31/10/2021 - 09:21

Miếu Thần Nông ở Ngã Tư Ông Huyện 

Ngay trong lòng chợ Ngã Tư (hay còn gọi là Ngã Tư Ông Huyện, phường Thới An Ðông, quận Bình Thủy) có một ngôi miếu thờ Thần Nông, tên chữ là “Thần Nông Cổ miếu”. Ngôi miếu không chỉ biểu thị cho văn hóa tâm linh nông nghiệp mà còn là nơi lưu dấu những ngày đầu khai khẩn, mở mang vùng đất này.

Thần Nông Cổ miếu ở chợ Ngã Tư Ông Huyện. Ảnh: DUY KHÔI

Miếu Thần Nông theo thời gian

Miếu Thần Nông tọa lạc cạnh nhà lồng chợ Ngã Tư Ông Huyện, kế bên còn có Nhà văn hóa của khu vực Thới Hòa, phường Thới An Ðông. Ngôi miếu không lớn, do nằm trong chợ nên không có khuôn viên thoáng mát như vẫn thường thấy ở đình, miếu Nam Bộ. Miếu có một gian nhà thờ duy nhất, bằng bê tông cốt thép, cửa chính có đắp nổi cặp rồng uốn lượn. Gian chính thờ Thần Nông với bài vị bằng danh mộc đặt phía trước hai chữ “Thần Nông” bằng Hán tự. Hai bên thờ Tả Ban, Hữu Ban. Nhìn chung, ngôi miếu có lối bài trí ban thờ đơn giản, kiến trúc khá đơn sơ.

Dù ngôi miếu này mới được trùng tu, xây mới vào năm 2011, nhưng vẫn mang tên “Thần Nông Cổ miếu” bởi lịch sử hình thành hàng trăm năm qua. Theo Ban Tế tự, ngôi cổ miếu này đã có từ thế kỷ XIX, lúc đó là ngôi miếu nhỏ bằng cây lá đơn sơ. Phần đất mà ngôi cổ miếu nguyên thủy tọa lạc là của ông Lê Phát Diêu, bà con quen gọi là thầy thuốc Diêu, sinh năm 1801, người của bổn thôn. Ðến năm 1858, phần đất này được nhượng lại cho gia tộc họ La. Về sau, ông La Thành Cơ (tên thường gọi là Huyện Ky) thành lập chợ, mở nhiều cơ ngơi ở trên phần đất của ông nên địa danh Ngã Tư Ông Huyện ra đời từ đó. Riêng về phần ông La Thành Cơ và chợ Ngã Tư Ông Huyện, chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau bài viết này.

Năm 1890, ông La Thành Cơ lập ngôi miếu Thần Nông trên phần đất gia đình, với mong cầu “Quốc thới dân an. Phong điều vũ thuận”. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Phục, người có thời gian gắn bó và nghiên cứu kỹ về ngôi cổ miếu ở Ngã Tư Ông Huyện, ngôi miếu cất năm 1890 có nền bằng đá núi kết lại với nhau lát gạch tàu đỏ, nhà bằng bê tông, cốt thép. Vách miếu được xây dựng gạch đất nung, mái lợp ngói đỏ. Ngôi miếu cất xong thì giao cho người bổn thôn là ông Lê Văn Khoa làm Thủ Từ, coi cúng bái hương đăng trà quả. Từ thời điểm này, miếu đáo lệ hai kỳ cúng lớn trong năm là ngày 23 và 24-4 âm lịch và 23 và 24-12 âm lịch. Năm 1930, khi 60 tuổi, ông Lê Văn Khoa từ trần, công việc coi sóc miếu thờ được giao cho ông Nguyễn Văn Ðạt, tự là Ông Ðạo Ðạt.

Cũng theo lời kể của ông Nguyễn Văn Phục, năm 1935, người dân trong làng cử ra Ban Hội tề để trông coi và cúng kiếng ở miếu Thần Nông. Ông Ðỗ Văn Bảy được cử làm Hương Cả, ông Nguyễn Văn Kìm làm Hương Thân, ông Nguyễn Văn Sánh làm Hương Chánh còn chức Hương Sử giao cho ông Trần Văn Thanh. Có Ban Hội tề hẳn hoi, việc cúng kiếng ở miếu rất quy mô, chu đáo. Ðáo lệ Hạ điền và Thượng điền, miếu Thần Nông đều được tổ chức rất lớn, có mướn gánh hát về để hát cúng Thần Nông và phục vụ bà con.

Năm 1945, các vị Ban Hội tề đều tuổi cao nên cáo lão hồi hưu, việc coi sóc miếu Thần Nông ở Ngã Tư Ông Huyện giao cho ông Thái Văn Chính, tự Ông Ðạo Xa. Năm 1947, Pháp chiếm vùng đất này, ngôi miếu Thần Nông cũng không còn. Ông Ðạo Xa đã thỉnh linh vị Thần Nông về đất nhà dựng am nhỏ thờ cúng. Năm 1961, bà con trong vùng chung góp sức người, sức của dựng lại miếu Thần Nông ngay trên nền ngôi miếu cũ, bằng cây lá đơn sơ. Ðiều lưu ý là lúc này, linh vị vẫn được thờ lại nhà Ông Ðạo Xa, tới kỳ cúng thì thỉnh về miếu làm lễ, xong lại hồi linh vị.

Ðến năm 1990, nhà lồng chợ Ngã Tư Ông Huyện xuống cấp nên tháo dỡ xây nhà lồng mới. Ban Tế tự miếu đã chọn xin lại một ít cây dầu làm đòn tay, típ-lô... để sửa lại miếu. Năm 2011, năm tháng qua mau, ngôi cổ miếu xuống cấp trầm trọng nên Ban Tế tự và bà con đã họp bàn chuyện trùng tu, tôn tạo ngôi miếu. Qua 2 tháng thi công, ngôi miếu hoàn thành với kinh phí do Ban Tế tự và bà con chung góp. Ban Tế tự của miếu cũng được kiện toàn với Trưởng Ban, Phó Ban, Hương Văn, Hương Nhạc, Hương Lễ, Chánh bái, Bồi bái, Thư ký...

Tới nay, cổ miếu vẫn duy trì cổ lệ, đáo lệ hai kỳ cúng lớn trong năm là Hạ điền (ngày 23 và 24-4 âm lịch) và Thượng điền (23 và 24-12 âm lịch). Lễ Hạ điền và Thượng điền được tiến hành theo diễn trình sau: cung thỉnh Thần Nông (18 giờ ngày 23), Túc yết (19 giờ), văn nghệ (20 giờ), Chánh tế (6 giờ ngày 24), an vị Thần Nông (10 giờ).

Chánh điện thờ Thần Nông. Ảnh: DUY KHÔI

Chuyện Ngã Tư Ông Huyện

Chợ Ngã Tư Ông Huyện bây giờ không lớn lắm, chỉ phục vụ chuyện mua bán của bà con ở khu vực lân cận, do cách đó đã có chợ Long Tuyền, chợ Bình Thủy, chợ Ba Se... khá lớn. Vả lại, chợ Ngã Tư Ông Huyện cũng cách xa trục đường chính là quốc lộ 91B. Ít người biết ngôi chợ này từng lớn nhất nhì vùng Long Tuyền - Bình Thủy xưa với những câu chuyện đậm dấu thời gian.

Chợ cũ Bình Thủy được ông La Ích Kỵ lập từ trước đó, nhưng không rõ năm nào, đến năm 1927 thì ông Huyện Ky - La Thành Cơ lập chợ ở Ngã Tư, tục gọi Ngã Tư Ông Huyện, nên gọi là chợ mới. Từ lúc khai khẩn, dựng cơ ngơi rồi mở chợ ngày đầu là mất hơn 1 năm. Tác giả Trần Hoài Linh trong bài “Một khu chợ phồn thịnh chỉ còn trong ký ức mọi người” (in trong quyển “Bước đầu tìm hiểu văn hóa dân gian Bình Thủy - Long Tuyền”, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2005), thuật lại: “Có bố trí những khoảng trống cho bến đỗ của đò ngang và ghe thuyền cập bến. Phía trên hương lộ và dọc bờ rạch Ngã Tư Bé là các dãy phố buôn bán và sân quần vợt. Trong cùng là nhà hàng và rạp hát. Xa hơn, sân bóng đá (làm sau khi có chợ 1 năm) chạy suốt tới “Vườn Bông””. Không chỉ sầm uất ban ngày, ban đêm, chợ mới Ngã Tư cũng đầy rộn rịp và lãng mạn. Tác giả Trần Hoài Linh kể: “Vào những đêm trời thanh trăng sáng, vài chiếc ghe mui vuông (ghe hầu) của những kẻ nhàn du lềnh bềnh trên sông nước. Xa đưa những khúc hòa ca trầm bổng du dương suốt khúc sông quê Ngã Tư Ông Huyện”.

Ông Huyện Ky - La Thành Cơ được nhắc đến là một nhà hảo tâm, người thực hiện nhiều công trình thiện nguyện, an sinh xã hội cho vùng đất Long Tuyền - Bình Thủy xưa. “Cái công đức của ông Cơ đối với nhân dân Bình Thủy - Long Tuyền quả là lớn lao. Việc lập chợ mới Ngã Tư, công tác từ thiện, mở làng lập ấp, đắp đường, làm cầu... khiến bà con xa gần cảm mến ông” - tác giả Trần Hoài Linh viết trong “Một khu chợ phồn thịnh chỉ còn trong ký ức mọi người”.

Theo tìm hiểu, ông La Thành Cơ là con trai Út của ông La Ích Xe (tên thường gọi là Ba Xe), một người giàu có làm nhiều việc phúc đức cho xã hội. Ðiển hình là ông Ba Xe mở con lộ từ Bình Thủy đi qua Giai Xuân rồi qua Phong Ðiền, vòng lên Ba Xe hiện tại (Ba Xe được đặt theo tên ông). Ông Ba Xe còn là người góp tiền vào quỹ xây nhà thương lớn (nay là Bệnh viện Ða khoa TP Cần Thơ) số tiền 5.000 đồng, giá lúa thời đó chỉ 2 cắc giạ (dẫn theo “Chuyện như một huyền thoại” của Lê Ngọc Miên - Hoài Phương, in trong quyển “Bước đầu tìm hiểu văn hóa dân gian Bình Thủy - Long Tuyền”, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2005). Ông Ba Xe còn đứng ra xây cất chánh điện Chùa Ông ở Bình Thủy (nay thuộc địa bàn phường An Thới), sau này ông La Thành Cơ - Huyện Ky, nối nghiệp cha xây trước ngôi chánh điện một gian nhà khá rộng, dành làm nhà khách.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, ông La Thành Cơ ngoài là một nhà thiện nguyện còn rất nhạy bén trong việc làm ăn, quy hoạch đô thị, thiết lập lối sống văn minh mới. Chính vì vậy, người dân Bình Thủy - Long Tuyền luôn nhắc đến ông với sự ngưỡng mộ, yêu quý.

*

*               *

Ngôi miếu nhỏ giữa lòng chợ Ngã Tư Ông Huyện vẫn đêm ngày nghi ngút khói hương, quyện tấm lòng thảo thơm của người dân xứ này với vị Thần trông coi nông nghiệp và những người có công khai cơ lập nghiệp thuở xưa. Ðó cũng là bản sắc văn hóa được gìn giữ và lưu truyền trong đời sống hiện đại sau khi đã “gạn đục khơi trong”.

HUỲNH MAI

Chia sẻ bài viết