15/12/2022 - 12:29

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên 

Bài, ảnh: MINH TRÍ

Vượt qua 17 ý tưởng ở vòng chung kết, dự án “Thiết bị quan trắc mực nước ruộng và điều khiển máy bơm từ xa” của nhóm sinh viên Trường Đại học (ĐH) Trà Vinh đạt giải Nhì trong cuộc thi “Ý tưởng học sinh sinh viên (HSSV) khởi nghiệp khu vực ĐBSCL lần 1, năm 2022”. Thành công này là động lực tiếp thêm ngọn lửa đam mê về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho nhóm sinh viên Đoàn Lê Thành Đạt, Nguyễn Hữu Tài, Mai Hữu Quốc, Nguyễn Hoàng Tâm, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ Trường ĐH Trà Vinh, khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Dự án “Thiết bị quan trắc mực nước ruộng và điều khiển máy bơm từ xa” của nhóm sinh viên Trường ĐH Trà Vinh.

Dự án “Thiết bị quan trắc mực nước ruộng và điều khiển máy bơm từ xa” của nhóm sinh viên Trường ĐH Trà Vinh.

Kết thúc thắng lợi ở cuộc thi “Ý tưởng HSSV khởi nghiệp khu vực ĐBSCL lần 1, năm 2022”, nhóm SV Đoàn Lê Thành Đạt, Nguyễn Hữu Tài, Mai Hữu Quốc, Nguyễn Hoàng Tâm trở lại việc học tập để hoàn tất chương trình năm thứ 4 ĐH. Trò chuyện với chúng tôi, các bạn trong nhóm không giấu được niềm vui. Đoàn Lê Thành Đạt, nhóm trưởng của dự án, cho biết ý tưởng về thiết bị quan trắc mực nước ruộng và điều khiển máy bơm từ xa được hình thành từ năm học thứ 2. Hệ thống được xây dựng dựa trên cấu trúc mạng IoT.

Theo Thành Đạt, thiết bị hỗ trợ nông dân trồng lúa theo dõi mực nước ruộng theo thời gian thực, đồng thời thu thập và lưu trữ các thông số môi trường: nhiệt độ, độ ẩm không khí, cường độ ánh sáng, độ ẩm đất. Với thiết bị này, bà con nông dân tự động điều khiển máy bơm khi mực nước trên ruộng thấp hơn khuyến cáo của chuyên gia nông nghiệp trong từng giai đoạn sinh trưởng, nhu cầu nước tưới tiêu của cây lúa trong canh tác ngập khô xen kẽ. Thiết bị hoạt động dựa vào năng lượng mặt trời nên rất thân thiện với môi trường, tiết kiệm và tiện lợi. Thiết bị có thể điều khiển máy bơm từ xa thông qua điện thoại thông minh.

“Đến nay thiết bị của nhóm đã được triển khai thực hiện qua 3 vụ lúa, từ tháng 2/2021-5/2022, tại An Giang, Trà Vinh và Cần Thơ. Qua đó giúp nông dân tiết kiệm 13-20% lượng nước tưới tiêu; giảm chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật từ 3-5%, giảm số lần bơm nước vào ruộng 1-2 lần so với canh tác truyền thống. Chi phí lắp đặt cho bộ thiết bị chỉ từ 5-6 triệu đồng. Giá thành này phù hợp nên nông dân giảm được chi phí, tăng lợi nhuận” - Thành Đạt cho biết.

Cùng niềm đam mê sáng tạo khoa học như Thành Đạt, bạn Nguyễn Hữu Tài, thành viên nhóm, chia sẻ: Ngoài những lợi ích về kinh tế, xã hội, thiết bị của nhóm còn đáp ứng mục tiêu giảm thiểu những rủi ro tai nạn điện trong quá trình sử dụng, giám sát và điều khiển trong điều kiện thời tiết bất lợi nhằm góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn lao động.

TS Cao Phương Thảo, Trưởng Bộ môn Điện - điện tử, Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường ĐH Trà Vinh, cho biết: Để khuyến khích sự sáng tạo, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, Khoa sẽ tiếp hỗ trợ các em hoàn thiện, nâng cao hơn nữa dự án đạt giải. Đồng thời mong các ngành, doanh nghiệp “trợ lực” để nhóm sinh viên - những “nhà sáng tạo trẻ” có cơ hội vươn xa, vươn cao hơn trong tương lai. Trước mắt, đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh sớm hỗ trợ, giúp đỡ nhóm nâng cao công nghệ thiết bị hướng đến sản xuất quy mô công nghiệp, tư vấn mở rộng nghiên cứu thị trường tiến tới xác lập quyền sở hữu trí tuệ...

Anh Nguyễn Văn Vũ An, Bí thư Đoàn trường, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp Trường ĐH Trà Vinh, thông tin: Thành công từ dự án “Thiết bị quan trắc mực nước ruộng và điều khiển máy bơm từ xa” đang tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên của trường. Đây là cơ hội để các em không ngừng sáng tạo, tìm kiếm những cơ hội đầu tư, từ đó hiện thực hóa ý tưởng của mình... Trung tâm sẽ tiếp tục kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, các ngành... hỗ trợ để sinh viên phát huy tốt hơn nữa tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Chia sẻ bài viết