04/03/2009 - 08:07

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải đề cao trách nhiệm, chỉ đạo quyết liệt các vấn đề kinh tế- xã hội

Thủ tướng và các Phó Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2009.
Ảnh: Chinhphu.vn.

Trong hai ngày 2 và 3-3, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2-2009.

Tại Phiên họp, Chính phủ đã dành phần lớn thời gian tập trung thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề kinh tế- xã hội, với các báo cáo: Tình hình kinh tế- xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2009; dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước; Các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế; Kết quả triển khai các giải pháp ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP; Các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội; Kết quả thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện hỗ trợ tiền Tết cho hộ nghèo.

Các ý kiến của các thành viên Chính phủ, cơ quan Chính phủ đều nhất cao với các báo cáo và làm rõ một số vấn đề liên quan tới đánh giá tình hình suy giảm kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc và bổ sung các giải pháp cụ thể trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Theo đó, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu xã hội khác đã được Quốc hội thông qua, từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp cụ thể trong 5 nhóm giải pháp của Chính phủ đề ra, đó là: Tiếp tục tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng; trong đó ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn liền với giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương cùng với ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện tốt gói kích cầu 17.000 tỉ đồng thông qua hỗ trợ lãi suất của Chính phủ cho các doanh nghiệp, cá nhân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì nền kinh tế phát triển ổn định; đồng thời, có kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện để tránh tình trạng chi sai mục tiêu, đối tượng sử dụng; gây lãng phí các nguồn lực nhà nước. Tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường mới, các thị trường tiềm năng; bên cạnh đó chú trọng thị trường trong nước cả khâu phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư, trong đó đặc biệt chú trọng việc thực hiện và giải ngân các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, FDI. Điều hành chính sách tỷ giá ngoại tệ linh hoạt, hiệu quả thúc đẩy xuất khẩu và kiềm chế nhập khẩu, bảo đảm cân đối cung cầu ngoại tệ. Kiểm soát chặt chẽ tình hình giá cả thị trường; tránh tình trạng đầu cơ, đẩy giá lên cao ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh trong nước. Tăng cường các hoạt động thương mại, khuyến khích việc sử dụng hàng nội địa để thúc đẩy sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu. Thường xuyên cập nhật thông tin trong và ngoài nước, kịp thời có những đánh giá và dự báo chính xác tình hình trong và ngoài nước để có những bước đi thích hợp, điều chỉnh hệ thống chính sách cho phù hợp với tình hình cụ thể. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên cơ sở chủ động thông tin minh bạch cả thông tin thuận chiều và khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt để từ đó tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay...

Kết luận về vấn đề kinh tế- xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, 2 tháng đầu năm, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo điều hành tốt, có hiệu quả ngăn chặn suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Mặc dù trong tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, chúng ta vẫn bảo đảm chính trị, xã hội ổn định trên cơ sở có sự đồng tình nhất trí rất cao của nhân dân đối với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhân dân cả nước vẫn được đón Tết Kỷ Sửu đầm ấm, vui tươi, an toàn, tiết kiệm...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo 5 nhóm giải pháp về kinh tế- xã hội cùng với làm tốt công tác chỉ đạo thực hiện mà Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ đã nêu rõ. Thủ tướng nhấn mạnh: Từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải đề cao trách nhiệm của mình, chỉ đạo quyết liệt các vấn đề kinh tế- xã hội do mình phụ trách, đi đôi với kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án ngay tại cơ sở. Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí và báo chí cũng phải có trách nhiệm thông tin trung thực, kịp thời, chính xác những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để người dân được biết, hiểu rõ, tạo sự đồng thuận của cả xã hội trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, báo chí phải chú ý thông tin những vấn đề có lợi cho nước, cho dân... Thủ tướng cho biết, trong thời gian sắp tới, phiên họp thường kỳ Chính phủ sẽ được tổ chức truyền hình trực tiếp với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cũng tại Phiên họp thường kỳ tháng 2, Chính phủ đã nghe và cho ý kiến: Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng tháng 2; Công tác cải cách hành chính tháng 2; Việc thực hiện thống kê thủ tục hành chính tại các bộ và địa phương; Tình hình thực hiện Chương trình công tác tháng 2, các quyết nghị của Chính phủ từ phiên họp tháng 1; Tờ trình dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 của Chính phủ; Tờ trình về dự án Luật Dân quân tự vệ; Tờ trình dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Tờ trình dự án Luật Cơ yếu.

QUANG LIÊN (TTXVN)

Thủ tướng và các Phó Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2009. Ảnh: Chinhphu.vn.

Chia sẻ bài viết