09/06/2015 - 22:00

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Liên kết để phát triển nông nghiệp

Các địa phương vùng ĐBSCL cùng có chung tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực lúa gạo, thủy sản và trái cây. Do vậy, các địa phương trong vùng cần tăng cường liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các bên có liên quan mới giải quyết tốt được bài toán ổn định đầu ra cho nông sản, tránh tình trạng cạnh tranh không đáng có giữa các địa phương. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đặt ra tại buổi làm việc giữa Ban Kinh tế Trung ương với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tại TP Cần Thơ.

* Nhiều lợi thế nhưng… riêng lẻ

 Thời gian qua, nhiều loại trái cây và nông sản nói chung của ĐBSCL còn gặp cảnh bấp bênh về đầu ra.

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, thời gian qua sản xuất nông nghiệp của các địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục phát triển khá toàn diện. Năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Các địa phương đã hình thành một số mô hình tập trung chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường. Một số địa phương triển khai xây dựng vùng nông sản theo hướng “thực hành sản xuất tốt”, thân thiện với môi trường như: mô hình “ruộng lúa bờ hoa”, “ 3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… Kinh tế trang trại, hợp tác xã trong nông nghiệp có bước phát triển khá, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân được các địa phương quan tâm thực hiện thông qua các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ, khép kín từ cung ứng vật tư-tiêu thụ nông sản-chế biến và xuất khẩu. Phát triển các mô hình cây ăn trái theo hướng VietGAP, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nạc hóa, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, sạch bệnh… Các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp được các Bộ, ngành trung ương và địa phương triển khai thực hiện tương đối đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất, kinh doanh. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trạm bơm được quan tâm đầu tư và tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật, cơ giới vào sản xuất, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển. Năm 2014, sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL đạt trên 10,4 triệu tấn. Sản lượng thủy sản đạt trên 3,5 triệu tấn, tăng 0,6 triệu tấn so với năm 2010, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 2,335 triệu tấn, tăng hơn 348,4 ngàn tấn so với năm 2010. Hiện ĐBSCL có trên 300 ngàn ha diện tích cây ăn trái các loại, với tổng sản lượng trên 3 triệu tấn trái cây hằng năm.

Có thể khẳng định, sản xuất nông nghiệp tại vùng ĐBSCL thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Hiện nay, ĐBSCL đã trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đóng góp phần lớn lượng lúa gạo, trái cây và thủy sản xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tại vùng ĐBSCL phát triển chưa bền vững do đầu ra nhiều loại nông sản còn bấp bênh, hoạt động sản xuất dễ gặp rủi ro do các yếu tố môi trường, dịch bệnh và nhất là tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thời gian qua, sản xuất nhiều loại nông sản của vùng ĐBSCL còn được tập trung đầu tư nhiều vào việc thúc đẩy gia tăng sản lượng, chưa đầu tư thích đáng cho khâu bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Dù từng địa phương tại vùng ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đổi mới việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm giải quyết vấn đề ổn định đầu ra cho các loại nông sản. Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa đủ sức để giải quyết bài toán ổn định đầu ra cho các loại nông sản trong cơ chế thị trường, khi mà nhiều địa phương và những nông hộ sản xuất riêng lẻ còn thiếu liên kết. Thay vì cùng nhau hợp tác để phát triển sản xuất các loại nông sản có chất lượng cao, có sức vươn xa ra các thị trường quốc tế và đầu ra tốt nhờ bố trí cơ cấu cây trồng và mùa vụ hợp lý giữa các địa phương, nhiều nông dân vùng ĐBSCL lại đối mặt với tình trạng cạnh tranh lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Thực tế đó đã và đang đặt ra yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL cần tiếp cận vấn đề giải quyết đầu ra cho nông sản bằng một cái nhìn rộng, mang tính toàn diện chung cho cả vùng và cả nước, không thể giải quyết riêng lẻ, cục bộ từng địa phương.

* Cần có sàn giao dịch hàng hóa nông sản

Đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng: Việc liên kết vùng và xây dựng mô hình hợp tác rất quan trọng. ĐBSCL muốn phát triển và cải thiện đời sống nông dân phải tăng cường liên kết hợp tác, nhất là liên kết vùng và trước hết là liên kết hợp tác phát triển các dòng sản phẩm nông sản chủ lực, thế mạnh của vùng là lúa gạo, thủy sản và trái cây.

Song song với thực hiện liên kết vùng, ĐBSCL cần thành lập sàn giao dịch hàng hóa nông sản, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, vì đây là hướng đi giúp người sản xuất chủ động tiếp cận thông tin nhu cầu thị trường. Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện Trưởng Viện cây ăn quả Miền Nam, ĐBSCL có nhiều loại trái cây ngon, có thể xử lý cho ra trái suốt năm đây là một lợi thế rất lớn. Tuy nhiên, cái yếu của chúng ta hiện nay là khâu nắm bắt thị trường. Chúng ta chưa rành về tình hình sản xuất các loại cây ăn trái của thế giới, nhu cầu của thị trường ở từng chủng loại trái cây cụ thể vào những thời điểm cụ thể. Chúng ta cần quan tâm thành lập sàn giao dịch trái cây và các loại nông sản của ĐBSCL gắn với thực hiện tốt việc liên kết vùng nhằm giúp nông dân tại các địa phương có sự chủ động điều chỉnh sản xuất một cách hợp lý. Liên tục trong những năm gần đây chúng ta đều xuất siêu các loại rau quả. Năm 2011, xuất khẩu rau quả nước ta đạt hơn 631 triệu USD, đến năm 2013 đạt trên 1 tỉ USD, năm 2014 đạt trên 1,5 tỉ USD và năm 2015 này ước đạt khoảng 2 tỉ USD. Trong đó, thanh long đang trở thành một trong những loại trái cây xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, với việc nhiều nước trên thế giới đang tích cực phát triển trồng thanh long và nhiều loại trái cây cùng chủng loại với trái cây của Việt Nam thì nguy cơ ảnh hưởng đến ta là rất lớn. Tới đây, các địa phương trong nước cần có sự liên kết chặt với nhau và phát triển sản xuất trái cây theo hướng chất lượng cao gắn với làm tốt công tác nắm bắt thông tin thị trường, điều tiết sản xuất, xử lý cho cây ra trái rải vụ.

“Thay vì từng doanh nghiệp, từng địa phương phải đi kiếm từng khách hàng, tại sao chúng ta không xây dựng sàn giao dịch nông sản để giới thiệu đến khách hàng quốc tế chúng ta có những sản phẩm, có điều kiện, có lợi thế cạnh tranh và có thể cho ra những sản phẩm chất lượng cao”, đồng chí Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đặt vấn đề. Theo đồng chí Lê Vĩnh Tân, sàn giao dịch nông sản là hình thức bán hàng hết sức quan trọng mà ĐBSCL nên tính đến vì nhiều nước trên thế giới đã thực hiện và rất thành công. Nếu sàn giao dịch nông sản được thành lập sẽ giúp người nông dân sản xuất theo đúng định hướng của thị trường, tức trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường, nhờ đó nông dân sẽ tránh sản xuất cung vượt cầu. Đồng thời, thông qua sàn giao dịch cũng giúp cung cấp các thông tin về giá cả hàng hóa nông sản, nhu cầu về các loại hàng hóa của thị trường, giúp định hướng sản xuất cho nông dân.

Tuy nhiên, để thành lập và vận hành tốt sàn giao dịch nông sản, đòi hỏi hoạt động sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL cần có những thay đổi mạnh mẽ để khi lên sàn phải có một lượng hàng hóa lớn, có chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có giá cạnh tranh. Muốn làm điều này, các địa phương vùng ĐBSCL cần phải “chung tay” góp sức thực hiện và các cấp chính quyền Trung ương cần kịp thời xem xét, ban hành ngay các cơ chế, chính sách để thúc đẩy thực hiện, nhất là việc khuyến khích liên kết vùng và phát triển kinh tế mang tính vùng.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết