Trong chiến dịch Hồ Chí Minh ở Tây Nam Bộ, ngay trận đánh mở màn chiếm Yếu khu Thầy Phó, Tiểu đoàn 306 (Quân khu 9) đã thu được 2 khẩu pháo của địch. Việc cất giấu, bảo vệ, giữ gìn 2 khẩu pháo và dùng pháo địch đánh địch là chiến công thầm lặng ít người biết đến. Những cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trên địa bàn Quân khu 9 vào 42 năm trước luôn tự hào khi nhắc đến chiến công này.
Chiếm Yếu khu Thầy Phó
Ngày 6-1-1975, tỉnh Phước Long trở thành tỉnh đầu tiên được giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngay lúc ấy, Quân khu 9 quyết định mở đợt tiến công mang tên chiến dịch Nguyễn Huệ II lấy U Minh, Chương Thiện làm trọng điểm 1, Vĩnh - Trà (Vĩnh Long- Trà Vinh) là trọng điểm 2. Đêm 9-1-1975, Trung đoàn bộ binh 3 (chủ công là Tiểu đoàn 306) được lệnh tiến công tiêu diệt Yếu khu Thầy Phó (tại xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Sở dĩ địch đặt yếu khu, tương đương binh lực của Chi khu (quận), quân số cỡ Trung đoàn, có 2 cây pháo 105 ly, vì đây là vị trí yết hầu kiểm soát chuyển quân của ta ở vùng Bắc-Nam sông Hậu, từ U Minh, Chương Thiện lên Vĩnh Long, Trà Vinh. Nếu chiếm được Yếu khu Thầy Phó sẽ khống chế cả một vùng rộng lớn.

Cây pháo 105 ly lịch sử, đang đặt tại vị trí Giáo Mẹo xưa, bắn qua sân bay Cần Thơ (vị trí ấy nay thuộc xã Đông Thạnh, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long).
Anh Trần Văn Mừng (Hai Chọn), sinh năm Ất Dậu, 1945, quê xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Hiện anh cùng vợ bán quán cơm bình dân trong chợ xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Trong trận đánh Yếu khu Thầy Phó, anh là Chính trị viên Đại đội 57, cùng đồng đội lấy được 2 cây pháo 105 ly. Giọng anh bồi hồi: "Đánh giặc, yếu tố bất ngờ sẽ làm nên chiến thắng. Thế nhưng trong trận đánh Yếu khu Thầy Phó đầu năm 1975, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, đã bị lộ, trận địa bị hủy diệt, đồng đội hy sinh nhiều
".

Ông Trần Văn Mừng (áo đen) kể chuyện trận đánh Yếu khu Thầy Phó.
Theo lời anh Hai Chọn, đúng 19 giờ, chiều ngày 8-1-1975, 3 Đại đội của Tiểu đoàn 306, Trung đoàn 3, Quân khu 9 được lệnh đánh chiếm Yếu khu Thầy Phó. Yếu khu có 3 khu vực: Sở chỉ huy; khu vực Hội đồng xã Hựu Thành, do tiểu đoàn Bảo An trấn giữ; khu vực đặt 2 cây pháo 105 ly do viên trung úy Hùng cùng đại đội pháo binh trấn giữ. Đại đội 57 được giao nhiệm vụ tấn công đại đội pháo. Theo hợp đồng tác chiến thì 24 giờ đêm tấn công, nhưng 23 giờ 15 phút địch phát hiện một chiến sĩ đặc công mình đang bò vào bờ rào chỉ huy sở. Lập tức cả trận địa sáng choang bởi địch bắn hàng chục trái pháo sáng và dùng hỏa lực mạnh hủy diệt.
Anh Hai Chọn kể tiếp: Trong tình thế ấy, cấp trên ra lịnh "móc hàm ếch" (đào công sự hàm ếch) bám trận địa. Đại đội 57 bị tổn thất nặng nề, đại đội trưởng Hai Hường bị gãy cả hai chân, đại đội phó Hoàng hy sinh. Một đại đội mạnh nay chỉ còn lại 7 chiến sĩ, tôi là chính trị viên thay quyền chỉ huy đại đội. Chúng tôi cầm cự chiến đấu tới cùng. 3 giờ 55 phút sáng 9-1, cấp trên ra lệnh tất cả các mũi dồn hỏa lực vào tấn công đại đội pháo, bắt được trung úy Hùng chỉ huy 2 cây pháo. Địch biết quân ta đã chiếm đại đội pháo nên cho máy bay ở Cần Thơ thả bom hủy diệt. Đến 5 giờ 30 phút, pháo binh từ Chi khu Cầu Kè bắn sang khu vực ta đang chiếm giữ, địch ở Yếu khu cũng điên cuồng phản kích. Đại đội 59 điện yêu cầu bắn cối chi viện, chúng tôi đã bắn 80 quả đạn cối 60 ly vào chỉ huy sở. Trung đoàn trưởng Lê Xã Hội (Chín Hội) điện cho tôi tìm cách dùng pháo 105 ly bắn chi viện, phản pháo Chi khu Cầu Kè. Tôi huy hiếp trung úy Hùng dùng pháo bắn theo yêu cầu. Y bắn không trúng mục tiêu nhưng cũng làm địch hoang mang cực độ. Nhìn y thao tác, anh em cũng học được cách sử dụng. Khi ấy, hỏa lực từ Sở chỉ huy (cách chúng tôi 60m) bắn qua rát quá, tôi quyết định hạ nòng pháo bắn trực tiếp vào bờ tường. Trung úy Hùng lạy tôi như tế sao: "Anh bắn vầy pháo nổ tui anh chết trước!". Tôi không có lựa chọn khác. 8 giờ 45 phút, chúng tôi hạ pháo cho nòng song song mặt đất, bắn 5 quả pháo, bờ tường sở chỉ huy Yếu khu cuộn lại như nông dân cuốn mê bồ. Một mảng tường trống hoác. Các mũi tiến công lần lượt chiếm mục tiêu. Đêm 9 - 1, ta đánh chiếm được hội đồng tề xã và khu chợ Thầy Phó nhưng vẫn chưa chiếm được mục tiêu nhà máy đèn. Lực lượng địch co cụm tại đây khoảng 35 tên. Cả ngày 10- 1, ta đánh giằng co với bọn này và đánh chặn địch chi viện có cả xe thiết giáp M113 từ hướng Nhà Đài vô theo lộ Hàng Me. Chúng tôi dùng pháo 105 ly bắn vào đội hình chi viện, buộc chúng rút lui. 17 giờ cùng ngày, với 16 trái đạn 120 ly, chúng tôi đánh sập nhà máy đèn và diệt một số công sự, lô cốt của địch. Yếu khu Thầy Phó bị hạ!
Chiến thuật giấu pháo chờ thời cơ
Chúng tôi tìm gặp ông Lê Văn Quới, sinh năm 1940, ngụ ấp Vĩnh Thạnh, xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn. Ông vẫn còn nhớ như in trận đánh Yếu khu Thầy Phó mà ông tham gia 42 năm trước. Ông kể: Hôm ấy, ngày 11-1-1975, Bí thư xã Thuận Thới là anh Sáu Thái (Lê Văn Thái), chạy về xóm này huy động dân công xuống Yếu khu kéo pháo, chuyển trái pháo, đạn cối xuống bến sông. Anh em dân công các xã kéo về trên 50 người, vui như hội. Có một cây pháo xẹp bánh, huy động hết lực lượng kéo không nổi, phải huy động thêm.

Ông Lê Văn Quới, người dân công kéo pháo năm xưa kể chuyện kéo pháo.
Thiếu tướng Lê Xã Hội (Chín Hội), nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9, lúc ấy là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, kể lại: Trong trận đánh Thầy Phó, nhờ dùng pháo địch đánh địch mà quân ta lật ngược thế trận, vì vậy, Quân khu 9 chủ trương dùng pháo địch đánh địch. Sau chiến thắng Thầy Phó, Trung đoàn 3 thành lập Trung đội Pháo binh để quản lý hai cây pháo. Địch tìm kiếm ráo riết 2 cây pháo để phá hủy, vì thế việc chuyển pháo đi để phục vụ chiến dịch và giữ bí mật được đặt lên hàng đầu. Quân khu chỉ đạo nhiều nhóm du kích, kết hợp với đoàn thể, nòng cốt là Tỉnh đoàn Vĩnh Long tạo ra 3 hướng nghi binh chuyển pháo, đánh lừa địch. Còn trung đội pháo thì bí mật chở pháo đi về căn cứ của Trung đoàn 3 ở ấp Cây Gòn, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Chỗ nào không có pháo thật thì chỉ thị du kích xã, địa phương quân huyện chống càn quyết liệt, giống như đang cố giữ pháo; còn chỗ giấu pháo thật thì bí mật giấu pháo hoặc di chuyển nơi khác, không chống càn gì hết.
Phục vụ giải phóng Cần Thơ và Vĩnh Long

Cựu chiến binh Trung đoàn 3 chụp hình lưu niệm tại Bia Chiến thắng Yếu khu Thầy Phó, xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, trong lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Thầy Phó.
Anh Lê Văn Bê (Ba Bê), sinh 1952, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn, từng là cán bộ trinh sát kỹ thuật của Trung Đoàn 3, ở bên cạnh Trung đoàn trưởng Lê Xã Hội nên biết rõ từng bước di chuyển của khẩu pháo 105 ly. Anh kể: Đầu tháng 4-1975, nhiều xã ở Cầu Kè, Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh được giải phóng từng mảng, tạo thế liên hoàn từ Phong Thạnh, Tam Ngãi (Cầu Kè, Trà Vinh) lên tới Giáo Mẹo (nay thuộc xã Đông Thạnh, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Sau gần 3 tháng địch ráo riết truy lùng hai khẩu pháo nhưng không thấy tăm hơi, đầu tháng 4-1975, Trung đoàn 3 bí mật đưa khẩu pháo 105 ly theo các lỏm giải phóng, đặt tại Giáo Mẹo, cách phà Cần Thơ 3km, cách sân bay Trà Nóc khoảng 10 km. Ngày 12- 4-1975, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 quyết định dùng khẩu pháo 105 ly đặt ở cánh đồng Giáo Mẹo (Bình Minh) bắn vào Trường huấn luyện Chi khu Cái Vồn, tiếp đó bắn 80 quả đạn pháo vào Sở Chỉ huy Vùng IV chiến thuật của địch ở Cần Thơ và sân bay Trà Nóc làm chúng hoang mang dao động tột độ. Trận pháo bắn vào các vị trí đầu não của Vùng 4 chiến thuật địch ở Cần Thơ có viên trung úy Hùng, bị ta bắt ở Thầy Phó tham gia bắn. Lập tức tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật của địch, điều ngay một trung đoàn dù, sư đoàn 21 bộ binh đổ quân xuống ngay Giáo Mẹo, nơi đặt cây pháo để cướp lại hoặc phá hủy bằng mọi giá. Quân ta kịp kéo pháo về căn cứ Cái Ngang, căn cứ Tỉnh ủy Vĩnh Long ở xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình. Cây pháo này tiếp tục bắn vào tỉnh lỵ Vĩnh Long, uy hiếp tinh thần địch trong những ngày cuối tháng 4-1975, góp phần cùng toàn quân, toàn dân giải phóng Vĩnh Long.
Bài, ảnh: Nguyễn Ngọc