03/01/2012 - 09:07

Đào tạo trực tuyến

Linh động về thời gian, không gian

Đào tạo trực tuyến (E-Learning) là một trong những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục, nhất là ở bậc đại học và sau đại học. Năm học 2006-2007, Khoa CNTT và Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ, đã thử nghiệm đào tạo theo hình thức này, nhằm phục vụ chương trình đào tạo kỹ sư tin học liên thông từ cử nhân cao đẳng tin học và hỗ trợ trong đào tạo theo học chế tín chỉ tại khoa. Hơn 5 năm qua, E-Learning không chỉ có Trường ĐHCT mà đã lan tỏa sang các trường lân cận, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học...

Dạy học mọi lúc, mọi nơi

Bạn Huỳnh Thanh Phước, sinh viên lớp Công nghệ phần mềm khóa 34, Khoa CNTT và Truyền thông, Trường ĐHCT, cho biết: “Thông qua diễn đàn trực tuyến của Khoa, tôi được giải đáp những thắc mắc trong bài học, bài tập khó, không nhất thiết phải đến gặp trực tiếp thầy cô hay bạn bè để hỏi. Tôi còn có thể cùng các bạn, thầy cô thảo luận bài học một cách thoải mái và mạnh dạn nêu ý kiến của mình hơn. Tôi thấy phương thức học này đã thực sự trở nên quen thuộc với sinh viên, là kênh hỗ trợ đắc lực trong nghiên cứu, trao đổi học tập...”.

Trang bị đầy đủ phương tiện học tập, phủ sóng mạng internet sẽ giúp sinh viên có điều kiện học tập theo
hình thức trực tuyến. Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ đang tải tài nguyên trên mạng internet. 

Trên thực tế, hầu hết các sinh viên ở Khoa đều cho rằng hình thức học trực tuyến đã giúp sinh viên thuận lợi hơn trong học tập, nhất là áp dụng cho đào tạo học chế tín chỉ. Sinh viên có thể trao đổi, học tập lẫn nhau ngoài chuyên ngành của mình, thông qua hình thức đào tạo trực tuyến. Có lần, chúng tôi đến Khoa CNTT và Truyền thông, đúng lúc các sinh viên đang trao đổi trực tuyến trên diễn đàn. Một sinh viên ngồi trên máy tính vào trang web Khoa CNTT và Truyền thông, Trường ĐHCT (www.cit.ctu.edu.vn), chỉ cần click chuột vào mục e-learning, lập tức hiện lên trên máy “Hệ thống hỗ trợ đào tạo”, với dòng chữ: “Mời các bạn cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm các lĩnh vực: lập trình, công nghệ,...”. Sau đó, hàng loạt câu hỏi- trả lời của sinh viên, giảng viên liên quan đến chuyên môn, kế hoạch học tập, thông báo, sinh hoạt lớp,...

Theo Thạc sĩ Trần Minh Tân, giảng viên Khoa CNTT và Truyền thông, trước khi triển khai đào tạo trực tuyến, Khoa CNTT và Truyền thông đã bố trí một số buổi cho sinh viên học trên lớp với giảng viên. Qua đó, giảng viên hướng dẫn cho sinh viên cách tạo tài khoản riêng để truy cập thông tin. Đoàn Thanh niên của Khoa CNTT và Truyền thông cũng đã tổ chức nhiều chuyên đề, câu lạc bộ học thuật liên quan đến CNTT, sử dụng hiệu quả E-learning... Thạc sĩ Trần Minh Tân nói: “Thông qua diễn đàn và nguồn tư liệu (bài giảng, các bài tập trắc nghiệm...) trên website, sinh viên có thể nghiên cứu, tham khảo tài liệu và tham gia bài tập nhóm. Với hình thức đào tạo trực tuyến, giảng viên, sinh viên không nhất thiết phải đến lớp nên thời gian không bị bó buộc và có thể dạy học mọi lúc, mọi nơi”.

Hướng phát triển mới

Từ năm học 2006-2007, khoa CNTT và Truyền thông, Trường ĐHCT đã thử nghiệm đào tạo theo hình thức này. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ đề tài trọng điểm cấp Bộ “Thiết kế và xây dựng chương trình E-Learning trong đào tạo kỹ sư tin học liên thông từ cử nhân cao đẳng tin học”, do Thạc sĩ Nguyễn Văn Linh (Phó Trưởng khoa Khoa CNTT và Truyền thông ĐHCT) làm chủ nhiệm. Trong năm học đầu tiên triển khai (2006-2007), hình thức đào tạo trực tuyến, lãnh đạo khoa chỉ áp dụng ở một số môn học trong chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thạc sĩ Phan Phương Lan, Phó Trưởng Bộ môn Công nghệ phần mềm, Khoa CNTT và Truyền thông, cho rằng: “Đào tạo trực tuyến rất phù hợp với chương trình đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học, đào tạo từ xa, bởi phần lớn đối tượng người học đang đi làm, không có thời gian đến lớp”.

Theo thống kê của Khoa CNTT và Truyền thông, từ khoảng 500 sinh viên, với một vài giảng viên của khoa sử dụng hệ thống E-learning vào năm đầu tiên, đến nay đã có hơn 3.000 sinh viên sử dụng (trong đó có hơn 2.000 sinh viên chính qui) của Trường ĐHCT, ĐH Tây Đô và của các đơn vị liên kết với Trường ĐHCT. 100% giảng viên của khoa CNTT và Truyền thông cũng đã sử dụng hệ thống này. Bình quân hằng năm, có khoảng 400 tân sinh viên đăng ký mới vào hệ thống E-learning. Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Trần Minh Tân, đào tạo trực tuyến đòi hỏi phải có phương tiện (máy vi tính) và internet. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng có phương tiện và mạng internet không phải lúc nào cũng phủ sóng mỗi lúc mọi nơi. Nên cần có sự hỗ trợ từ những cơ quan hữu quan cho các sinh viên, nhất là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, đào tạo trực tuyến đòi hỏi tính tự học ở người học rất cao; cũng như sự tích cực giảng dạy của người thầy. Trong khi đó, không phải sinh viên nào cũng có khả năng tự học. Thầy Tân phân tích: “Vấn đề là nhận thức của sinh viên, nếu sinh viên chịu học, chịu tìm tòi khám phá, hiệu quả sẽ thấy rõ. Còn ngược lại, sinh viên chỉ học những gì thầy “cho” và học để thi “trả nợ”, thì kết quả cũng có nhưng không cao. Còn người thầy, nếu đưa được câu hỏi “mồi” và khích thích sự tham gia thảo luận của sinh viên thì chuyên môn học sẽ được mở rộng, có chiều sâu hơn...”.

Trong xu thế phát triển của CNTT, đa dạng hóa loại hình, hình thức đào tạo, nhu cầu dạy học trực tuyến ở các trường ngày càng cao. Thạc sĩ Phan Phương Lan, Phó Trưởng Bộ môn Công nghệ phần mềm, Khoa CNTT và Truyền thông, đề xuất: “Hiện nay, chương trình đào tạo liên thông thay đổi theo hệ thống tín chỉ nên không còn lớp học dành riêng cho sinh viên liên thông. E-Learning đã trở thành một hệ thống thân quen với các giảng viên và sinh viên trong khoa. Vì thế nên chăng trường cho phép hệ thống này vẫn được duy trì và chuyển qua phục vụ đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở các ngành đào tạo”.

Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn, song việc dạy và học trực tuyến sẽ rèn cho sinh viên tính tự học, kỹ năng học nhóm, phát huy khả năng sáng tạo tư duy trong học tập, góp phần tạo ra một xã hội học tập, học suốt đời cho người học...

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết