05/07/2015 - 16:02

Liên kết, đa dạng hóa kênh tiêu thụ nông sản

Cụ thể hóa thỏa thuận giữa TP Hà Nội và tỉnh Tiền Giang về hợp tác phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương, đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) TP Hà Nội và các doanh nghiệp Hà Nội đã đến Tiền Giang tìm cơ hội liên kết nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản chủ lực của Tiền Giang.

Lợi thế

Thời gian qua, lãnh đạo và các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang có nhiều nỗ lực trong việc giúp nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua việc đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) tổ hợp tác (THT), liên kết 4 nhà, liên kết doanh nghiệp (DN) đưa nông sản vào siêu thị… Tuy nhiên, câu chuyện tìm đầu ra cho sản phẩm luôn là vấn đề nan giải; tình trạng "được mùa rớt giá" vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, điển hình mới đây là tình trạng thanh long rớt giá thê thảm. Nhiều người nông dân hái thanh long cho heo, bò ăn vì giá chỉ 1.000-2.000 đồng/kg. Giải quyết đầu ra cho nông sản, tự thân nhà vườn không thể làm được mà rất cần sự hỗ trợ của DN, nhà quản lý, nhà khoa học. Việc ký kết thỏa thuận về hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Tiền Giang với TP Hà Nội được xem là cơ hội để trao đổi hàng hóa, thúc đẩy hợp tác giữa DN hai địa phương; đồng thời hỗ trợ nhau trong công tác xúc tiến thương mại cho lĩnh vực nông nghiệp. Đây cũng là giải pháp hỗ trợ nông dân tỉnh Tiền Giang tìm đầu ra ổn định cho hàng nông sản tại các thị trường miền Bắc trong tương lai…

  Tiền Giang đang tập trung nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững các loại sản phẩm chủ lực: lúa, xoài,
sầu riêng, thanh long...

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa gạo, cây ăn trái, rau quả, thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu, đặc biệt là khóm Tân Phước, bưởi lông Cổ Cò, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, thanh long Chợ Gạo... Trung bình mỗi năm, sản lượng lúa của tỉnh đạt trên 1,37 triệu tấn, trên 1,24 triệu tấn trái cây các loại, trên 230.000 tấn thủy hải sản, chưa kể các sản phẩm chăn nuôi, rau màu khác. Tỉnh đã hình thành chuỗi sản xuất rau màu ứng dụng qui trình VietGAP tại các HTX rau an toàn Gò Công, Long Thuận, Thạnh Trị ..., tổ hợp tác rau an toàn Tam Hiệp liên kết với DN để đưa sản phẩm vào các siêu thị từ 4-6 tấn/ngày (rau các loại). Từ lợi thế này, tỉnh Tiền Giang đặt liên kết các DN Hà Nội trong việc cung ứng sản phẩm nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Sở NN&PTNT Hà Nội và Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đã ký kết Chương trình hợp tác với 4 nội dung. Thứ nhất là trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng các đề án, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông ngư nghiệp. Thứ hai là trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình sản xuất thế mạnh, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thứ ba là phối hợp công tác quản lý chất lượng để việc sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản phẩm được thuận lợi, đáp ứng yêu chất lượng của thị trường Hà Nội. Cuối cùng là phối hợp tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố ban hành các cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ cho DN liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ tuyên truyền quảng bá các loại sản phẩm chủ lực của Tiền Giang.

Cơ hội

Công ty Cổ phần Nhất Nam – DN hiện sở hữu chuỗi 22 siêu thị lớn tại Thủ đô, chưa kể hệ thống các nhà hàng, khả năng tiêu thụ nông sản rất lớn, nhất là các mặt hàng: dứa, cam, xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu,... Bà Vũ Thi Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: "Trong những buổi liên hoan, hội nghị do đơn vị đăng cai tổ chức, công ty thường chọn rau quả, trái cây các tỉnh miền Nam và được nhiều người tiêu dùng Hà Nội đón nhận". Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Nông nghiệp Hà Nội, đến năm 2015, Hà Nội ước có trên 9 triệu dân. Nguồn cung tại chỗ chỉ đáp ứng được 52% về lượng thịt các loại, 64% về nhu cầu cá, 65% về nhu cầu trứng gia cầm, 20% về sữa, 44% về nhu cầu gạo tẻ. Lượng lương thực, thực phẩm phải mua từ các tỉnh, thành trong nước và nhập khẩu hàng năm lên đến trên 370.000 tấn thịt các loại, 112 nghìn tấn cá các loại, 135.000 tấn sữa, 455.000 tấn rau củ, 330.000 tấn quả tươi. Đây là cơ hội để Tiền Giang cũng như các tỉnh Nam bộ tiêu thụ sản phẩm nông sản ra thị trường miền Bắc.

Còn theo lãnh đạo Công ty thực phẩm sạch BIGGREEN Việt Nam – DN có thế mạnh về kinh doanh rau quả, thực phẩm tươi sống thì khả năng liên kết tiêu thụ hàng nông sản chủ lực giữa Tiền Giang với TP Hà Nội là rất lớn. Thế nhưng, để đảm bảo các bên đối tác đều hưởng lợi, đặc biệt là nông dân theo phương châm liên kết "4 nhà", cần phải gắn kết chặt chẽ theo mô hình chuỗi giá trị, từ sản xuất tới lưu thông phân phối, tiêu dùng. Muốn thế, phải có vùng nguyên liệu cung ứng sản lượng đúng theo hợp đồng, nguồn cung không được đứt đoạn, chất lượng đồng đều và giá ổn định. Bà Vũ Thi Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam, cũng lưu ý những yếu tố cần hết sức coi trọng trong hợp tác tiêu thụ nông sản chủ lực của Tiền Giang là chất lượng phải đảm bảo, tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn cung cấp dồi dào và ổn định, DN phải uy tín trong thực hiện các hợp đồng kinh tế.

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, hằng năm các DN, HTX, tổ hợp tác trong tỉnh đã cung ứng khoảng 3,5 - 4 tấn trái cây các loại, gồm: canh sành, chôm chôm nhãn, bưởi da xanh, dứa... theo đặt hàng của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội. HTX Nông nghiệp dịch vụ Mỹ Lương (huyện Cái Bè) còn đặt chi nhánh giao dịch, cung ứng nông sản tại Hà Nội nhằm tăng cường xúc tiến thương mại vào thị trường lớn này. Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, việc ký kết hợp tác giữa Tiền Giang và Hà Nội trong tiêu thụ nông sản là cơ hội lớn cho các HTX thương mại dịch vụ và DN Tiền Giang mở rộng thị trường. Tỉnh cũng kỳ vọng sau chuyến làm việc và tìm hiểu khả năng cung ứng thị trường lần này của đoàn Hà Nội sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các DN Hà Nội và Tiền Giang chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: Hoàng Dung

Chia sẻ bài viết