19/04/2019 - 14:48

Lập 4 đoàn kiểm tra công tác quản lý chất thải rắn trên cả nước 

Nội dung đánh giá quản lý nhà nước với chất thải rắn sinh hoạt là làm rõ việc địa phương có ban hành quy hoạch hay không, nếu có thì cần làm rõ nội dung quy hoạch, công nghệ xử lý, thực tế triển khai.


Các nhân viên của nhà máy phân loại rác thải. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Để triển khai Kế hoạch kiểm tra, đánh giá công tác quản lý chất thải rắn trên phạm vi cả nước đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 867 ngày 10/4/2019, Tổng cục Môi trường đang xúc tiến việc thành lập bốn đoàn kiểm tra với sự tham gia của cán bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường; ủy ban nhân dân và sở tài nguyên và môi trường, xây dựng, tài chính của các địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học chuyên ngành.

Nội dung đánh giá quản lý nhà nước đối với chất thải rắn sinh hoạt là làm rõ việc địa phương có ban hành quy hoạch hay không, nếu có thì cần làm rõ nội dung quy hoạch, công nghệ xử lý, thực tế triển khai quy hoạch như thế nào, có đúng theo nội dung được duyệt không? Từ đó để đưa ra những đánh giá cụ thể, thiết thực.

Hiện các địa phương đã gửi báo cáo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn với khá đủ thông tin, chỉ có một số báo cáo còn thiếu thông tin về cơ chế tài chính, công tác quy hoạch, công tác cán bộ.

Do đó, các đoàn kiểm tra cần làm việc với các địa phương để bổ sung thông tin cho các báo cáo, đồng thời lấy thông tin từ các báo cáo này để phục vụ việc tiến hành kiểm tra cơ sở tại các địa phương.

Mặt khác, trong Kế hoạch kiểm tra, đánh giá công tác quản lý chất thải rắn trên phạm vi cả nước, Tổng cục Môi trường sẽ xây dựng các nội dung chi tiết hơn; chuẩn bị thêm bảng hỏi, trong đó cung cấp quy định pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, Tổng cục Môi trường xây dựng đề cương khung báo cáo để gửi các địa phương báo cáo số liệu; xây dựng tài liệu hướng dẫn cụ thể, mẫu phiếu điều tra/bảng hỏi có một số số liệu cần thiết, làm rõ hiện trạng của các tỉnh, thành phố về tình hình phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, như số lượng cơ sở xử lý, mô hình quản lý… để có bức tranh chung về hiện trạng chất thải rắn sinh hoạt toàn quốc.

Các đoàn kiểm tra sẽ làm việc với 63 tỉnh, thành phố theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thành phần đoàn kiểm tra gồm lãnh đạo, chuyên viên của các đơn vị thuộc Tổng cục Môi trường phân chia thành bốn đoàn, trong mỗi đoàn có thành viên là lãnh đạo, cán bộ sở tài nguyên và môi trường và chịu sự chỉ đạo của trưởng đoàn.

Các đoàn sẽ kiểm tra, lấy mẫu đối với 51 cơ sở đã có tên trong danh mục đã được Bộ duyệt, các cơ sở khác trên địa bàn giao cho sở tài nguyên và môi trường thực hiện kiểm tra, đánh giá.

Đối với việc phát hiện vi phạm trong quá trình kiểm tra, các đối tượng đánh giá sẽ được tổng hợp lại. Báo cáo làm việc của đoàn phải theo mẫu chung để thuận tiện cho công tác tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý.

Theo Văn Hào (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết