc biệt chú trọng đến giai cấp công nhân, đi vào vận động, tổ chức, lãnh đạo công nhân đấu tranh. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tiên phong trong phong trào “vô sản hóa”, đồng thời hướng dẫn cho nhiều đồng chí khác cùng hòa mình vào phong trào công nhân, để hiểu sâu sắc về giai cấp công nhân, tự rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao lập trường giai cấp công nhân và thúc đẩy phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ từ tự phát lên tự giác.

Là một trong những người đầu tiên nghiên cứu và có nhiều đóng góp lý luận về giai cấp Công nhân Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đầu tư nhiều công sức, trí tuệ cho việc tổng kết công tác vận động công nhân. Tập “ Công nhân vận động” mà đồng chí Nguyễn Đức Cảnh viết trong xà lim án chém, không những đã để lại cho Đảng ta và giai cấp công nhân Việt Nam những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu mà còn thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng chí đối với giai cấp công nhân Việt Nam. Những giờ phút cuối cùng tại xà lim án chém, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vẫn tiếp tục làm việc, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.

S.K - HƯƠNG THỦY

Chia sẻ bài viết