26/03/2024 - 12:39

Lời cảnh tỉnh từ cô gái bị xẹp phổi 2 lần vì hút thuốc điện tử 

“Hút thuốc lá điện tử đã khiến phổi của tôi xẹp xuống 2 lần, giờ chúng đã bị sẹo vĩnh viễn” - Karlee Ozkurt, 20 tuổi, cho biết. Cô gái ở bang Wisconsin (Mỹ) tiết lộ bác sĩ đã nói tình trạng của cô không thể phục hồi, qua đó khuyên giới trẻ tránh xa thuốc lá điện tử và kêu gọi nhà chức trách cấm thiết bị có hại này.

Ozkurt cảnh báo bẫy suy nghĩ “hút thuốc điện tử trông thật ngầu”

Karlee Ozkurt, một nhân viên y tế ở thành phố Eau Claire, bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử từ hồi học trung học, khi thấy các bạn cùng lớp làm như vậy. Lúc mới tập hút, cô nghĩ nó ít độc hại hơn thuốc lá thông thường. “Tôi đã rơi vào bẫy suy nghĩ cho rằng hút thuốc điện tử trông thật ngầu. Nhưng điều đó thật ngu ngốc” - Ozkurt thú nhận. Theo thời gian, cô gái GenZ trở nên nghiện “cảm giác thích thú khi hít nicotine”. Khi cảm giác đó giảm dần, Ozkurt chuyển sang loại thuốc lá điện tử dùng một lần vì nó mạnh hơn và hút mỗi ngày để thỏa mãn cơn ghiền nicotine.

Karlee Ozkurt hiện nằm trên giường bệnh (trái) và chia sẻ hình ảnh lúc cô bắt đầu tập tành thói quen tai hại.

3 năm sau, vào tháng 11-2021, phổi phải của Ozkurt bị xẹp khi cô đang hút thuốc trong nhà vệ sinh tại nơi làm việc. “Tôi đột nhiên cảm thấy bị một cơn co giật cơ ở lưng. Khoảng một giờ sau, tôi bắt đầu thở khò khè” - Ozkurt nhớ lại lý do được cho về sớm, nhưng không nghĩ cơn đau “đủ nghiêm trọng” để đi cấp cứu.

“Nhưng sau một đêm mất ngủ, tôi vẫn đau và không thở được. Tôi cảm thấy như mình sắp chết. Tôi đến phòng khám và nói với bác sĩ về các triệu chứng đau ngực, khó thở và đau lưng. Họ đưa tôi đi cấp cứu ngay lập tức” - cô kể tiếp. Kết quả chụp X-quang ngực cho thấy phổi phải của Ozkurt đã xẹp 50%.

Các bác sĩ khi đó cảnh báo cô nên bỏ thuốc lá điện tử nếu không muốn điều đó tái diễn. Sau 3 tháng cố gắng bỏ thuốc bất thành, Ozkurt hút trở lại. Vào tháng 11-2022, phổi của cô lại bị xẹp sau nhiều tháng chịu đựng triệu chứng của cảm lạnh. Sau khi chụp CT và phẫu thuật để nối phổi vào thành ngực, bác sĩ nhận thấy một số vết sẹo ở đáy và dọc theo phổi. “Khi tôi tỉnh lại và hỏi bác sĩ nguyên nhân gì dẫn tới điều đó, ông ấy khẳng định là do hút thuốc điện tử” - Ozkurt kể và cho biết bác sĩ cũng cảnh báo cô có thể không sống qua tuổi 40.

Kể câu chuyện của mình, Ozkurt muốn khuyên can những người trẻ khác không hút thuốc lá điện tử. “Tôi muốn nói với họ rằng đừng bắt đầu. Nó không hay ho gì - chỉ là một điều ngu ngốc” - cô cảnh báo.

Hút thuốc lá điện tử có thể gây ung thư

Câu chuyện của Ozkurt được nhiều báo Mỹ và Anh đăng tải, sau khi có một nghiên cứu phát hiện thuốc lá điện tử có thể gây ung thư.

Các nhà khoa học từ Đại học Luân Đôn (Anh) và Đại học Innsbruck (Áo) đã kiểm tra dịch miệng của người hút thuốc và người sử dụng thuốc lá điện tử, qua đó tìm thấy những thay đổi ADN giống nhau. Họ nhận thấy hút thuốc lá điện tử “không vô hại như đã nghĩ”, mà nó làm tổn hại ADN giống như thuốc lá điếu và có thể dẫn đến ung thư.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy những người hút thuốc điện tử trải qua kiểu thay đổi gien tương tự như người hút thuốc lá thông thường. Một số nghiên cứu khác cũng nhấn mạnh nguy cơ ung thư bắt nguồn từ các phản ứng hóa học xảy ra trong quá trình hút, khi thành phần kim loại của thiết bị làm nóng chất lỏng (chứa nicotin và hương liệu) có thể giải phóng một lượng lớn kim loại độc hại gây ung thư, bao gồm asen, crôm, niken và chì. Tiếp xúc với những kim loại này còn có thể gây ra chứng “phổi bỏng ngô” - một dạng viêm phổi nguy hiểm dẫn đến thở khò khè, ho và khó thở.

Trước đó, các chuyên gia y tế đã cảnh báo sử dụng thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ tổn thương phổi, đau tim, suy hô hấp và các tác dụng phụ nguy hiểm khác. Các chuyên gia đặc biệt lo ngại khi thói quen này đang gia tăng nhanh chóng ở thanh thiếu niên.

LÊ THƯ (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết