21/03/2019 - 11:07

Liên kết chuyển giao giống lúa mới vào sản xuất 

Là đơn vị đi đầu khu vực về nghiên cứu chọn tạo giống lúa, Viện Lúa ĐBSCL đã từng bước liên kết với các địa phương, doanh nghiệp để chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Từ đó nhiều giống lúa chất lượng đã đi vào sản xuất, làm gia tăng năng suất, chất lượng lúa ở ĐBSCL và một số vùng miền trên cả nước…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh (thứ 2 từ trái sang) tham quan khu vực thí nghiệm các giống lúa mới của Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: MINH HUYỀN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh (thứ 2 từ trái sang) tham quan khu vực thí nghiệm các giống lúa mới của Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: MINH HUYỀN

 

Thắt chặt liên kết

Trong quá trình nghiên cứu chọn tạo giống lúa, Viện Lúa ĐBSCL tập trung vào chọn tạo các giống có phẩm chất gạo cao, có giá trị kinh tế cao thuộc Chương trình sản phẩm quốc gia lúa gạo. Các nhà khoa học nghiên cứu cải thiện khả năng chống chịu sâu bệnh chính (rầy nâu, đạo ôn) cho một số giống lúa chủ lực như OM 4900 và OM 4218 thuộc Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chọn tạo giống lúa chịu mặn ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam, chọn tạo giống lúa nếp cho vùng ĐBSCL thuộc Chương trình Công nghệ sinh học trong nông nghiệp và thủy sản. Viện còn tham gia phục tráng giống lúa mùa địa phương như Tài nguyên đục, Một bụi lùn, Một bụi đỏ lùn, Lúa mùa nổi… thuộc chương trình hợp tác với các địa phương. Cùng với các chương trình nghiên cứu, trong giai đoạn 2016-2019, Viện Lúa đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ cùng các doanh nghiệp và đơn vị trong việc lai tạo và phát triển các giống lúa có chất lượng tốt cho các địa phương. Cụ thể đã chuyển giao quyền sử dụng chung các giống lúa OM cho 25 đơn vị, chuyển giao quyền sở hữu 7 giống lúa và ủy quyền cho 10 đơn vị để phát triển và khai thác quyền sử dụng 25 giống lúa.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Dương Văn Chín, Chủ tịch Hội đồng khoa học Tập đoàn Lộc Trời, thời gian qua, Tập đoàn Lộc Trời đã liên kết với Viện Lúa để chuyển giao các giống lúa mới vào sản xuất. Trong đó, một số giống lúa như OM 9577, OM 18 được sản xuất ra giống xác nhận với sản lượng lớn để cung ứng cho nông dân. Qua tiếp cận các giống lúa mới do Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo, Tập đoàn sẽ tiếp tục lựa chọn thêm một số giống lúa mới để mua tác quyền khai thác nhằm đưa vào sản xuất đại trà ở ĐBSCL. Còn Tiến sĩ Vũ Xuân Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, chia sẻ: Qua nhiều năm liên kết, đến nay công ty đã ký hợp đồng với Viện Lúa để khai thác 7 giống lúa mang thương hiệu OM. Vấn đề quan trọng trong việc thương mại hóa các giống lúa mới chính là các giống lúa này phải được thị trường chấp nhận, có doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu. Các giống lúa ổn định về đầu ra, doanh nghiệp kinh doanh giống sẽ mạnh dạn tham gia đăng ký hợp tác với Viện Lúa để khai thác tác quyền, quyền sử dụng giống lúa.

Đáp ứng nhu cầu thị trường

Hằng năm, Viện Lúa ĐBSCL tổ chức sản xuất tại chỗ 220ha và liên kết sản xuất 500ha với các đơn vị trong vùng ĐBSCL để cung ứng từ 50-60 tấn giống siêu nguyên chủng, 800-900 tấn giống nguyên chủng và 2.500-3.000 tấn giống xác nhận cho các địa phương. Từ đó góp phần đưa tổng diện tích sản xuất lúa ở ĐBSCL sử dụng hạt giống đạt tiêu chuẩn các cấp từ dưới 10% năm 1999 lên trên 50-60% như hiện nay.  Tuy nhiên với năng lực sản xuất có hạn, việc liên kết với các đơn vị doanh nghiệp để đưa giống lúa xác nhận đảm bảo chất lượng đến tay nông dân là rất cần thiết. Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, trong giai đoạn tới, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo và trước tình hình diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL, Viện Lúa ĐBSCL tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: nghiên cứu chọn tạo giống lúa hướng nâng cao chất lượng gạo cụ thể là về phẩm chất cơm, chất lượng xay chà, giá trị dinh dưỡng và sử dụng; các giống lúa phù hợp với biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL cụ thể là chống chịu được sâu hại chính và các điều kiện bất lợi như mặn, hạn, ngập, nóng, phèn… và như nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Phục tráng các giống lúa mùa đặc sản của địa phương và xây dựng những vùng sản xuất gạo đặc sản chuyên canh có giá trị hàng hóa cao.

Xác định Viện Lúa ĐBSCL là cơ quan nghiên cứu khoa học quan trọng ở ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, khẳng định: ĐBSCL là nơi ưu đãi nhất cho sự phát triển của cây lúa, kể cả điều kiện tự nhiên lẫn quy mô diện tích. Đặt trụ sở tại vựa lúa của cả nước nên vị thế vai trò của Viện Lúa rất quan trọng. Do đó, Viện Lúa ĐBSCL phải được đầu tư phát triển đồng bộ hơn nữa để xứng tầm là cơ quan nghiên cứu khoa học phục vụ tích cực cho sự phát triển của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Thời gian tới, Viện Lúa ĐBSCL cần chú trọng chọn tạo các giống lúa mới theo hướng tạo ra sự khác biệt về năng suất, chất lượng, đa dạng phân khúc thị trường, nhất là các giống lúa đặc sản đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Song song đó là nghiên cứu các gói giải pháp kỹ thuật để hoàn thiện quy trình canh tác. Tiếp tục hợp tác với doanh nghiệp các địa phương để đẩy mạnh công tác nghiên cứu chọn tạo giống lúa. Trong quá trình chuyển giao giống đến các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống phải đảm bảo chất lượng hạt giống, củng cố chất lượng hệ thống cung ứng giống để đáp ứng yêu cầu sản xuất của vùng và trong cả nước.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết