02/07/2019 - 09:33

Lão nông vùng biên tâm huyết với cây lúa tím 

Ở vùng biên giới Tân Hồng (Ðồng Tháp), lão nông Nguyễn Văn Hương- 68 tuổi, ở ấp Hoàng Việt, xã Tân Phước- nổi tiếng là người đi tiên phong trong sản xuất. Gần đây, giống lúa tím sữa có nguồn gốc từ miền Trung được ông sản xuất theo hướng an toàn đã mở ra cơ hội mới trong canh tác lúa tại vùng biên. Hôm gặp chúng tôi, ông khoe: “Khách hàng ở Hà Nội vừa gọi điện vào đặt 50kg, với giá 30.000 đồng/kg nhưng giờ đâu còn gạo để bán…”.

Do sản xuất theo hướng an toàn nên ông Hương thường xuyên kiểm tra kỹ từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa tím sữa.

► Sản xuất an toàn

Ông Hương kể, ông sinh ra và lớn lên tại vùng biên giới Tân Hồng. Thời thanh niên, ông từng tham gia dân công hỏa tuyến cho đến ngày đất nước thống nhất. Từng lăn lộn trên mảnh đất quê hương, những khó khăn của nông dân, ông đều nếm trải. Cảnh trúng mùa được giá cứ lặp đi lặp lại làm ông luôn đau đáu. “Phải đột phá thì mới mong đổi đời, đó là lý do vì sao tôi quyết tâm theo đuổi mô hình làm lúa tím sữa. Giống mới, giá trị kinh tế cao khi thành công sẽ tạo đột phá giúp bà con nông dân vùng biên giới sống được với mảnh ruộng của mình”- ông Hương tâm sự.

Ông Hương kể, năm 2017, khi thấy một nông dân gần nhà mang giống lúa tím sữa từ miền Trung về trồng rất lạ, ông lân la hỏi thăm. Thấy giống lúa mới có tiềm năng, ông quyết định mua lúa về làm giống để trồng trên đất của gia đình. Cơ hội càng mở ra khi có một công ty đứng ra hỗ trợ vật tư và hợp đồng mua lại với giá 14.000 đồng/kg lúa. “Vậy mà đến cuối vụ, công ty “bẻ kèo” làm hỏng hết dự định, tôi rất buồn đành mang lúa bán bên ngoài nhưng cũng có giá hơn 10.000 đồng/kg. Vụ này năng suất chỉ đạt khoảng 3 tấn/héc-ta, nhưng tôi nhận định nếu sản xuất theo hướng an toàn thì gạo tím sữa nhất định sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Từ đó, tôi quyết tâm theo đuổi nhằm đảm bảo có nguồn giống ổn định cho các vụ sau cũng như đưa cho bà con xung quanh cùng làm”- ông Hương nói.

Ông cho biết làm xong 1 vụ, người mang giống lúa này về đã chuyển qua làm các giống lúa khác nên ông không học hỏi được gì. Từ đó, ông phải tự mày mò, nghiên cứu, tìm hiểu về đặc tính sinh trưởng của giống lúa ấy. “Giống mới tiềm năng nhưng theo xu hướng hiện nay là phải sản xuất sạch để bảo vệ sức khỏe của bản thân và tạo ra nguồn sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng thì mới bảo đảm tính bền vững”- ông Hương nói.

Theo ông Hương, thời gian đầu, khi mới bắt đầu canh tác, do thời tiết vùng biên giới Tân Hồng khá khắc nghiệt nên năng suất rất thấp. Không nản chí, ông tiếp tục nghiên cứu và tự rút ra kinh nghiệm. Trong canh tác, ông sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học... để có sản phẩm sạch. Đặc biệt, theo ông, vấn đề là phải chủ động nguồn giống, có được giống tốt thuần chủng sẽ đảm bảo sản xuất ổn định từ chất lượng gạo cho đến khả năng mở rộng sản xuất. Từ đó, mỗi vụ ông đều thuê lao động nữ địa phương đi lựa cắt bỏ từng bông lúa lai, lộn để còn lại giống lúa tím sữa đạt độ thuần ngày một cao. Giống được ông lấy mẫu nhờ cơ quan chức năng kiểm nghiệm nhằm bảo đảm chất lượng cũng như hàm lượng dinh dưỡng trong gạo… Làm liên tiếp mấy vụ, đến vụ đông xuân 2018-2019, nguồn giống được ông Hương thuần chủng tốt nên thích ứng với thổ nhưỡng địa phương, năng suất đã đạt 5,5 tấn/héc-ta.

► Vang xa thương hiệu gạo Nghĩa Nhân

Thành công trong sản xuất, nhưng do là giống lúa mới nên khi đem gạo tím sữa bán ra thị trường, lúc đầu ông Hương gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người tiêu dùng còn nghi ngờ lúa tím là do tẩm màu. Để tạo niềm tin cho khách hàng, những người đến mua gạo đều được ông Hương cho dùng thử đến khi khách hàng nhận thấy sản phẩm chất lượng, khen ngon rồi đặt hàng, giới thiệu người khác đến mua. Nhờ cách làm này mà sản phẩm gạo tím sữa của ông tạo được uy tín, ngày càng được nhiều người biết đến.

Ông Hương bên “đứa con tinh thần” gạo Nghĩa Nhân.

Để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất lúa tím sữa, ông Hương đặt tên gạo là “Gạo Nghĩa Nhân”. Gạo Nghĩa Nhân khi nấu có hương thơm dịu, mềm, ngọt, để nguội vẫn dẻo và lâu hư. Gạo có thể dùng nấu cơm, rang vàng xay làm trà hoặc xay thành bột làm sữa gạo. Đặc tính vượt trội của gạo này là có hàm lượng các vi chất dinh dưỡng cung cấp cho người bị bệnh tiểu đường, huyết áp... “Trồng lúa tím sữa theo hướng sạch, tuy chi phí cao hơn so với cách làm lúa truyền thống nhưng giá lúa, gạo khi bán ra thị trường cao gấp đôi. Điều quan trọng hơn là sản phẩm đảm bảo sức khỏe cho người dùng” - ông Hương chia sẻ.

Trong quá trình sản xuất, ông cũng hướng dẫn cho 5 nông dân trong vùng cùng trồng lúa tím sữa theo hướng an toàn. Ngoài ra, ông Hương còn chủ động tìm kiếm, kêu gọi doanh nghiệp thu mua nhằm tạo đầu ra bền vững cho lúa tím sữa. Vụ đông xuân 2018-2019, mặc dù thị trường lúa gạo gặp khó khăn nhưng ông và bà con dễ dàng bán được 20 tấn lúa tím sữa với giá cao thông qua việc ký hợp đồng với Công ty CP Nông trang Tràm Chim. “Tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất lúa tím sữa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Dự kiến trong tháng 9-2019, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu gạo Nghĩa Nhân, đó là cơ sở quan trọng để tôi và bà con yên tâm sản xuất” - ông Hương cho biết.

Hôm chúng tôi ghé thăm, ông Hương khoe: “Khách hàng ở Hà Nội vừa gọi điện vào đặt 50kg, với giá 30.000 đồng/kg, nhưng giờ đâu còn gạo để bán…”. Từ thực tế đó cho thấy, gạo Nghĩa Nhân của ông Hương bắt đầu có chỗ đứng ổn định trên thị trường. Những nỗ lực thời gian qua của ông Hương đã và đang mở ra một hướng sản xuất bền vững cho bà con nông dân tại vùng biên giới.

Ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng, cho biết đơn vị đã tạo điều kiện, hỗ trợ bà con nông dân trong tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, để nắm rõ quy trình sản xuất lúa theo hướng sạch. Hiện toàn huyện đã có 30ha lúa tím sữa được bà con trồng theo hướng an toàn. Sau khi định hình được vùng lúa tím sữa theo hướng sạch, huyện đã tiếp tục quy hoạch vùng chuyên sản xuất và tiếp tục hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm gạo Nghĩa Nhân đến người tiêu dùng.

“Thời gian qua, sản phẩm gạo Nghĩa Nhân được đóng gói đem triển lãm, trưng bày tại các hội chợ, nhiều khách hàng khi đến tham quan mua về dùng, đã đánh giá rất cao. Gạo khi nấu lên cơm màu tím đẹp, có thể giúp khống chế đường huyết cũng như huyết áp. Tuy nhiên, do lúa tím sữa có nguồn gốc từ miền ngoài, chủ yếu bà con chuyền tay nhau sản xuất nên ngành nông nghiệp sẽ tuyển chọn dòng lại cho thuần chủng để trở thành một bộ giống đặc sản của huyện nhằm giúp bà con có giống tốt mở rộng sản xuất” - ông Tài nói.

Bài, ảnh: Bình Nguyên

Chia sẻ bài viết