23/12/2007 - 10:15

Làng bánh tráng Tân Thạnh

Từ bến đò ngang xã Lục Sĩ Thành về ấp Phú Thành chừng 2 cây số, có nhiều vỉ bánh tráng phơi cặp hai bên con lộ trải nhựa đang “tràn trề” ánh nắng đầu mùa. Đó là làng bánh tráng Tân Thạnh thuộc xã cù lao Lục Sĩ Thành (Trà Ôn, Vĩnh Long).

Bánh tráng là một thực phẩm ăn liền có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước. Nó đã làm nên thương hiệu cho không ít địa phương. Có thể nói nổi tiếng nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long là bánh tráng Mỹ Lồng (Mỹ Thạnh, Giồng Trôm, Bến Tre). Câu hát: “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc” vang danh từ ngàn xưa đã khẳng định điều đó. Tuy không có vị trí “đầu đàn” như vậy nhưng bánh tráng Tân Thạnh cũng khiến nhiều người đã một lần thưởng thức đều phải tấm tắc khen hoài.

Bà Nguyễn Thị Kim Hương đang tráng bánh.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hương, 60 tuổi, nhà ở làng bánh tráng Tân Thạnh, thì nghề này của bà được truyền lại từ đời bà ngoại bà. Ông Phan Văn Hóa, 50 tuổi, cách nhà bà Hương khoảng chục thước, cho biết nghề làm bánh tráng của gia đình ông cũng là nghề gia truyền từ đời bà ngoại của ông, do vợ ông đảm trách. Nghĩa là, làng nghề bánh tráng Tân Thạnh đã có mặt từ hàng trăm năm nay. Xưa kia nó là nghề kiếm thêm thu nhập để “đi chợ”, bởi Tân Thạnh vốn là một ấp người dân sinh sống chủ yếu bằng hoa lợi vườn cây ăn trái.

Bà Hương sống trong căn nhà tường mái tôn. Để tráng bánh, bà Hương thường làm bột từ gạo thần nông 1960, 404, nhưng ngon nhất là gạo lúa mùa. Ngày nay, loại gạo này thuộc vào “hàng hiếm”, giá cao, nên sản xuất bánh từ nguyên liệu này khó đem lại lợi nhuận. Khi xay, gạo pha lỏng với nước và muối theo một tỷ lệ hợp lý sẽ cho bánh có độ dẻo, ít bị bể và dễ tráng mỏng. Gạo xay bằng máy 2-3 bữa trước, để đó tráng dần. Múc một vá bột trong vịm đổ lên mặt vải bịt miệng nồi, bà Hương nhanh tay cầm cán, xoa đều cái gáo dừa láng bóng khiến bột thành lớp mỏng tròn theo miệng chiếc nồi to. Đậy lại. Lát sau, bà giở nắp vung, dùng thanh tre mỏng gỡ một góc bánh, áp vào ống tre, cuốn một đoạn, tách khỏi mặt vải, áp vô vỉ. Chừng ấy công đoạn được bà làm một cách khéo léo. Bà nói sơ ý một chút chiếc bánh sẽ không tròn và nguyên vẹn. Vỉ bánh được làm bằng cây lùn giồng, không sử dụng lùn nước. Lùn giồng được làm thành mặt vỉ cong như vành trăng khuyết, và giữ chặt bằng hai thanh tre xiêm. Vỉ có bề ngang chừng 4,5 tấc (vừa lớn hơn chiếc bánh tráng), dài khoảng 2 thước, đủ phơi 5 bánh. Xài lâu ngày, lùn giồng “lên nước” bóng lưỡng, có màu nâu sậm, trông cứ như được làm bằng dây mây. Bà Hương cho biết nhà bà tự đươn lấy vỉ. Vỉ sử dụng được 4-5 năm. Vỉ làm từ lá dừa nước chỉ xài được một mùa. Nhà bà Hương có đến 120 vỉ phơi bánh bằng cây lùn giồng.

Để sản xuất bánh tráng, yếu tố thời tiết khá quan trọng. Mùa mưa người làm bánh rất cực, phải vừa tráng bánh, vừa đem phơi vừa phải thu gom vào nhà khi trời lất phất “mấy hột”. Sản xuất bánh xôm tụ nhất là mùa nắng, đầu tháng 10 âm lịch. Trong ánh nắng chan hòa, bánh phơi “trắng” dài một đoạn khoảng 3 cây số dọc theo con đường liên xã này. Tân Thạnh là một ấp nhỏ cù lao nhưng có đến 40 hộ sản xuất bánh tráng. Cho thấy người dân nơi đây sống được từ cái nghề truyền thống. Bà Hương đã nhờ nó cùng với 1 công vườn mà nuôi được 3 con. Nay các con bà đã có gia đình và công ăn việc làm. Phụ giúp bà Hương là cô con dâu Nguyễn Thị Phượng, 33 tuổi. Cô Phượng e lệ khoe: Con gái xứ nào không biết, hễ về đây làm dâu đều trở thành “thợ” tráng bánh. Đó là nét độc đáo của làng bánh tráng Tân Thạnh.

Bánh tráng Tân Thạnh được bán đi khắp nơi. Ông Hóa cho biết chừng vài ba ngày là lái tới lấy hàng. Nhà ông bình thường mỗi ngày tráng khoảng 600 bánh, lời chừng 25.000 đồng. Các nhà khác thu nhập từ nghề bánh tráng cũng chừng ấy tiền. Ở quê, số tiền này được coi là “khá”. Để có thu nhập đó, họ phải thức làm việc từ 4 giờ sáng, nhúm lửa lò trấu rồi bắt tay tráng bánh. Người tráng, người phơi, thay phiên nhau. Nắng tốt, bánh phơi tới khoảng 4 giờ chiều vừa khô. Cứ 100 bánh cột gọn lại bằng dây lát. Bánh cột bằng dây lác “sát” hơn, đẹp hơn, lái thích hơn cột bằng dây ni-lông. Ở đây có 3-4 lái. Cứ 2-3 ngày bà Hương “bỏ” cho lái khoảng 2 thiên bánh (2.000 bánh). Hiện giờ, giá 1 thiên bánh là 300.000 đồng. Lái đưa bánh bán ở Trà Ôn, Tam Bình (Vĩnh Long), Cầu Kè (Trà Vinh), TP Hồ Chí Minh. Nghe đâu bánh tráng Tân Thạnh còn được lái xuất đi nước ngoài.

Theo nhiều người ở Trà Ôn, bánh tráng Tân Thạnh ngon có tiếng nhờ không sử dụng hóa chất làm trắng. Bánh sản xuất quanh năm, nhưng nhiều nhất là Tết Nguyên đán. Dịp này, nhà bà Hương, nhà ông Hóa phải tăng thêm sản lượng, khoảng 800-900 bánh/ngày. Cái Tết gần kề khiến làng nghề này càng thêm tất bật trong niềm vui không chỉ riêng mình, vì còn giúp người dân nơi khác có thứ bánh dùng để làm gỏi cuốn, bì cuốn, chả giò truyền thống.

Bài, ảnh: PHƯƠNG KIỀU

Chia sẻ bài viết