11/03/2010 - 21:21

Mật ong - vị thuốc của mọi nhà

BSCKI Vũ Đình Quỳnh
(Bệnh viện Y học cổ truyền TP Cần Thơ)

Mật ong là vị thuốc đã được sử dụng từ lâu đời và gần như có mặt trong mỗi gia đình như món gia vị. Bài viết của bác sĩ Vũ Đình Quỳnh giới thiệu một số công dụng của mật ong.

Mật ong là chất lỏng hơi sền sệt, vị ngọt, do nhiều giống ong hút mật của nhiều loại hoa mang về tổ chế biến mà thành. Theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi, trong mật ong thường có 65%-70% glucoza và levuloza, 2-3% sacaroza; nếu nuôi bằng mật mía hoặc ở gần nơi có đường mật thì tỷ lệ sacaroza có thể tăng lên 10%. Ngoài ra, thành phần của mật ong còn có muối vô cơ, một số acid hữu cơ (acid formic, acetic, tactric, malic), các men tiêu hóa chất béo (lipaza), tiêu hóa chất bột (amylase), men tiêu hóa chất đường (invectin), một ít tinh bột, sắc tố, chất thơm và phấn hoa.

Mật ong được xác định là một vị thuốc bổ dưỡng, làm giảm độ acid của dịch vị. Mật ong có thể dùng trong việc điều trị các chứng bệnh về gan, túi mật và một vài bệnh về thần kinh bởi có tác dụng an thần tốt, giúp cho giấc ngủ được ngon và làm bệnh nhân đỡ nhức đầu. Mật ong có thể tiêu diệt được một số vi khuẩn như Staphylococ, Streptococ, Salmonella, trực khuẩn lỵ...

Theo tài liệu cổ, mật ong có vị ngọt tính bình vào 5 kinh: tâm, phế, tỳ, vị và đại tràng; có tác dụng thanh nhiệt, bổ trung, nhuận táo hoạt trường, giải độc, giảm đau. Có thể dùng mật ong chữa tỳ vị hư nhược, táo bón, ho, đau bụng, dùng ngoài chữa lở miệng, vết thương bỏng. Ngày dùng 20 đến 50g, có thể dùng đến 150g nhưng cần lưu ý khi dùng liều cao có thể gây nhuận tràng.

Một số bài thuốc dùng mật ong trị bệnh:

- Chữa loét dạ dày - tá tràng: dùng 10g mật ong, 10g cam thảo, 10g trần bì. Dùng 40ml nước sắc với cam thảo và trần bì cho đến khi còn khoảng 200ml, đem lọc bỏ bã, sau đó cho thêm 1-2 muỗng canh (30-50 ml) mật ong vào khuấy đều cho tan, chia làm 2-3 lần uống trong ngày.

Có thể dùng 150- 200g củ nghệ tươi với khoảng 200ml nước sôi để nguội, đem xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố rồi thêm khoảng 50-100ml mật ong vào khuấy đều. Sau đó, trữ trong chai, để trong tủ lạnh uống hàng ngày rất tiện và hiệu quả. Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều viên nghệ- mật ong để chữa loét dạ dày- tá tràng.

- Trẻ em hay bị nấm vùng miệng, dân gian thường nói bị đẹn. Để trị đẹn, có thể dùng miếng gạc sạch quấn vào đầu ngón tay, chấm vào mật ong, thoa lên vùng bị đẹn, mỗi ngày 2-3 lần. Hoặc dùng một cây cỏ mực tươi giã nhỏ, lấy dịch của cây cỏ mực pha thêm chút mật ong, thoa lên vùng miệng lưỡi bị đẹn của trẻ, rất hiệu quả.

- Trong dân gian còn dùng mật ong (200-250ml) pha với 2-3ml mật gấu, ngâm khoảng 7-10 ngày đem dùng. Mỗi ngày uống 2 muỗng canh (khoảng 30ml) vào buổi tối trước khi đi ngủ để trị bệnh xơ gan giai đoạn còn bù (mặc dù gan đã bị xơ hóa nhưng vẫn còn khả năng hồi phục) rất hiệu quả.

- Có thể cho trẻ trên 1 tuổi uống mật ong mỗi ngày 2- 3 lần, mỗi lần 1 muỗng cà-phê để phòng bệnh đường hô hấp.

Khi sử dụng mật ong cần lưu ý: không nên dùng chung với hành vì dễ bị nôn ói; mật ong sợ vị Hoàng cầm, Bạch thược, Mẫu lệ, Bạch tiền vì vậy không nên dùng chung mật ong với các vị này.

Chia sẻ bài viết