22/01/2011 - 09:58

Liên kết vùng để gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa

ĐBSCL hàng năm đóng góp khoảng 27% vào GDP cả nước, sản xuất 55% sản lượng lương thực, cung cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu (chỉ riêng năm 2010 xuất khẩu 6,8 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 3,2 tỉ USD), góp 70% lượng trái cây, 58% sản lượng thủy sản, riêng tôm chiếm 80% và đóng góp trên 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Vậy mà đời sống người nông dân vẫn còn không ít khó khăn. Nguyên nhân được nêu ra là thiếu sự liên kết trong chỉ đạo, sản xuất, chế biến và tiêu thụ cấp vùng. Ông Trần Hữu Hiệp, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Ủy viên Ban Chỉ đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long, thành viên nhóm xây dựng Chương trình Liên kết vùng ĐBSCL, chia sẻ:

- Phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng còn tình trạng “mạnh ai nấy làm” hay đầu tư theo “phong trào”, thế mạnh của các sản phẩm chủ lực, đặc thù của vùng như lúa gạo, trái cây, thủy sản (tôm, cá tra) chưa được phát huy đúng mức nhằm gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa. Chính vì điều này nên thời gian qua dễ nhận ra tình trạng tỉnh nào cũng có khu, cụm công nghiệp, chợ đầu mối, nhà máy đường, hoặc đang có xu hướng “chạy đua” xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm giống ... Kết quả là đầu tư trùng lắp, dàn trải, nhỏ lẻ, chậm phát huy hiệu quả. Tình trạng phổ biến hiện nay là cấp tỉnh đang thực sự chi phối và quyết định sự phát triển kinh tế vùng. Do đó, kinh tế vùng ĐBSCL mặc dù đang có nhiều lợi thế về sản phẩm mũi nhọn và các yếu tố địa - kinh tế khác nhưng chưa thể phát triển như mong muốn, đòi hỏi một cơ chế liên kết hợp tác thực sự hiệu quả. Đã đến lúc chúng ta cần xóa bỏ “tư duy cơ cấu kinh tế tỉnh”, thúc đẩy sự bố trí sản xuất và dân cư trên phạm vi vùng kinh tế để phát huy thế mạnh.

* Ông có thể chỉ ra những bất cập hiện nay khi liên kết vùng còn lỏng lẻo?

- Ví dụ như lĩnh vực lúa gạo. Trong khi người nông dân ĐBSCL là tác giả của “công trình” đưa Việt Nam trở thành và giữ vững vị trí thứ 2 thế giới của một “cường quốc xuất khẩu gạo”, nhưng họ luôn bị đe dọa bởi những hiện tượng “được mùa mất giá”, “được giá, hết hàng” liên tục diễn ra. Hay tình trạng lúa, mía, cá tra hàng hóa tồn đọng; việc bảo quản sau thu hoạch, đóng gói và phát triển thương hiệu gạo còn nhiều hạn chế, đặc biệt là khâu xay xát và lưu trữ gạo trước khi đưa ra thị trường; thời tiết; dịch bệnh ... luôn là nỗi lo thường trực của nông dân.

Đến nay, trên phạm vi cả nước và cấp vùng vẫn chưa có qui hoạch cây ăn quả (CAQ), việc xây dựng vùng chuyên canh tuy có quan tâm, nhưng quy mô nông hộ còn nhỏ và trồng tạp, hình thức tổ chức sản xuất chưa phù hợp, liên kết giữa nghiên cứu - ứng dụng, sản xuất, tiêu thụ hàng hóa còn lỏng lẻo dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao. Việc sản xuất CAQ chưa được các nhà vườn thật sự quan tâm theo hướng chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm (GAP). Trái cây chưa hấp dẫn người tiêu dùng nội địa và nước ngoài, do năng suất, chất lượng kém, công nghệ sản xuất và chế biến, đóng gói còn lạc hậu, dẫn tới giá thành cao nên rất khó cạnh tranh. Thất thoát sau thu hoạch còn khá lớn, công nghệ đóng gói, chế biến chưa phát triển và lạc hậu so với nhiều đối tác cạnh tranh trong khu vực...

Mặc dù ĐBSCL là vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước với diện tích chiếm 70%, 58% sản lượng, riêng tôm chiếm 80% và đóng góp trên 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Song, việc phát triển nuôi trồng, khai thác thủy hải sản một cách tự phát quá “nóng”, thiếu đồng bộ; đầu tư cho phát triển còn thấp, chậm; cơ sở hạ tầng yếu kém, rõ nhất là ngành nuôi tôm, cá tra ĐBSCL....

Nếu ví sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL như cây đòn gánh, 1 đầu gánh là nguyên liệu đầu vào và 1 đầu là tiêu thụ - đầu ra, thì ở 2 đầu đó hiện đang “gặp vấn đề”, người nông dân đang bị “lắc” trong thế bị động, cần được giữ thăng bằng, để họ an tâm đi tiếp trên chặng đường phát triển.

Người nuôi cá tra và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần có sự liên kết để phát triển.

* Thưa ông, vậy việc liên kết vùng sẽ được thực hiện ra sao cho thật sự hiệu quả?

- Về vấn đề liên kết vùng ĐBSCL, thời gian qua đã được đề cập. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vừa diễn ra cũng có tham luận, ý kiến phát biểu rất hay về phát triển kinh tế vùng. Nhưng vấn đề quan trọng là liên kết cái gì? Ai làm? Thực thi ra sao? Cần được thống nhất và triển khai đồng bộ với cơ chế chỉ huy, vận hành hiệu quả. Vừa qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng với Trường ĐH Cần Thơ, Viện lúa ĐBSCL và Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan và 13 tỉnh, thành trong vùng xây dựng Chương trình liên kết vùng với 5 dự án sản xuất và tiêu thụ: lúa gạo; cây ăn trái; thủy sản (tôm, cá tra); đào tạo nghề cho nông dân trong 3 lĩnh vực trên và cơ chế, chính sách để phát triển các sản phẩm chủ lực này và đào tạo nghề cho nông dân ĐBSCL. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã thống nhất chủ trương khuyến khích việc liên kết vùng ĐBSCL để thực hiện chương trình trên. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào vùng ĐBSCL năm 2010, bà Victoria KwaKwa, Giám đốc WB tại Việt Nam cũng rất quan tâm và ủng hộ cách tiếp cận theo vùng và thực hiện liên kết vùng ĐBSCL.

Liên kết vùng ngoài việc khắc phục các nhược điểm hiện nay khiến chúng ta chưa phát huy hết các tiềm năng và lợi thế thì còn tính đến “liên kết 4 nhà” và sự đồng thuận của chính quyền 13 tỉnh thành trong vùng. Về sản xuất lúa gạo, tập trung vào bốn nhóm giải pháp chính: ứng dụng khoa học công nghệ trong chọn tạo giống, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất lúa gạo, tổ chức và liên kết sản xuất và giải pháp về thị trường. Về CAQ sẽ xây dựng mạng lưới sản xuất và tiêu thụ thông qua giải pháp tham gia 4 nhà, liên kết các viện trường nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ theo chuẩn GAP, mô hình công nghệ sau thu hoạch... Còn cá da trơn tập trung 3 nhóm giải pháp cơ bản là thông tin kinh tế, thị trường và sản xuất; quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm qua mô hình liên kết sản xuất, cải tiến kỹ thuật và nghiên cứu, phát triển chuỗi cung ứng qua liên kết vùng và tham gia 4 nhà...

* Vậy “4 nhà” sẽ liên kết như thế nào để phát huy hiệu quả cao nhất, thưa ông?

- Để liên kết “4 nhà” được thành công, trước hết “từng nhà” phải liên kết được với nhau. Phải thống nhất quan điểm và đồng bộ trong chỉ đạo sản xuất, tính kỷ cương trong qui hoạch .... Đó là, qui hoạch sản xuất và tập trung nguồn nguyên liệu của những ngành hàng đề cập; đầu tư cơ sở hạ tầng; quản lý môi trường sản xuất; thông tin thị trường; có cơ chế, tổ chức và chính sách liên kết vùng và tham gia “4 nhà” thực hiện 5 dự án trên.

Với nhà khoa học sẽ tận dụng nguồn lực, trang thiết bị của từng cơ quan liên kết lại thành sức mạnh tổng hợp để nghiên cứu và đóng góp cho “3 nhà” còn lại. Lãnh đạo các viện trường chịu trách nhiệm điều phối các liên kết để thực hiện giải pháp khoa học, chuyển giao công nghệ... Nhà doanh nghiệp sẽ được mời tham gia vào chương trình liên kết vùng, ký kết với tổ chức sản xuất; nông dân trên từng tiểu vùng qui hoạch của nhà nước sẽ được mời tham gia mạng lưới. Thúc đẩy các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã, trang trại, gia trại, hiệp hội ngành hàng của nông dân... Ngoài ra, còn cần phải có giải pháp đồng thuận của “1 nhà” gồm 13 tỉnh thành trong vùng, thống nhất triển khai các dự án và ngoéo tay nhau để liên kết phát triển.

* Xin cảm ơn ông!

LÊ PHƯƠNG CÁT TƯỜNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết