27/05/2020 - 09:14

Linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 

Sau khi dịch bệnh COVID-19 trong nước cơ bản được đẩy lùi, TP Cần Thơ nhanh chóng tái khởi động lại sản xuất, kinh doanh, nối lại các hoạt động giao thương. Tuy nhiên, những tác động của COVID-19 được dự báo vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2020, chính quyền thành phố đã nhận diện thách thức và thời cơ, từ đó chủ động đưa ra các kịch bản để có giải pháp ứng phó kịp thời...

Sau khi dịch COVID-19 căn bản được đẩy lùi, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết nối giao thương của TP Cần Thơ dần được tái
khởi động. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods, đường 3 Tháng 2.

►Thách thức và thời cơ

Ông Lê Ngọc Bảy, Cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ, đánh giá: Quý I-2020 kinh tế thành phố có tăng trưởng nhưng chậm lại và ở mức rất thấp, chỉ bằng 50% so với mức trung bình hằng năm. Sự tăng trưởng này chủ yếu ở tháng 1, 2 và nửa đầu tháng 3 khi dịch bệnh COVID-19 chưa ảnh hưởng nhiều đến mọi mặt đời sống. Từ cuối tháng 3 đến tháng 4, dịch bệnh diễn biến phức tạp và xấu đi, đặc biệt khi thành phố thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 và Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, mức tăng trưởng ở các lĩnh vực đều chậm lại. Ví dụ thương mại-dịch vụ sụt giảm mạnh, thậm chí tăng trưởng âm.

Sau thời gian giãn cách xã hội, từ cuối tháng 4 đến nay, TP Cần Thơ bắt đầu khởi động lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, dịch bệnh COVID-19 căn bản được khống chế trong nước nhưng vẫn ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng của thành phố. Một số ngành, lĩnh vực bị tổn thương do COVID-19 sẽ phục hồi chậm, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, các hoạt động đầu tư (ngoài ngân sách), kinh doanh bất động sản, thu hút vốn đầu tư FDI. Sau khi “thấm đòn” COVID-19, nhiều doanh nghiệp (DN) của thành phố gặp khó khăn về nguồn vốn để phục hồi sản xuất, giữ chân lao động… Một số ý kiến cho rằng, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng khó khăn. Nhiều nước thắt chặt kiểm soát biên giới, cửa khẩu nên thị trường xuất nhập khẩu đã, đang và sẽ gặp nhiều bất lợi; DN trong nước phải đối mặt với tình trạng thiếu vật tư, nguyên liệu nhập khẩu đầu vào…

Bên cạnh  những thách thức đặt ra vẫn có những cơ hội cho Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng trong tăng trưởng kinh tế. Tính đến thời điểm này, Việt Nam là một trong số các nước kiềm chế được dịch bệnh sớm. Đây là tín hiệu đáng mừng vì Việt Nam có thể tái khởi động lại kinh tế sớm và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Không chỉ vậy, sau dịch COVID-19 cũng là thời điểm vàng đề chúng ta đón cơ hội đầu tư từ nhiều quốc gia. Ngoài ra, Việt Nam có thể hưởng lợi nếu các nền kinh tế lớn: Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) dịch chuyển các chuỗi cung ứng sang Việt Nam sau đại dịch.

►Để đạt mức tăng trưởng  như kỳ vọng

Nhận diện những thách thức và thời cơ, TP Cần Thơ đã có những dự báo về tình hình phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian tới. Trong đó, trường hợp lạc quan, khả năng dần phục hồi kinh tế có thể đến hết quý III-2020 và hoạt động bình thường, ổn định trở lại từ quý IV-2020. Trái lại, trường hợp khó khăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài đến quý IV-2020; ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế-xã hội; năng lực tài chính, cơ hội kinh doanh của DN giảm mạnh; thời gian phục hồi chậm, cần nhiều tháng, thậm chí 1-2 năm.

Như vậy, làm thế nào để đạt mức tăng trưởng GRDP như kỳ vọng là vấn đề đang được chính quyền thành phố và các quận huyện quan tâm hơn bao giờ hết. Ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: “Huyện tiếp tục thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Với lợi thế phát triển nông nghiệp, bên cạnh phát triển vùng chuyên canh cây lúa, huyện cũng vận động, tuyên truyền người dân chuyển sang kinh tế vườn đối với các vùng trồng lúa kém hiệu quả. Ngoài ra, huyện cũng tập trung thúc đẩy giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản, thu ngân sách... Đồng thời, thực hiện chi trả theo Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó do đại dịch COVID-19 nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện để người dân, hộ kinh doanh, DN ổn định đời sống, phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, quý I-2020 tốc độ tăng trưởng GRDP thành phố tăng 4,07%, cao hơn chỉ số tăng bình quân cả nước 0,25%. Trong đó, khu vực I tăng 0,12%, khu vực II tăng 5,43%, khu vực III tăng 3,9%. Tuy nhiên, đây là mức tăng thấp nhất của quý I trong hơn 10 năm qua.

Để hỗ trợ DN duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần làm hạn chế suy giảm tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Thực Hiện, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: “Thành phố tiếp tục tập trung cho công tác cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Theo đó, thành phố sẽ rà soát lại các loại phí, lệ phí phải đóng khi thực hiện thủ tục hành chính theo quy định để đề xuất mức miễn, giảm phù hợp. Đồng thời, nắm thông tin về tình hình sử dụng lao động của các DN để có giải pháp hỗ trợ, kết nối cung cầu, giải quyết việc làm cho người lao động…”.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển, vừa qua, Chính phủ đề ra nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ DN vượt khó, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đáng chú ý là các chính sách về tài chính (tiền tệ và tài khóa) tác động trực tiếp và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế. Để đưa các chính sách này vào thực tiễn, về thực hiện chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cần chỉ đạo các Ngân hàng thương mại đẩy dòng tiền ra nền kinh tế thông qua cho vay, hạ lãi suất, giãn nợ... Đối với chính sách tài khóa, hiện nay DN đang gặp khó khăn, do đó cơ quan thuế phải thực hiện giãn, giảm thuế cho DN, hộ kinh doanh. Thuế là đòn bẩy kinh tế, vì vậy chúng ta phải vận dụng linh hoạt chứ không chỉ tập trung thu sao cho đủ chỉ tiêu. Ngoài nguồn thu từ thuế và phí, chúng ta cần tập trung cho các nguồn thu khác: khai thác tài nguyên khoáng sản, cho thuê đất, tiền sử dụng đất,
bán nhà…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết