27/01/2018 - 15:53

Lập kế hoạch phát triển bền vững các đô thị  

Các đô thị thành viên Hiệp hội các Đô thị Việt Nam (ACVN) đã bàn phương án lập kế hoạch hành động nhằm thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Chính phủ. Từ nay đến năm 2030, các đô thị thành viên ACVN sẽ tập trung thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững.

Vì mục tiêu phát triển chung

ACVN vừa tổ chức Hội thảo Lập kế hoạch hành động tại các đô thị thành viên ACVN nhằm thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Hội thảo phổ biến Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Chính phủ, chia sẻ thông tin về các sáng kiến hỗ trợ thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững ở Việt Nam và cùng thảo luận cho mục tiêu này. 

TP Cần Thơ đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đô thị thông minh. Trong ảnh: Một góc đô thị TP Cần Thơ. Ảnh: ANH KHOA

Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về phát triển bền vững (tháng 9-2015) đã thông qua văn kiện “Thay đổi thế giới: Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững” cùng 17 mục tiêu phát triển bền vững. Chương trình nghị sự này cân bằng và tích hợp tất cả các thành phần của phát triển bền vững; tiếp tục giải quyết các mục tiêu chưa hoàn thành, đặt mốc phấn đấu cao hơn cho 15 năm tiếp theo và dựa trên 5 yếu tố. Đó là: chấm dứt nghèo đói dưới mọi hình thức và mọi khía cạnh; bảo vệ hành tinh khỏi sự suy thoái; đảm bảo mọi người có cuộc sống đầy đủ và thịnh vượng; thúc đẩy xã hội hòa bình, công bằng và rộng mở, không còn sợ hãi và bạo lực; huy động các phương tiện cần thiết để thực hiện chương trình này thông qua quan hệ đối tác toàn cầu, sự tham gia của tất cả các nước… Việt Nam đã cam kết thực hiện đầy đủ các mục tiêu phát triển bền vững và có Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030. 

Các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 gồm: chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người; đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người. Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới; giảm bất bình đẳng trong xã hội; phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn; phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng. Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững; ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững; bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất. Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp; tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền.

Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Chủ tịch Hiệp hội các Đô thị Việt Nam, nhấn mạnh: ACVN là một tổ chức hoạt động xã hội, với sự tham gia tình nguyện của các đô thị trong hệ thống đô thị quốc gia của Việt Nam. Đến nay, hiệp hội đã phát triển trên 100 các đô thị thành viên cùng tham gia. Các hoạt động chính của hiệp hội là tham gia vào việc xây dựng các thể chế chính sách cùng với các bộ, ngành Trung ương; đồng thời cùng tham gia với vai trò phản biện trong quá trình xây dựng thể chế chính sách của các bộ, ngành, để đưa các thể chế chính sách đi đến thực tiễn đời sống, cho các chính quyền địa phương triển khai thực hiện trên các đô thị. Mục tiêu của hiệp hội là cùng gắn kết các đô thị thành viên trở thành một sự liên kết giữa các đô thị, cùng chung tay phát triển theo đúng định hướng của chuỗi hệ thống đô thị quốc gia, đóng góp vào sự phát triển chung. 

Đẩy mạnh các giải pháp

Tiến sĩ Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, một nửa dân số toàn cầu tập trung ở các đô thị lớn và xu hướng này không ngừng gia tăng. Tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển quá nóng dẫn đến những vấn đề như: bùng nổ dân số đô thị, thiếu hụt hạ tầng cơ sở, năng lượng, tăng phát thải, ô nhiễm... Các đô thị đang tiêu tốn khoảng 75% nguồn năng lượng của thế giới và sản sinh hơn 80% lượng phát thải khí nhà kính, chủ yếu là khí CO2. Ngoài ra, nhiều đô thị, vùng đô thị trong đó có Việt Nam đang chịu tác động từ mạnh đến rất mạnh từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

Theo Tiến sĩ Trần Thị Lan Anh, hướng tới cần đổi mới khung thể chế, chính sách phát triển đô thị. Mục tiêu phát triển đô thị bền vững là: nâng cao chất lượng môi trường đô thị (phát triển không gian xanh và mặt nước, không gian công cộng; công trình xanh, kiến trúc xanh…); tiết kiệm năng lượng từ công trình riêng lẻ cho đến các khu vực đô thị có quy mô lớn (công nghệ thân thiện với môi trường). Đồng thời, phát triển đô thị gắn với phát triển giao thông công cộng và đường thủy trong đô thị; phát triển đô thị an ninh, an toàn trong bối cảnh hội nhập; giảm phát thải và tăng cường tái chế năng lượng (sử dụng lại nước thải, tái chế chất thải rắn và nước thải…). Cần phát triển an toàn ứng phó với biến đổi khí hậu, kiểm soát ngập úng; rà soát quy hoạch, dự án đang triển khai (cân đối đất đai, điều kiện chỉnh trang và phát triển đô thị, nhất là các quận mới hình thành hoặc đang trong quá trình đô thị hóa)…

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lưu Đức Cường, Quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc Gia, biến đổi khí hậu là thách thức mới trong phát triển đô thị. Do đó, cần có chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Đó là: điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị có nguy cơ bị tác động bởi biến đổi khí hậu; rà soát và đánh giá các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu liên quan đến ngành xây dựng; đề xuất các định hướng phát triển đô thị và hệ thống hạ tầng xã hội, kỹ thuật phù hợp với các loại tác động khác nhau do biến đổi khí hậu tại từng vùng miền trên toàn quốc. 

ANH KHOA 

Chia sẻ bài viết