20/03/2020 - 08:14

Mái Lá của đôi vợ chồng trẻ bỏ phố lên đồi 

Chồng là quản lý bán hàng cho một công ty của Đức, vợ làm ở một công ty bảo hiểm danh tiếng của Hàn Quốc. Thu nhập nhiều người ước mơ, lại có nhà ngay trung tâm TP Hồ Chí Minh; nhưng ngày nọ, họ không còn hứng thú với sự sôi động và ngột ngạt của Sài Gòn, họ muốn dành nhiều thời gian cho cô con gái nhỏ. Vậy là họ bỏ phố lên đồi, dựng nên homestay Mái Lá ở Đà Lạt mộng mơ.

Đêm vui bên bếp lửa ở homestay Mái Lá.

Đôi vợ chồng trẻ ấy là Cao Thanh Tuấn và Dương Ngọc Huyền, mới hơn 30 tuổi. Khi biết chúng tôi từ Cần Thơ đến, Tuấn và Huyền vui lắm vì lại được gặp đồng hương. Tuấn quê ở Thốt Nốt, còn Huyền quê ở Ninh Kiều, cả hai đều rất hiếu khách. Bên bếp lửa sưởi ấm đêm Đà Lạt, Tuấn kể về hành trình lập nghiệp của vợ chồng anh như vậy. Anh gọi đó là khởi nghiệp, song tôi vẫn cứ “hoang mang” vì thấy cách khởi nghiệp này hơi phiêu lưu. Tuấn từ tốn: “Vợ chồng em rất bình thản, cứ xem như một trải nghiệm. Được thì mình gắn bó với Đà Lạt luôn, không thì lại về Sài Gòn, lại làm thuê tiếp”. Tuấn còn thuyết phục tôi ở một nguyên nhân khác, anh nói rằng vị trí công việc của hai vợ chồng cứ loay hoay với chỉ tiêu, doanh số, báo cáo… nên chẳng có nhiều thời gian cho con. “Em lên Đà Lạt là cũng để con gái có tuổi thơ đẹp hơn, vợ chồng có nhiều thời gian cho con hơn”, Tuấn nói.

Homestay Mái Lá của vợ chồng Tuấn- Huyền nằm thoai thoải sườn đồi trên đường Trịnh Hoài Đức, TP Đà Lạt. Vị thế này khá gần với trung tâm Đà Lạt nhưng tránh được sự ồn ào phố thị, lại từ trên cao nên đêm dần buông, Mái Lá lại lung linh như trong cổ tích. Ấy là cổ tích về một mái lá đúng kiểu miền Tây giữa xứ sở thông reo nổi bật với những tòa nhà, biệt thự tráng lệ. Lại một lần nữa tôi buột miệng về sự mạo hiểm của Tuấn: “Mái Lá liệu có lạc lõng?”. Tuấn cười rằng, anh là người miền Tây và muốn mang đặc trưng của quê hương để giới thiệu với mọi người. Để chỉ một đêm thôi trải nghiệm cái lành lạnh của Đà Lạt sương đêm ở Mái Lá, người từng sống dưới mái lá miền Tây bồi hồi nhớ về ngày cũ, người chưa một lần thì được trải nghiệm nét dân dã sông nước miệt vườn.

Giới trẻ thích thú với cảnh đẹp ở homestay Mái Lá.

Ở Mái Lá, tất cả như một góc miền Tây thu nhỏ. Chủ nhân của Mái Lá tinh tế trong từng chi tiết: mái nhà lợp lá đã đành, rồi cái nơm làm chụp đèn, làm bình hoa, lấy cái việm sành thay cho lavabo hiện đại, cái cửa lá sách thấy thương… Họ kỹ càng đến độ chai nước suối cũng được thay bằng chai thủy tinh đúng điệu miền Tây xưa. Trong căn phòng của Mái Lá, chạm ở đâu cũng là chạm vào ký ức miền Tây. Mái Lá gợi cho du khách những niềm nhớ. Bằng chứng là với một bữa ăn trưa hay chiều, họ mời khách dùng con cá kho tiêu, canh chua hay thịt ba rọi kho khô mằn mặn, ngòn ngọt đúng khẩu vị miền Tây. Có điều, Mái Lá có đậm đà hơn chút nữa với những không gian hoa đẹp đến ngỡ ngàng: một khóm cúc dại, một lối hoa hồng rưng rưng, một chiếc cầu thang gỗ thông sần sùi thú vị, một cánh cửa chơi vơi giữa thinh không như chạm đến bầu trời…

Đêm dần buông, bếp lửa giữa sân Mái Lá được nhóm lên với mùi nhựa thông hăng hăng rất thích, tiếng nổ lửa lách tách hòa vào tiếng thông reo, mỗi người xoa xoa tay bên bếp lửa. Từng người nhìn nhau dưới ánh lửa đêm ngàn thông, cười tươi rói. Trải nghiệm đêm Đà Lạt theo kiểu này đúng là rất thích. Khi ngọn lửa tàn lộ ra lớp than hồng rừng rực, ấy là lúc chúng tôi cùng ngồi nướng bắp, nướng khoai và ít thịt cá tươi ngon. Vang Đà Lạt và thịt nướng Đà Lạt, nhấm nháp, chầm chậm và thưởng thức. Cái lạnh sương đêm không thắng được cái nồng ấm bên bếp lửa. Chúng tôi thì thầm với nhau thì ra đêm Đà Lạt lãng mạn, dễ thương và ấn tượng như thế. Riêng tôi lại hiểu, vì sao Tuấn và Huyền lại bỏ phố lên đồi, lại chọn phong cách mái lá và một cái tên Mái Lá dân dã cho bước khởi nghiệp của mình.

Homestay Mái Lá có hơn chục phòng, đủ các loại từ 2 người, 4 người, 5 người đến 10 người. Giá tùy thuộc vào độ lớn của phòng và khung cảnh ngắm nhìn thung lũng Đà Lạt mà giá dao động từ 350.000 đồng lên đến hơn 1 triệu đồng mỗi ngày đêm. Cà phê thì ở đây có bán cả ngày lẫn đêm, rất ngon.

Bấy nhiêu điều đơn giản ấy mà chia tay Mái Lá cứ khiến chúng tôi bịn rịn mãi. Chia tay chủ nhân Mái Lá là đồng hương cứ văng vẳng câu chuyện khởi nghiệp mạo hiểm mà cũng đầy thú vị; cứ mang máng trong đầu về hình ảnh mái lá quê mình lại chễm chệ ở Đà Lạt với tư cách đầy phong lưu và thượng lưu.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết