Không gian trầm lắng, thị trấn ngàn thông đắm chìm trong sương lạnh vào sáng sớm và chiều tối, Măng Đen được mệnh danh là "Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên". Những con đường uốn cong theo triền dốc, những ngôi biệt thự trầm mặc ẩn mình dưới những tán cây, thị trấn bé nhỏ này thật sự thích hợp cho những du khách muốn tận hưởng không gian thiên nhiên, khám phá hoặc nghỉ dưỡng.
Măng Đen là một thị trấn thuộc huyện Konplong, tỉnh Kon Tum, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 50km. Từ thành phố Kontum đến đây phải vượt qua một con đèo đầy ngoạn mục. Đường quanh co, uốn lượn như thách thức những tay lái. Đó cũng là điều hấp dẫn các phượt thủ. Con đèo đi ngang rừng già. Hai bên rừng núi chập trùng. Tới đỉnh đèo là tới thị trấn. Khí hậu dường như đổi khác, cách biệt với chân đèo. Gió lùa qua mát lạnh. Tiến về trung tâm thị trấn, hàng thông hiện ra trước mặt như khi bắt đầu tới Đà Lạt ngàn hoa. Rồi thông bạt ngàn. Thông nối tiếp nhau chạy suốt những con đường, bao bọc cả thị trấn. Ở đây không có nhà cao tầng. Cũng không có những công trình, kiến trúc nào vượt quá ngọn thông. Từ trên cao, cả thị trấn như ẩn hiện dưới ngàn thông xanh mướt.

Quang cảnh Măng Đen đậm nét dân tộc Bana.
Được ví như "Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên", khoảng vài năm trở lại đây, Măng Đen được đầu tư thành một địa chỉ du lịch mới. Người ta đua nhau xây biệt thự dọc những con đường uốn khúc dưới rừng thông. Mỗi biệt thự đứng riêng trên một thửa đất bao quanh là thông. Có những ngôi biệt thự được xây cất với thông làm hàng rào tự nhiên. Nhà này ngăn cách với nhà kia cũng bởi những cây thông ngày đêm buông tiếng rì rào. Nhưng do phát triển nhanh, nhiều ngôi biệt thự bị bỏ hoang làm cho vùng đất vốn dĩ lặng lẽ này mang phong vị cô đơn nhưng cũng đầy thi vị. Rẽ khỏi đường chính đi vài mươi mét theo những con đường quanh co, du khách như lạc vào một không gian khác đầy huyễn hoặc bởi những ngôi biệt thự vắng bóng người.
Du khách yêu thích thiên nhiên, không gian không xô bồ thì Măng Đen là điểm đến lý tưởng. Nhiều người gọi nó là thị trấn nằm giữa hai con đèo, thị trấn của ngàn thông hay vùng đất của "bảy hồ, ba thác". Măng Đen nằm giữa hai con đèo ngoạn mục là Violac ngăn cách với vùng biển Quảng Ngãi và đèo Măng Đen ngăn cách với vùng đất bằng phẳng của miền đất bắc Tây Nguyên. Vì thế, Măng Đen nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển và có khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm. Cảm giác mùa đông thường trực ở thị trấn nhỏ này vào mỗi sáng, mỗi chiều khi sương giăng phủ lối. Thiên nhiên cũng ban tặng cho thị trấn này bảy hồ nước mát lành và thơ mộng cùng với ba ngọn thác rì rầm đổ nước ngày đêm. Trong đó, lớn nhất là hồ Toong Rơ Poong, khoảng 2,5 hécta. Bảy hồ đầy nước quanh năm. Cảnh sắc cây cối quanh hồ thay đổi theo mùa nên mang nhiều vẻ đẹp khác nhau sau mỗi lần ghé lại. Thác nước to nhất là Pa Suh- hợp dòng của ba con suối lớn. Khi tạo thành một dòng chính, nước lượn lờ quanh co theo địa hình đồi dốc rồi bất ngờ đổ xuống một vực sâu tạo nên dòng thác lớn. Pa Suh đọc trại thành Pa Sỹ và cách đọc trại này dần trở thành tên gọi chính thức thay cho tên gọi theo phát âm bản địa mang ý nghĩa ba dòng chụm lại thành một. Thác đã được khai thác du lịch, làm nơi khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng và các trò chơi vận động tập thể. Du khách có thể nghỉ đêm trong nhà sàn ở đây hoặc giăng lều bên bờ suối, bờ thác cạnh cầu treo đặc trưng Tây Nguyên.

Đèo Măng Đen xuyên ngang rừng già.
Ngoài ngắm cảnh, săn mây trên hai đỉnh đèo, khám phá thiên nhiên khi du lịch tới Măng Đen, du khách còn có thể khám phá nền văn hóa đặc trưng của đồng bào Ba Na, Ê Đê. Các làng dân tộc cách thị trấn không xa. Nhưng cũng có những làng sâu hun hút trong núi, di chuyển mất nửa ngày đường theo các triền núi. Rừng ở đây còn dày nên những con suối luôn đầy nước. Đi trên đường, thể nào du khách cũng gặp dân làng đổ ra suối tắm giặt bất kể thời tiết lạnh căm hay ngày mưa, tháng nắng. Làng bản luôn gắn với dòng suối, con thác. Ở đâu có nước, ở đó có sự sống. Ở trung tâm hoặc đầu mỗi bản luôn sừng sững những ngôi nhà rông, mái cao vút lên trời. Đó là nơi sinh hoạt cộng đồng vang dội tiếng cồng chiêng của con trai và rộn ràng những vũ điệu của con gái. Trong lịch sử, vùng đất này được người Pháp biết đến từ rất sớm nên đa phần dân tộc bản địa ngoài việc tôn thờ Giàng vị thần linh tối cao tương đương với Trời của người Kinh, còn theo đạo Công giáo và đi nhà thờ mỗi cuối tuần. Thế nên, nhà thờ ở vùng này có kiến trúc đặc biệt, ít nhiều mang dáng dấp nhà rông của người Ba Na, từ mái nhà đến những hoa văn trang trí.
Bài, ảnh: Thụy Du