01/07/2015 - 20:47

Liên kết nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi

Tại TP Cần Thơ, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức Hội nghị "Đánh giá Công tác Giống vật nuôi tại các tỉnh ĐBSCL". Nhiều đại biểu khẳng định, không thể "bỏ quên", thậm chí phải hết sức quan tâm đến công tác giống vật nuôi trong bối cảnh đề án tái cơ cấu nông nghiệp đang triển khai tích cực. Xuất phát từ thực tế đó, những vấn đề liên quan, đặc biệt là những "mảng tối" trong công tác sản xuất, kinh doanh và quản lý giống vật nuôi ở ĐBSCL đã được đưa ra bàn thảo.

* Năng suất, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, thời gian qua, ngành chăn nuôi nước ta đã nghiên cứu, chọn lọc và lai tạo thành công nhiều giống vật nuôi phù hợp với các vùng sinh thái. Đơn cử, một số giống vật nuôi phổ biến ở ĐBSCL hiện nay có năng suất, chất lượng bằng và cao hơn thế giới, như: giống vịt chuyên thịt, chuyên trứng… Tuy nhiên, năng suất, chất lượng giống vật nuôi hiện nay nhìn chung đều thấp. Bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết: "Mặc dù tỷ lệ bò lai Sind của tỉnh chiếm trên 80% tổng đàn nhưng tầm vóc bò cái nền vẫn nhỏ nên khi gieo tinh hoặc phối giống với các giống bò BBB, Drought Master dễ gặp vấn đề về sinh sản. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng giống bò nội trong chăn nuôi ngày càng giảm và có nguy cơ bị mất nguồn gien. Trên địa bàn tỉnh hiện không có các trại giống cụ kỵ, ông bà và bố mẹ. Với sự hỗ trợ của Dự án Nâng cao đời sống, thời gian qua, tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm huấn luyện chăn nuôi bò tại huyện Châu Thành với 44 con bò giống".

 Do chăn nuôi ở ĐBSCL chủ yếu nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên tình trạng người dân sử dụng vật nuôi thương phẩm để làm giống rất phổ biến.

Tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, cơ sở vật chất phục vụ công tác chọn tạo, nhân giống vật nuôi còn thiếu và yếu nên không đủ năng lực cung ứng con giống cho sản xuất. Đơn cử như ở TP Cần Thơ, mặc dù được định hướng trở thành trung tâm cung ứng giống cây trồng, vật nuôi cho các tỉnh ĐBSCL trong tương lai nhưng hiện nay công tác sản xuất giống của địa phương vẫn tồn tại nhiều bất cập. Cho đến nay, Cần Thơ vẫn chưa xây dựng được trung tâm chuyển giao giống vật nuôi; công tác đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ công tác giống còn hạn chế. "Đàn giống vật nuôi bố mẹ chưa được cải tiến, phần lớn con giống được sản xuất từ các cơ sở tư nhân và chất lượng giống chưa được kiểm soát. Cho nên, giống vật nuôi của thành phố cả về số lượng, lẫn chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Chẳng hạn, đối với giống heo chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu chăn nuôi, hằng năm thành phố nhập 10.000 con heo giống; vịt giống đáp ứng 30% nhu cầu; còn gà chủ yếu mua giống từ các địa phương khác"- ông Nguyễn Khải Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ nói.

Không chỉ năng suất và chất lượng con giống thấp, một vấn đề bức xúc đã và đang diễn ra ở ĐBSCL là tình trạng buôn bán, lưu thông giống vật nuôi không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không an toàn dịch bệnh thường xuyên diễn ra. Các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống xây dựng tự phát, không đăng ký; nhân giống và sản xuất giống không theo hệ thống giống, không được kiểm tra, kiểm soát... Theo ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hậu Giang, do chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên tình trạng người dân thường sử dụng vật nuôi thương phẩm làm giống. Điều này gây ra nhiều hệ lụy, nặng nề nhất là làm vật nuôi bị rối loạn sinh sản (không đẻ được, tỷ lệ sống thấp...). Ngoài ra, đội ngũ chuyên gia, cán bộ phục vụ công tác giống vật nuôi còn thiếu và yếu; hoạt động nghiên cứu, chọn tạo giống vật nuôi thiếu trọng tâm, trọng điểm nên chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa phù hợp cho từng địa phương.

* Loay hoay tìm lối ra

Xuất phát từ thực tế trên, các đại biểu tham dự hội nghị "Đánh giá Công tác Giống vật nuôi tại các tỉnh ĐBSCL" cho rằng, Cục Chăn nuôi cần đề ra các giải pháp đồng bộ về quy hoạch, khoa học công nghệ, khuyến nông… nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, chọn tạo, nhân giống cho các tỉnh, thành trong vùng. Ông Nguyễn Khải Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đề xuất: "Cục Chăn nuôi nên sớm dự thảo và trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ; quy chuẩn, tiêu chuẩn để công tác sản xuất, kinh doanh và quản lý giống vật nuôi ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Đồng thời, đề xuất Bộ NN& PTNT chỉ đạo các cơ quan thuộc bộ có liên quan tạo điều kiện để các địa phương tiếp cận giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng tốt. Riêng tại TP Cần Thơ nên đầu tư xây dựng trung tâm nuôi và chuyển giao giống vật nuôi để thành phố giải quyết nhu cầu chăn nuôi tại chỗ và từng bước tiến tới việc cung ứng giống vật nuôi cho cả vùng".

Bên cạnh việc đề ra hệ thống quản lý nhà nước về giống vật nuôi đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần quy hoạch hệ thống sản xuất giống vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, quan tâm đến xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và liên kết vùng chăn nuôi. Theo bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về giống vật nuôi còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Do đó, các bộ ngành hữu quan cần tăng cường công tác đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong việc đánh giá, bình tuyển con giống; giám định lập phiếu cá thể quản lý giống đàn sinh sản; phòng chống dịch bệnh; kỹ thuật thụ tinh nhân tạo; chăm sóc vật nuôi; phương pháp bảo quản tinh... cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về giống vật nuôi. Ngoài ra, để nâng chất lượng giống vật nuôi trong nước, ngành chăn nuôi cần tăng cường công tác tập huấn, tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm với những nước tiên tiến, có trình độ cao về quản lý giống vật nuôi...

Theo Chiến lược Giống vật nuôi đến năm 2020 do Cục Chăn nuôi đề ra, phấn đấu tỷ lệ thụ tinh nhân tạo cho đàn heo nái từ 43-44% (năm 2015) tăng lên khoảng 60% (năm 2020). Giống gia cầm bảo tồn nguồn gien giống gà, vịt nội quý hiếm và phát triển nguồn gien thông qua bảo tồn tại chỗ; tạo các cặp lai phù hợp với phương thức nuôi tại các vùng miền. Giống gà ngoại, chọn tạo và nhân thuần các dòng năng suất cao phù hợp với điều kiện sinh thái của Việt Nam. Đối với bò thịt, nâng tỷ lệ bò lai từ 52% hiện nay lên 70% tổng đàn bò thịt cả nước vào năm 2020. Cùng thời điểm này, tổng đàn bò sữa đạt mốc khoảng 300.000 con, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15% năm. Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, các địa phương cần tập trung phát triển các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, lợi thế (thị trường, vùng miền). Đồng thời, nâng cao năng lực sản xuất giống tại chỗ để có thể chủ động nguồn giống năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất. Tuy nhiên, hướng đi này vướng rào cản là kinh phí phục vụ công tác giống rất lớn, đòi hỏi phải đầu tư lâu dài. Vì vậy, các địa phương phải nghĩ đến vấn đề liên kết vùng, đối tác công tư, đặc biệt là phát huy vai trò của doanh nghiệp. Song song đó, tăng cường công tác quản lý giống vật nuôi ở địa phương để người dân tiếp cận được con giống ổn định về số lượng, đảm bảo về chất lượng, từng bước nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

* Ông Đỗ Văn Hoan, Phó Trưởng phòng Gia cầm và Gia súc nhỏ, Cục Chăn nuôi:
Hợp tác quốc tế để đa dạng hóa, nâng cao chất lượng giống vật nuôi

Trong công tác phát triển giống vật nuôi, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các nước trên thế giới để trao đổi nguồn gien có giá trị; đa dạng hóa giống vật nuôi thông qua nhập khẩu giống mới, có năng suất và chất lượng cao. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm với những nước tiên tiến, có trình độ cao về quản lý giống vật nuôi, có điều kiện tương đồng với Việt Nam.

Điển hình như giống gà nhập từ nước ngoài được chọn lọc nhân thuần và nuôi giữ tại các cơ sở giống thuộc Bộ NN&PTNT sau đó được sử dụng làm mái nền để lai với các giống gà nội nhằm nâng cao chất lượng thịt. Hiện các giống gà nhập khẩu nuôi tại Việt Nam đạt năng suất thịt, trứng tương đương 87-92% so với nguyên gốc.

* Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau: Ngành chăn nuôi phải hướng đến mục tiêu xuất khẩu

 

Ngành chăn nuôi nước ta hiện nay chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa. Trong khi giá sản phẩm đầu vào (thức ăn, thuốc thú y…) luôn cao, còn đầu ra lại bấp bênh. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến công tác phát triển giống vật nuôi thời gian qua chưa được như kỳ vọng. Bởi đầu tư càng nhiều thì thành quả thu được cũng chỉ ở mức phá huề hoặc lỗ vốn.

Chính vì vậy, tôi cho rằng, muốn vực dậy khâu giống, trước hết phải hướng mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi để xuất khẩu. Bởi nếu chúng ta đầu tư mạnh cho khâu giống nghĩa là chất lượng sẽ được nâng lên đồng nghĩa giá thành cũng đội trần. Trong khi đó, nếu sản xuất chỉ để tiêu thụ trong nước thì người dân và doanh nghiệp chẳng ai mặn mà. Mặt khác, nếu xác định công tác giống vật nuôi là một trong những niệm vụ then chốt phục vụ tái cơ cấu thì cần phải đầu tư căn cơ, thậm chí phải có những giải pháp đặc thù riêng cho vùng ĐBSCL.

* Ông Lê Thanh Tùng, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long: Cần có tổ chức trung gian kiểm định giống vật nuôi tại ĐBSCL

 

Khâu kiểm định chất lượng giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh gặp nhiều vấn đề. Trong đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi nhỏ lẻ chủ yếu bình xét con giống thông qua đặc điểm ngoại hình, sinh trưởng, sinh sản và năng suất từng cá thể do hộ nuôi cung cấp. Đây là vấn đề đáng lo ngại.

Để nâng cao chất lượng con giống, tạo sản phẩm chăn nuôi an toàn từ gốc, ĐBSCL rất cần một cơ quan, tổ chức trung gian làm nhiệm vụ kiểm định, chứng nhận chất lượng giống vật nuôi tại vùng và địa phương. Tổ chức này sẽ giữ vai trò kiểm định, kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng con giống; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và các kiến thức cần thiết cho các cơ sở, sản xuất kinh doanh giống vật nuôi và các hộ nuôi khi có nhu cầu…

* Bà Nguyễn Thị Xoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh An Giang: Tập trung thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án phục vụ công tác cải tạo, nâng cao chất lượng giống vật nuôi

 

Tỉnh An Giang không có Trung tâm sản xuất giống vật nuôi, chỉ có trại heo Vĩnh Khánh trực thuộc Công ty Afiex; ngoài ra có một số cơ sở và hộ chăn nuôi tư nhân tự nuôi giữ và lai tạo giống heo, vịt. Do đó, nguồn giống vật nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng phục vụ cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh rất hạn chế.

Vài năm gần đây, việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án phục vụ công tác cải tạo, nâng cao chất lượng giống vật nuôi; kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống vật nuôi từng bước góp phần củng cố công tác quản lý và phát triển giống trên địa bàn tỉnh. Do đó, chúng tôi tiếp tục quan tâm thực hiện công tác này trong thời gian tới với các phần việc cụ thể như: Triển khai và thực hiện Quyết định số 982/QĐ-UBND của UBND tỉnh An Giang Phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng heo đực giống tỉnh An Giang năm 2015; kiểm tra các chỉ tiêu về chất lượng tinh heo đực giống đối với cơ sở chăn nuôi heo đực giống và cơ sở kinh doanh tinh heo trong tỉnh; thực hiện Kế hoạch Phát triển giống vật nuôi tỉnh An Giang giai đoạn 2015-2020; Dự án Xây dựng cơ sở sản xuất giống bò, heo, gà, vịt đạt tiêu chuẩn, chất lượng...

QUẾ LIM

Chia sẻ bài viết