24/04/2019 - 05:44

Liên kết hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics khép kín cho ĐBSCL 

Ngày 23-4, UBND TP Cần Thơ phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức Hội thảo "Tăng cường tính kết nối nhằm cải thiện chuỗi giá trị hàng nông sản và thủy sản của ĐBSCL". Các chuyên gia, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước cho rằng cần liên kết hình thành chuỗi dịch vụ logistics với các mô hình vận tải và logistics hiệu quả nhằm cắt giảm chi phí logistics hướng đến thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh công tác xuất nhập khẩu hàng nông sản và thủy sản tại TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư -Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, Tổng công ty Cảng biển Pyeongtaek - Hàn Quốc, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam ký kết Thỏa thuận hợp tác ba bên nhằm thúc đẩy mối quan hệ giao thương và phát triển ngành logistics. Ảnh: MINH HUYỀN

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư -Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, Tổng công ty Cảng biển Pyeongtaek - Hàn Quốc, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam ký kết Thỏa thuận hợp tác ba bên nhằm thúc đẩy mối quan hệ giao thương và phát triển ngành logistics. Ảnh: MINH HUYỀN

 

Nút thắt

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, cho biết, theo báo cáo xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,79 tỉ USD, xuất khẩu mặt hàng trái cây đạt 3,81 tỉ USD; trong đó ĐBSCL chính là trung tâm xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, qua các số liệu thống kê trong ít nhất 5 năm trở lại đây, chi phí logistics cho xuất khẩu thủy sản và trái cây chiếm tỷ lệ vào khoảng 20-25%, như vậy là khá cao so với các nước trong khu vực (vào khoảng 10-15%). Kết nối hạ tầng logistics tại khu vực ĐBSCL còn nhiều bất cập.  Mặt khác, yêu cầu về hoàn thiện chuỗi cung ứng xuất khẩu đối với hàng có bảo quản nhiệt độ và hàng trái cây cũng như chuỗi cung ứng logistics cho mặt hàng này là một thách thức không hề nhỏ cho các nhà sản xuất, xuất khẩu, thương mại và các nhà cung cấp dịch vụ logistics, nhất là trong bối cảnh hiện nay tại khu vực Tây Nam bộ.

Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu trong khu vực ĐBSCL khoảng 17-18 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, 70% lượng hàng hóa xuất khẩu này phải chuyển tải về các cảng lớn ở TP Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép, khiến doanh nghiệp phải gánh chi phí vận tải cao hơn từ 10-40% tùy từng tuyến. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, chia sẻ: Trên 70% sản lượng thủy sản của ĐBSCL phải vận chuyển bằng container lên TP Hồ Chí Minh để xuất khẩu. ĐBSCL còn thiếu các cảng biển, nhất là các cảng nước sâu đủ khả năng phục vụ tàu vận chuyển container xuất khẩu. Tình trạng quá tải tại một số cảng trọng điểm như cảng Cát Lái diễn ra thường xuyên tạo điều kiện cho các hãng tàu lấy cớ tăng phí dịch vụ. Khi giải phóng hàng hóa chậm doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí lưu kho bãi, mất thời gian chờ đợi. Bên cạnh đó, do hệ thống giao thông kết nối kém nên một số cảng khác lại thiếu chân hàng, không khai thác hết công suất.

Trái cây cũng là một thế mạnh của ĐBSCL bên cạnh lúa gạo và thủy sản. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tính đến nay trái cây Việt Nam đã hiện diện ở hơn 170 quốc gia. Kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2018 đạt 3,81 tỉ USD, tập trung ở thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... Tuy nhiên, khó khăn của ngành hàng rau quả là thiếu xe lạnh cho các khâu vận chuyển, trang bị cho các xe lạnh còn thiếu các thiết bị phụ trợ khác giúp bảo quản trái cây tốt hơn ngoài thiết bị làm lạnh. Dịch vụ vận tải quốc tế từ Việt Nam đi nhiều khu vực trên thế giới thường phải qua trung chuyển mất thời gian. Giá cước vận chuyển hàng của Việt Nam so với vài nước trong khu vực vẫn còn cao và Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ giá cước như một số nước đã áp dụng (ví dụ như Thái Lan...) dẫn đến chi phí vận tải cao làm chi phí xuất khẩu cao.

Trở ngại về cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, hạ tầng logistics chưa đồng bộ đã và đang làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở ĐBSCL. Đầu tư tương xứng cho lĩnh vực logistics là tất yếu nhằm gia tăng lợi thế và bắt nhịp xu hướng phát triển cho ngành hàng chủ lực của vùng.

Vận tải hàng hóa bằng tàu container tại Cảng Tân Cảng Cái Cui. Ảnh: MINH HUYỀN

Vận tải hàng hóa bằng tàu container tại Cảng Tân Cảng Cái Cui. Ảnh: MINH HUYỀN

 

Liên kết theo chuỗi dịch vụ

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) chia sẻ: Đầu năm 2019, VLI khảo sát các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp chủ hàng về những thách thức trong hoạt động logistics phục vụ hàng nông sản và thủy sản. Một số đơn vị được khảo sát cho biết tự thực hiện các hoạt động logistics với lý do chi phí thuê ngoài cao, e ngại nguy cơ rò rỉ thông tin, thiếu sự tin tưởng vào các công ty logistics. Còn đối với doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics là do bản thân doanh nghiệp không có khả năng tự vận hành cung ứng các dịch vụ này, dịch vụ cung cấp của các công ty logistics đa dạng, tính chuyên nghiệp cao với chi phí thấp và mạng lưới rộng khắp. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng VLI, nhấn mạnh: Khi doanh nghiệp lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ logistics thường dựa vào các tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá như chất lượng dịch vụ, giá cả, sự linh hoạt, thời gian. Do đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics cần liên kết để tạo chuỗi dịch vụ tại ĐBSCL, cải thiện chất lượng, giá cả, tính linh hoạt, rút ngắn thời gian nhằm tạo sự tin tưởng cho chủ hàng. Liên kết cung cấp chuỗi dịch vụ logisics khép kín, không chỉ phát triển dịch vụ logistics kho hàng xuất khẩu mà cho hàng nội địa, hàng thương mại điện tử…

Vùng ĐBSCL được xem là vựa lúa, vựa thủy sản lớn nhất cả nước. Nằm ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, vai trò cửa ngõ kết nối về hạ tầng logistics của Cần Thơ nếu được khai thác hiệu quả sẽ góp phần phục vụ tốt nhu cầu của thành phố và các địa phương lân cận. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ đang lập quy hoạch và mời gọi đầu tư dự án xây dựng Trung tâm logistics hạng II cấp vùng. Nếu hình thành được trung tâm logistics này, sẽ tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa lên TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời phát triển ngành kinh doanh dịch vụ mới ở TP Cần Thơ. Việc phát triển ngành dịch vụ logistics nói chung và xây dựng phát triển một trung tâm logistics hạng II cấp vùng ở Cần Thơ là nhu cầu cấp bách, đồng thời phù hợp định hướng của Đảng, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển vùng ĐBSCL.

Trong nỗ lực mở đường cho tàu có tải trọng lớn ra vào các cảng ở ĐBSCL, việc mở rộng kênh Quan Chánh Bố và đào thêm kênh tắt ra biển đã được triển khai song đến nay vẫn chưa được khơi thông hoàn toàn. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đặt ra vấn đề, nhiều năm qua luồng Định An thường bị bồi lắng và việc nạo vét không hiệu quả nên Nhà nước đã đào kênh tắt Quan Chánh Bố. Vấn đề đào kênh làm ảnh hưởng đến môi trường và sinh kế của người dân khu vực này. Đó là chưa kể khả năng khi kênh tắt đưa vào khai thác có bị bồi lắng tương tự như luồng Định An hay không. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân nhấn mạnh: Việc tìm hướng mở hợp lý để nạo vét và khai thác luồng Định An được xem là lối ra cho hoạt động logistics ở ĐBSCL. Cần Thơ là trung tâm và cửa ngõ để đưa hàng hóa xuất khẩu đi các nước. Do đó, phải giải quyết hiệu quả vấn đề luồng lạch mới giúp Cần Thơ phát huy tốt vai trò này. Vấn đề của Luồng Định An là phải xác định nạo vét bằng phương tiện gì, hình thức triển khai ra sao. Nhà nước đã có các cơ chế hợp tác đầu tư công-tư. Đối với Luồng Định An nên vận dụng cơ chế này, để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư nạo vét luồng thay vì chờ đợi Trung ương làm thay. Logistics là ngành đang phát triển nhanh nên phát triển ngành này ở ĐBSCL phải được đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, công nghệ thông tin.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết