12/12/2017 - 21:58

Liên kết nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm cho vùng ĐBSCL 

Với lợi thế về tài nguyên, đặc biệt về sản xuất nông sản, cùng với nguồn nhân lực, môi trường đầu tư thông thoáng,... vùng ĐBSCL đã và đang thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và hàm lượng giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp chưa như mong muốn. Vậy làm gì để nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm cho vùng ĐBSCL, đó là vấn đề được đưa ra tại hội nghị xúc tiến do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ triển lãm TP Cần Thơ tổ chức tại TP Cần Thơ hôm qua (12-12-2017).

Tiềm năng lớn

Sản phẩm gạo của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An được sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi.

 

Ngành công nghệ chế biến thực phẩm (CBTP) Việt Nam có sự tăng trưởng đều đặn. Mức tăng của chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp trung bình từ năm 2012-2016 đạt 6,94%/năm đối với thực phẩm chế biến và 9,48% đối với đồ uống. Giá trị tiêu thụ thực phẩm hằng năm của Việt Nam ước tính khoảng 15% GDP. Trong 5 năm gần đây, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến tăng trung bình 9,68%/năm, tiêu thụ đồ uống tăng trung bình 6,66%/năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, sự tăng trưởng này chưa phát triển theo đúng tiềm năng, lợi thế.

Vùng ĐBSCL có vị trí chiến lược là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn. Hằng năm, vùng đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây và 60% sản lượng thủy sản cho xuất khẩu. Theo Bộ Công thương, tính đến tháng 11-2017, khu vực ĐBSCL thu hút được 1.411 dự án FDI (còn hiệu lực) với tổng vốn đăng ký hơn 20 tỉ USD. Dù vậy, việc thu hút FDI của vùng vẫn thuộc mức thấp nhất cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2017, các tỉnh, thành trong vùng thu hút được 66 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 1,7 tỉ USD, trong khi cả nước là 1.183 dự án với tổng vốn là 11,8 tỉ USD. Trong giai đoạn 2017-2020, vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều tiềm năng để đầu tư, khai thác. Hiện vẫn còn những diện tích đất lớn đang chờ mời gọi đầu tư tại Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Nam Sông Hậu và vùng đất Mũi Cà Mau. Với hơn 60 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư của vùng ĐBSCL, hầu hết các địa phương tập trung nhiều vào các dự án nhà máy chế biến, bảo quản thực phẩm, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... cho thấy, tiềm năng đầu tư ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng còn rất lớn. Ông Vũ Bá Phú, Cục Xúc tiến Thương mại, nhận định: Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đây là thời cơ khai thác cơ hội đầu tư. Thời gian qua, các Bộ, ngành và các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quan tâm và muốn đầu tư trong lĩnh vực này.

Giải pháp thúc đẩy liên kết

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Ngành thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và phát triển kinh tế xã hội. Để duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và phát triển ngành công nghiệp này một cách bền vững, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải phát triển thị trường thông qua việc nâng cao giá trị và chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng. Trong đó, giải pháp chính là phải xây dựng những doanh nghiệp lớn. Cùng đó, quan tâm đến việc phát triển thương hiệu để từng bước gia tăng giá trị xuất khẩu của thực phẩm vùng ĐBSCL trên thị trường thế giới. 

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), để thúc đẩy ngành thực phẩm phát triển tại ĐBSCL, cần tổ chức đánh giá, tổng hợp để tham mưu chính sách; định hướng trong quy hoạch phát triển ngành lương thực thực phẩm cấp địa phương; có những doanh nghiệp đủ tầm trong ngành nông nghiệp và CBTP; phát triển hệ thống logistics cho ngành chế biến và bảo quản thực phẩm; lựa chọn sản phẩm chiến lược; cần có những chính sách ưu tiên trong đầu tư ngành chế biến nông sản, thực phẩm; cần có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành thực phẩm...

Bà Tina Phan, Cục Xúc tiến mậu dịch Hồng Kông, cho rằng: Việt Nam được xem là điểm đến ưu tiên trong khu vực ASEAN của các nhà đầu tư Hồng Kông. Do đó, các doanh nghiệp cần phải biết nắm bắt cơ hội này. Vấn đề cần quan tâm của ngành CBTP của Việt Nam là vấn đề an toàn thực phẩm. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong sản phẩm nông sản chỉ cần một công ty vi phạm về vấn đề này có thể “giết” cả thương hiệu nông sản Việt Nam. Do đó, để nâng cao giá trị nông sản, người nông dân cần phải liên kết, xây dựng thương hiệu riêng cho mình.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết