20/06/2022 - 15:02

Lữ đoàn tàu ngầm 189: 11 năm xây dựng và trưởng thành 

Ngày 20/6/2011, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định thành lập Lữ đoàn tàu ngầm 189 trực thuộc Quân chủng Hải quân. Trải qua 11 xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, chủ động sáng tạo, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện đại, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Những ngày đầu thành lập, Lữ đoàn thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện vừa kiện toàn tổ chức biên chế vừa huấn luyện tiếp nhận, chuyển giao và làm chủ các tàu ngầm, cùng hệ thống trang bị kỹ thuật bảo đảm cho tàu ngầm. Công tác huấn luyện của Lữ đoàn gặp nhiều khó khăn như: Tài liệu chưa đầy đủ, đồng bộ; VKTBKT tàu ngầm còn mới, lần đầu tiên được tiếp cận, chưa có kinh nghiêm khai thác, sử dụng trước đây. Vì vậy cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn vừa phải huấn luyện, vừa phải biên dịch tài liệu, kết hợp sử dụng kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình huấn luyện ở Liên bang Nga để nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện.

Lữ đoàn đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất năm 2021

Môi trường làm việc trong tàu ngầm đặc thù với nồng độ oxy ít; nồng độ các khí độc hại từ trang bị, đòi hỏi thủy thủ phải có sức khỏe tốt; bản lĩnh vững vàng và luôn trong tư thế SSCĐ cao. Để khai thác, làm chủ tàu ngầm Kilo 636, các thủy thủ đều trải qua quá trình tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo bài bản, khoa học. Kết thúc một năm huấn luyện trong nước, các thủy thủ tàu ngầm có kiến thức và sức khỏe tốt tiếp tục được gửi đi đào tạo tại Cộng hòa Liên bang Nga trong thời gian 19 tháng.

Thực hiện huấn luyện tiếp nhận, chuyển giao VKTBKT tại Lữ đoàn, các thủy thủ tàu ngầm trực tiếp thao tác những nội dung mới, khó như: Cẩu nhận vũ khí, nạp xả ắc quy, nạp khí ni tơ... Tích cực học tập, nghiên cứu, các thủy thủ đã nhanh chóng thuần thục khai thác VKTB và hiệp đồng thao diễn các bảng bố trí chiến đấu, các bài tập sử dụng vũ khí. Các thủy thủ đã độc lập khai thác, vận hành tàu ngầm thực hiện các nhiệm vụ trên biển và bước vào giai đoạn huấn luyện làm chủ VKTB trên tàu ngầm.

Tiếp đó, Lữ đoàn thành lập kíp tàu rút gọn gồm các đồng chí có trình độ chuyên môn và tác phong chỉ huy tốt để hướng dẫn, huấn luyện mẫu cho các kíp tàu mới và kíp tàu còn yếu nhất là trong giai đoạn huấn luyện chuẩn bị tiếp nhận tàu ngầm, giai đoạn huấn luyện với chuyên gia Nga và các nội dung khó như: Nằm đáy, lặn khẩn cấp, nổi sự cố, thoát hiểm ra khỏi tàu ngầm khi có sự cố…

Hội thao kíp chiến đấu 

Để nâng cao trình độ làm chủ VKTBKT và các phương án chiến đấu, Lữ đoàn đã chủ động xây dựng, hoàn chỉnh các bảng bố trí chiến đấu; bổ sung, điều chỉnh nội dung huấn luyện, xây dựng các quy trình khai thác sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng TBKT. Hiện tại, kíp tàu đã thuần thục thao diễn các bảng bố trí chiến đấu…

NHỮNG THÀNH TÍCH CỦA LỮ ĐOÀN
Lữ đoàn được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2016); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (2021); 5 lần được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Cờ thưởng thi đua (2014, 2015, 2016, 2020, 2021); được Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu “Đơn vị xuất sắc tiêu biểu” trong phong trào thi đua Quyết thắng toàn quân giai đoạn 2010-2015, 5 cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi” và “Đơn vị huấn luyện thể lực giỏi”; được Quân chủng Hải quân tặng Cờ thưởng thi đua “Đơn vị dẫn đầu Phong trào thi đua Quyết thắng” giai đoạn 2009-2014 và giai đoạn 2015-2019 cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Cùng với việc hoàn thành xuất sắc các nội dung huấn luyện và thực hành sử dụng các loại vũ khí trên tàu ngầm, Lữ đoàn hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị có liên quan tổ chức huấn luyện sát với tình hình thực tiễn có thể xảy ra. Ngày 2/6/2017, lần đầu tiên trong lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam, Tàu ngầm 182-Hà Nội thực hiện bắn tên lửa thành công, tiêu diệt mục tiêu mà không có sự hỗ trợ của chuyên gia.

Đi đôi với huấn luyện làm chủ VKTBKT, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã chủ động huấn luyện cho các thủy thủ nắm chắc nội dung, mục tiêu Cuộc vận động 50 và 2 khâu đột phá của công tác kỹ thuật; các quy định về công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, giữ gìn VKTBKT. Lữ đoàn phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng quy trình khai thác, bảo quản, bảo dưỡng các máy móc, trang thiết bị trên tàu. Hiện tại, cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Lữ đoàn có thể tự khắc phục, sửa chữa các hư hỏng thông thường.

Một buổi huấn luyện thể lực của cán bộ, thủy thủ tàu ngầm

Cán bộ, nhân viên của Lữ đoàn đã nghiên cứu, chế tạo thành công hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật áp dụng hiệu quả vào thực tiễn và phát triển thành các đề tài, tiêu biểu như: Phần mềm hướng dẫn tìm kiếm hỏng hóc tuyến xử lý sơ bộ của tổ hợp sona; thiết bị điều khiển tốc độ động cơ; thiết bị kiểm tra thông mạch của Trạm ra đa… giúp đơn vị chủ động nguồn vật tư thay thế, bảo đảm hoạt động ổn định của tàu ngầm và tiết kiệm ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng mỗi năm.

Xác định thể lực của thủy thủ tàu ngầm là yếu tố đặc biệt quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ, Lữ đoàn tổ chức huấn luyện chặt chẽ, đầy đủ các nội dung thể lực cơ bản cho các đối tượng, tập trung luyện tập các môn thể thao đặc chủng nhằm rèn luyện sức mạnh, sức bền và độ dẻo dai cho thủy thủ. Định kỳ, Lữ đoàn tổ chức hội thi thể dục thể hình để khuyến khích, động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất.

11 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, thủy thủ Lữ đoàn Tàu ngầm 189 đã vun đắp nên truyền thống “Đoàn kết, kỷ luật, bí mật, quyết thắng”. Truyền thống đó là nguồn cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ toàn Lữ đoàn tiếp tục phấn đấu lập nhiều thành tích, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng SSCĐ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 

Theo Báo Hải quân Việt Nam

Chia sẻ bài viết