Làn sóng mới trong đào tạo nguồn nhân lực số
BÍCH NGỌC
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ vào mọi hoạt động; đầu tư mở mới các chương trình đào tạo đón đầu cách mạng công nghệ 4.0; thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực số… là những làn sóng mới tại các trường đại học trên địa bàn TP Cần Thơ.
Một góc Tòa nhà hiệu bộ Alpha, Trường ĐH FPT - Phân hiệu Cần Thơ, được đưa vào sử dụng năm học 2023-2024. Ảnh: B.NG
Dấu ấn chuyển đổi số
Các trường đại học (ĐH) ở TP Cần Thơ đã và đang đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS), với dấu ấn rõ nét trong quản trị hoạt động của trường và thúc đẩy tinh thần tự học, học tập mọi lúc, mọi nơi của sinh viên.
Hầu hết các trường ÐH tại Cần Thơ ứng dụng CNTT vào tuyển sinh, quản lý đào tạo và giảng dạy với lộ trình, chiến lược cụ thể. NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ cho biết: “Trường triển khai đăng ký xét tuyển, nhập học trực tuyến từ nhiều năm qua, giúp thí sinh thuận tiện, tiết kiệm thời gian khi đăng ký xét tuyển, nhập học”. Nhờ đó góp phần để công tác tuyển sinh của trường đạt và vượt chỉ tiêu. Năm 2024, Trường tuyển sinh 23 ngành, chuyên ngành bậc ÐH và 1 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ đạt 102%.
Trường ÐH FPT - Phân hiệu Cần Thơ áp dụng các cổng thông tin điện tử phục vụ việc đăng ký và nhập học của thí sinh; phục vụ mục tiêu không sử dụng tiền mặt trong toàn trường. Trường thực hiện hiệu quả chính sách không dùng giấy (paperless) trong quản trị và đào tạo, tất cả tài liệu phục vụ học tập, đề thi, tiểu luận, đồ án, thông báo… đều sử dụng bản mềm, bản điện tử. Thủ tục, dịch vụ sinh viên được tổ chức theo mô hình một cửa điện tử, giúp sinh viên dễ dàng trao đổi và nhận hỗ trợ của Trường.
Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy. Ảnh: B. NGỌC
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH FPT, Giám đốc Phân hiệu ÐH FPT Cần Thơ, cho biết: Từ sau COVID-19, Trường ÐH FPT Phân hiệu Cần Thơ triển khai mạnh mẽ mô hình lớp học kết hợp trực tiếp - trực tuyến, vừa đảm bảo chất lượng đào tạo, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí của sinh viên, nhà trường và cộng đồng. Cùng với các cơ sở của ÐH FPT trên cả nước, ÐH FPT Cần Thơ triển khai mạnh mẽ CNTT và CÐS trong công tác quản lý và đào tạo. Trường áp dụng hệ thống quản lý học tập LMS (Learning Management System), cổng thông tin FAP (FPT Academic Portal) trong các hoạt động đào tạo, lưu trữ tài nguyên học tập và cung cấp thông tin thông suốt tới cán bộ, giảng viên và sinh viên.
Ðể thực hiện phương pháp giáo dục “Kiến tạo xã hội”, nền tảng EduNext do FPT phát triển được triển khai như một hệ sinh thái nhằm tổ chức và quản lý toàn bộ hoạt động học tập, giảng dạy, nghiên cứu bài và tương tác trên lớp. Trường đưa các khóa học trực tuyến vào 20% môn học của trường, qua đó, tạo điều kiện để sinh viên được học với những giáo sư đến từ các trường ÐH trên thế giới theo triết lý “học tập tinh thông” (mastery learning). “Sinh viên được tiếp cận với các tri thức mới nhất của thế giới, đồng thời học được kỹ năng tự học để học tập suốt đời - kỹ năng quan trọng nhất trong bối cảnh bùng nổ công nghệ” - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong nói.
Ðảng ủy Trường ÐH Cần Thơ đã ban hành nghị quyết về đẩy mạnh CÐS để phát triển Trường ÐH Cần Thơ theo hướng ÐH thông minh. Trường đặt chỉ tiêu đến năm 2025, có 90% quy trình và hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ các hồ sơ, văn bản thuộc phạm vi bí mật nhà nước); quản lý nhân sự và giờ làm việc cũng được số hóa. Có 80% dịch vụ cung cấp cho viên chức và người học đạt mức độ trực tuyến 4; ít nhất 20% số học phần áp dụng hình thức giảng dạy trực tuyến, đánh giá trắc nghiệm khách quan trên máy tính.
Giai đoạn 2021-2023, Trường ÐH Cần Thơ đã dành trên 5,9 tỉ đồng để bổ sung các phân hệ mới vào hệ thống tích hợp và nâng cấp các phân hệ điều hành hiện có. Hiện hệ thống với 29 phân hệ, cùng ứng dụng di động MyCTU giúp tin học hóa phần lớn các hoạt động quản lý điều hành của Trường. Trong giai đoạn COVID-19 diễn biến phức tạp, Trường triển khai giảng dạy trực tuyến 81,7% học phần lý thuyết với 830 giảng viên tham gia giảng dạy. Hiện nay, có 620 học phần được chuyển sang giảng dạy trực tuyến, các ngành học có trung bình 14,7% học phần trực tuyến...
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hòa, Hiệu trưởng Trường CNTT và Truyền thông, thuộc Trường ÐH Cần Thơ, chia sẻ giờ đây, Trường có thể mời các giáo sư nước ngoài giảng trực tuyến. Trường có cán bộ đồng hành với các giáo sư thực hiện giảng dạy 2 học phần: An toàn thông tin, An ninh mạng. Thông qua hệ thống trực tuyến, các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn trong đóng góp, điều chỉnh chương trình đào tạo. “CÐS tốt, toàn diện, sẽ giảm gánh nặng hành chính, tăng tính khách quan minh bạch trong quá trình quản lý, đào tạo” - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hòa nói.
Ðào tạo đón đầu
Tại sự kiện chào mừng Ngày CĐS quốc gia năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nguồn nhân lực số là 1 trong 3 đột phá chiến lược số cần được đẩy mạnh để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trong kỷ nguyên mới.
Theo Nguyễn Văn Khánh, sinh viên năm thứ 3 ngành CNTT của Trường ÐH Nam Cần Thơ, khi được trao quyền chủ động, sinh viên tự tin, học tốt hơn. Và cách dạy của Tiến sĩ Ngô Viết Thịnh, giảng viên Khoa CNTT, đã thể hiện điều này. Trước khi bắt đầu bài học, anh Thịnh để sinh viên sử dụng điện thoại tham khảo tài liệu liên quan từ ứng dụng Chat GPT; sau đó ghi lại và trình bày nội dung mình hiểu. “Phải để sinh viên tự tìm hiểu, tự học, tự trình bày. Nguồn tư liệu mà các em tìm được là nội dung thảo luận ở lớp” - anh Thịnh chia sẻ.
Từ năm 2016, Trường ÐH Nam Cần Thơ đã đào tạo ngành CNTT. Năm 2022, Khoa CNTT được thành lập. Hiện nay, tất cả cán bộ giảng viên đều có trình độ sau ÐH, đảm bảo đào tạo 2.800 sinh viên, với 6 ngành, chuyên ngành bậc ÐH, 1 ngành bậc cao học. Năm 2024, Trường mở mới chuyên ngành Công nghệ thiết kế vi mạch bán dẫn; dự kiến năm 2025, mở mới ngành Trí tuệ nhân tạo. Ðây là những lĩnh vực mà thị trường lao động ÐBSCL cũng như cả nước đang có nhu cầu.
Lãnh đạo khoa CNTT đã đề xuất Trường tuyển dụng giảng viên chuyên về lĩnh vực bán dẫn, CNTT, khoa học máy tính, kỹ thuật PM, mạng máy tính; tập huấn cho đội ngũ giảng viên hiện có về thiết kế chíp. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường ÐH Nam Cần Thơ, Trường đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ hiện đại, đặc biệt là các phòng học thông minh, máy chủ, hệ thống mạng internet tốc độ cao, phần mềm quản lý học tập và nghiên cứu khoa học. Ðội ngũ cán bộ, nhà giáo được đào tạo thường xuyên về ứng dụng CNTT.
Một buổi học của sinh viên ngành CNTT, Trường ĐH Nam Cần Thơ. Ảnh: B.NG
Ngành công nghiệp bán dẫn (CNBD) đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và khoa học công nghệ toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành này như Intel, Qualcomm, Infineon, Amkor có dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp giá trị hàng tỉ USD tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành CNBD; phê duyệt chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành CNBD đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” với mục tiêu chung đến năm 2030, Việt Nam đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ ÐH trở lên phục vụ ngành CNBD.
Góp phần cụ thể hóa chính sách trên, các trường ÐH tại Cần Thơ tập trung mở mới các ngành đào tạo liên quan CNBD. Năm 2024, Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, mở chương trình đào tạo Công nghệ kỹ thuật vi mạch bán dẫn. Chương trình được thiết kế theo hướng tiếp cận các trường danh tiếng trong và ngoài nước, lấy ý kiến các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm và khảo sát nhu cầu sử dụng nguồn lao động của các công ty, doanh nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH FPT, Giám đốc Phân hiệu ÐH FPT Cần Thơ, cho rằng việc các trường ÐH mở thêm các ngành học mới phù hợp với xu thế xã hội là tất yếu. Không chỉ đáp ứng đổi thay trước mắt, các trường ÐH tiên phong cần nhìn trước nhu cầu và có phương hướng chuẩn bị nhân lực cho nhiều năm về sau. Trường ÐH FPT - Phân hiệu Cần Thơ đã triển khai các ngành liên quan như Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ ô tô số, ngành hẹp IoT (Internet vạn vật), An toàn thông tin, Thiết kế vi mạch bán dẫn… “Trường đã đầu tư các phòng lab với trang thiết bị tiên tiến cho việc triển khai các ngành học này, bên cạnh là đội ngũ giảng viên có trình độ sau đại học nhiều kinh nghiệm từ nước ngoài về để triển khai đào tạo” - ông Nguyễn Xuân Phong thông tin.
Có thể nói, những ngành học mũi nhọn phục vụ CÐS và thích ứng cách mạng công nghệ 4.0 mà các trường ÐH tại Cần Thơ triển khai, đã và đang thổi một luồng gió mới vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bắt tay liên kết
Liên kết giữa các trường ĐH với nhau và với doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng để giải quyết những vấn đề về hiệu quả, chất lượng đào tạo, việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp… Điều này càng thể hiện rõ hơn trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ CĐS.
Năm 2024, Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ tuyển được 50 sinh viên chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật vi mạch bán dẫn. Khoa Ðiện - Ðiện tử - Viễn thông là đơn vị đảm trách mở chuyên ngành này. Ðể xây dựng chương trình đào tạo, Khoa đã tổ chức hội thảo trao đổi chuyên môn, hợp tác với các trường ÐH, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong và ngoài nước. Khoa cũng đã cử 16 giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn về lĩnh vực này.
Theo Tiến sĩ Dương Ngọc Ðoàn, Phó trưởng Khoa Ðiện - Ðiện tử - Viễn thông, vi mạch bán dẫn là lĩnh vực mới, cần có lộ trình xây dựng chương trình, cập nhật kiến thức và đầu tư lớn về kinh phí, cơ sở vật chất. Bên cạnh chính sách hỗ trợ của thành phố, đặc biệt về cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu thí nghiệm, thực hành, mua sắm các phần mềm thiết kế vi mạch có bản quyền, Trường cũng cần các chế độ đãi ngộ thu hút chuyên gia, nhà khoa học và đào tạo nâng cao trình độ cho giảng viên. Vì vậy, hợp tác trường - trường, trường - doanh nghiệp rất quan trọng.
Lãnh đạo TP Cần Thơ chứng kiến Lễ ký kết hợp tác giữa Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, Trường Bách Khoa (thuộc Trường ÐH Cần Thơ), Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu trong đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn. Ảnh: B.NGỌC
Trong 8 ngành mới tuyển sinh năm 2024 của Trường ÐH Cần Thơ, có ngành Kỹ thuật máy tính, chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn, do Khoa Ðiện tử - Viễn thông, Trường Bách Khoa phụ trách đào tạo. Năm 2025, Trường ÐH Cần Thơ dự kiến mở mới 7 ngành đào tạo trình độ đại học; trong đó có 2 ngành Trí tuệ nhân tạo, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (chương trình đào tạo chất lượng cao) do Trường CNTT và Truyền thông phụ trách.
Trường CNTT và Truyền thông đang đảm trách đào tạo 11 ngành bậc đại học, 3 ngành bậc thạc sĩ và 1 ngành bậc tiến sĩ, với quy mô hơn 5.000 sinh viên. Tất cả giảng viên của Trường có trình độ thạc sĩ và trên 95% có trình độ tiến sĩ. Hằng năm, Trường có khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp, với trên 90% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hòa, Hiệu trưởng Trường CNTT và Truyền thông, cho biết việc liên kết giữa trường và doanh nghiệp rất quan trọng bởi doanh nghiệp trong và ngoài nước ở lĩnh vực CNTT luôn thu hút một lượng lớn nhân lực. “Trường luôn lắng nghe các chuyên gia từ doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh chương trình đào tạo thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ” - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hòa nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty CP TUMIKI, sinh viên CNTT nói chung, chuyên ngành vi mạch bán dẫn nói riêng, phải thực hành nhiều, việc đầu tư trang thiết bị thực hành lại rất tốn kém. Liên kết doanh nghiệp - nhà trường và các trường ở nước ngoài là lời giải cho bài toán này. Nhờ đó, sinh viên được thực hành trong môi trường tốt hơn, các trường đào tạo sát hơn với yêu cầu thực tế và doanh nghiệp cũng tuyển được nhân sự phù hợp hơn.
Lãnh đạo Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ ký kết bản ghi nhớ hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh: B.NGỌC
Một số trường ÐH ở TP Cần Thơ còn có mô hình trường trong doanh nghiệp, doanh nghiệp trong trường. Mô hình này đã được khẳng định hiệu quả trong đào tạo, nghiên cứu khoa học... Trường Ðại học FPT - Phân hiệu Cần Thơ được thừa hưởng hạ tầng và lợi ích công nghệ của Tập đoàn FPT, đặc biệt trong những lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo. Trường ÐH Nam Cần Thơ thành lập các doanh nghiệp thuộc trường: Tập đoàn Nam Miền Nam, Công ty TNHH MTV Bệnh viện đa khoa Nam Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Thương mại Nam Cần Thơ DNC… Các đơn vị này sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho sinh viên các khối ngành Y Dược, Kinh tế - Luật, Kỹ thuật - Công nghệ... của Trường được thực hành.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường ÐH Nam Cần Thơ, cho biết: Tại các doanh nghiệp của trường, sinh viên năm thứ 3, thứ 4 học việc và làm việc bán thời gian được trả lương; được xem xét tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Trường sẽ tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin, vi mạch bán dẫn và CÐS. Ðồng thời, tập trung phát triển các chương trình đào tạo liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chia sẻ bài viết |
|
- Làn sóng mới trong đào tạo nguồn nhân lực số
- Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là động lực phát triển
- Nỗ lực chuyển đổi số
- Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số
- Thúc đẩy chuyển đổi số nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo
- Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với quản lý thuế
- Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
- Học sinh Cần Thơ chinh phục đấu trường Robothon quốc tế
- Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tài nguyên và môi trường năm 2024
- Ðổi mới sáng tạo để tiệm cận với các chuỗi giá trị toàn cầu