22/03/2020 - 07:01

Mang câu vọng cổ theo về 

Truyện ngắn: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Luân xuất hiện trong cuộc đời của Nhung như định mệnh an bài. Sài Gòn rộng lớn đến thế, nghe nói tròm trèm 12 triệu dân, thì một người với một người tình cờ biết nhau cũng đã thật là hiếm hoi, huống chi là chợt gặp đã yêu nhau. Luân và Nhung ở hai thành phố khác nhau, có khung cảnh tự nhiên và phong tục khác biệt, tình cờ gặp nhau và chỉ bằng một ánh mắt nhìn lại trở thành hai con người thân thuộc, hay nói chính xác hơn là không thể rời xa. Và hai đứa cũng chẳng còn khờ khạo để vội đánh rơi người mình yêu quý nhất.

Sài Gòn luôn chộn rộn những bước chân qua, lại càng vô tình với những ai dùng dằng chân bước trên những con đường dài gần như vô tận. Nhung chọn Sài Gòn để dạy học như là một duyên nợ. Năm 21 tuổi, Nhung tốt nghiệp trường nuôi dạy trẻ, mơ ước đơn giản là tìm một ngôi trường công lập gần nhà để làm cô giáo, nhưng khi ra trường thì gặp những khó khăn không biết trước được. Mất bốn tháng trời loay hoay tìm việc, rồi chợt đọc một mẩu tin tuyển dụng trên mạng, đó là một trường mẫu giáo ở Sài Gòn tuyển giáo viên mầm non với điều kiện ưu đãi. Nhung gởi hồ sơ đi và cũng chẳng hy vọng gì, nào ngờ chỉ một tuần sau đã nhận được thư phỏng vấn, rồi bắt đầu xa xứ như một định mệnh. Vốn là một cô gái cao nguyên, nhà ở tận một huyện nhỏ ở Đắk Lắk, tính tình lại nhút nhát, sống khép kín, cho nên gần như Nhung cảm thấy vô cùng lạc lõng ở thành phố lạ. Bạn bè cùng dạy học lại ở nhiều tỉnh thành khác đến đây trong cuộc mưu sinh và theo đuổi ước mơ, tất cả cũng đều bỡ ngỡ trước sự thay đổi của cuộc sống. Rồi lần lần Nhung kết bạn với Hồng, với Loan, quê ở tận Cần Thơ. Những cô gái đồng bằng có cách nói chuyện và cư xử chân chất, nhiệt tình và rộng lòng ấy đã làm Nhung vơi bớt nỗi buồn xa nhà.

Ngày tháng cứ trôi biệt đến độ khi ta sống mãi ở một nơi chốn rồi nơi chốn ấy bỗng trở nên thân quen. Luân cũng giống như một cơn mưa tình cờ không định trước giống như những lần bất chợt thành phố này đổ mưa bóng mây. Những cuộc gặp định mệnh luôn luôn có một tình huống nào đó, mà chỉ người trong cuộc mới biết rằng định mệnh đã an bài. Sự an bài đó chẳng sớm hơn và cũng không muộn hơn, giống như hành khách phải tới đúng giờ, không thôi con tàu sẽ bỏ mình ở lại sân ga mà đi theo cuộc hành trình, không cần biết trên toa tàu còn trống một chỗ ngồi. Đó là một buổi chiều tối thành phố có nhiều cơn gió, Nhung vừa xong việc ở trường, vội vã trên chiếc xe đạp điện của mình về nhà trọ. Đó là căn phòng trọ thuê chung của bốn cô giáo, nằm cách trường không xa, nơi một khu chợ nhỏ luôn rộn rã và gần đó có rất nhiều cửa hàng chuyên in các mẫu thiết kế và thiệp cưới. Đặc biệt, con hẻm nơi nhà trọ có rất nhiều hàng bán ăn đêm, nép sát hè phục vụ người đi làm trễ. Bà chủ cho thuê trọ là người tốt, bà chỉ cho phụ nữ thuê phòng và cắt người giữ an ninh khu phòng trọ, nên ở đây rất an tâm.

Chưa vội về phòng, Nhung dựng xe sát vào góc con hẻm, ghé hàng mì quảng. Vừa lúc ấy, một tên trộm mau lẹ dắt chiếc xe của Nhung ra, leo lên phóng chạy. Nhung chỉ kịp chạy theo, kêu to: "Cướp, cướp". Trong giây phút đó Luân xuất hiện. Mà cuộc sống vẫn cứ hay nói rằng nếu Luân đi qua đó chậm chừng vài phút, hay hôm đó anh đi con đường khác, chắc chắn sẽ không có chuyện anh phóng xe theo tên cướp. Anh lấy lại được xe cho Nhung, nhưng anh bị thương vì một vết dao đâm. Tên cướp đâm anh xong, bị đám đông xung quanh khống chế, giao cho công an.

Họ biết nhau như thế. Nhung chẳng thích vào bệnh viện mà giờ thì thành người đi thăm chàng kỹ sư tin học vì Nhung mà bị thương. Nhung phát hiện ngoài mùi thuốc sát trùng, ngoài những hành lang dài với bóng những bác sĩ và y tá đi qua, ngoài những phòng bệnh, bệnh viện còn có một khuôn viên đầy cây xanh và hoa. Lúc đó, những bông hoa hoàng hậu đang nở, rủ xuống một màu vàng đài các. Và từ đó, họ thành đôi. Để đất trời Sài Gòn giờ đây đối với Nhung đã thành những mùa vui, qua rồi những mùa buồn.

"Mình về nhà anh một chuyến nhé?". Luân nói với Nhung. Nhà anh ở Cần Thơ, phải qua nhiều con sông và tất nhiên là phải qua cầu Mỹ Thuận và Cần Thơ. Dạ, thì về! Lời mời của Luân khiến Nhung thấy ấm lòng bởi anh chủ động cho Nhung cơ hội biết rõ gia đình anh. Nhung - cô gái cao nguyên, cũng rất tò mò về vùng đất sông nước Cần Thơ, nghe nói có Bến Ninh Kiều và chợ nổi Cái Răng. Luân "à" lên: "Nhà anh ngay chợ nổi đó. Ba mẹ anh có vựa trái cây trên sông luôn".

Ba ngày ở Cần Thơ, chính xác là ở vựa trái cây tại chợ nổi Cái Răng, đã để lại trong lòng Nhung một niềm vui vô bờ. Chẳng hỏi cặn kẽ chuyện thu nhập, chuyện tính toán sau này của hai đứa, cũng chẳng quan tâm đến những cách biệt địa lý và văn hóa, cả nhà anh hồn nhiên và chân thật xem Nhung như đã chung một mái nhà. Mẹ anh, người phụ nữ miệt vườn Phong Điền chất phác cười với Nhung: "Con mà chán dạy học ở phố, về đây mình xin chính quyền mở nhóm giữ trẻ cho mấy gia đình thương hồ. Còn không thích nữa hả, thì nhà mình bày cho con cách đi vườn mua trái cây về buôn bán". Còn Thùy, em gái anh thì ngắm Nhung: "Anh Luân xấu ình mà sao lại quen được chị? Chị thiệt là đẹp". Còn ba anh, vốn quê gốc Cà Mau, thì khi chợ nổi đã vãn, chỉ Nhung cách coi con nước lớn ròng. Ông bảo với Nhung: "Hồi giờ con có nghe ca vọng cổ bao giờ chưa?". Nhung thưa thiệt: "Dạ, con ít nghe". "Vậy thì bác ca vọng cổ cho con nghe". Rồi ông ngân giọng cùng với tiếng đờn ghi-ta phím lõm cất lên bản "Tình anh bán chiếu". Tiếng ca tỏa ra từ ngôi nhà ấm áp, trôi lơ lửng trên một khúc sông.

Nhung đã mang câu vọng cổ trong buổi chiều Cần Thơ như thế về Sài Gòn.

Chia sẻ bài viết