14/06/2019 - 12:47

Làm thêm ngày hè 

Tranh thủ thời gian nghỉ hè, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ đã năng động tìm việc làm bán thời gian để kiếm thêm thu nhập và rèn luyện kỹ năng mềm. Những việc làm mà bạn trẻ chọn cũng khá đa dạng, từ phục vụ nhà hàng, tiếp thị, giao hàng, đến những công việc gắn với chuyên môn được học, như: gia sư, kế toán... Nhiều bạn trẻ tâm sự rằng, quá trình làm thêm là cơ hội để họ vừa thể hiện năng lực, kiến thức chuyên môn, vừa khẳng định bản thân khi có thể giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Làm thêm dịp hè giúp Trương Hà Vi học hỏi được nhiều kỹ năng mềm.

► Kiếm thêm thu nhập

Gần 1 tháng qua, Trương Hà Vi, sinh viên ngành Văn học (Trường Đại học Cần Thơ) liên tục tăng ca để kiếm thêm thu nhập bởi mùa hè là khoản thời gian cô khá rảnh rỗi. Từng có kinh nghiệm phục vụ quán cà phê trước đó, cô được thuê quản lý một quán cà phê khá lớn ở đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều. Dịp hè, Vi tranh thủ làm cả 2 ca, ca sáng từ 7 giờ đến 12 giờ và ca tối từ 17 giờ đến 22 giờ, với thu nhập hơn 3,5 triệu đồng/tháng. Nếu cố gắng làm việc, trong 3 tháng hè, cô có thu nhập hơn 10 triệu đồng. Số tiền này có thể giúp cô trang trải chi phí trong cuộc sống và đóng học phí trong năm học mới. Vi chia sẻ: “Quê em ở huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Gia đình sống bằng nghề làm ruộng, thu nhập bấp bênh nên nghỉ hè em thường đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Em cảm thấy rất vui vì bản thân có thể sống tự lập và thỉnh thoảng mua quà bánh gửi tặng cha mẹ mỗi khi về quê”.

Theo Vi, trước đây, mỗi dịp hè, cô thường xin làm nhân viên bán hàng ở các cửa hiệu thời trang, tuy nhiên công việc khá vất vả vì phải sắp xếp kho hàng kiêm tiếp thị, bán hàng với thu nhập khá thấp chỉ 10.000 đồng/giờ. Trong khi đó, với sự “nở rộ” của các quán trà sữa, cà phê, thu nhập từ nghề pha chế, phục vụ ở những quán này cũng khá hơn và đảm bảo sức khỏe hơn vì mỗi khâu đều có nhân viên riêng. Vì vậy, Hà Vi khuyên sinh viên khi xin việc làm thêm cần trao đổi kỹ công việc sẽ làm, thảo luận rõ ràng mức lương, giờ giấc làm việc. Nếu có ký hợp đồng lao động cần xem rõ ràng các điều khoản để tránh thiệt hại về mình.

Hay như Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, sinh viên ngành Kế toán (Trường Đại học Cần Thơ) vốn có năng khiếu múa nên cô xin tham gia một vũ đoàn nghệ thuật, chuyên phục vụ các sự kiện cưới hỏi, hội nghị, lễ hội trên địa bàn thành phố. Mỗi tuần, cô tham gia cùng vũ đoàn phục vụ văn nghệ từ 2 đến 3 chương trình, với thù lao từ 120.000 đến 200.000 đồng/chương trình. Ngoài ra, Ngọc còn làm kế toán cho một quán cà phê với mức thu nhập hơn 1 triệu đồng mỗi tháng. Ngọc chia sẻ: “Đây là mùa hè đầu tiên em đi làm thêm, vì vậy, em cảm thấy rất vui khi có thể sống tự lập và quen biết thêm nhiều bạn mới”.

► Nhiều kỹ năng bổ ích

Nguyễn Thị Ngọc Chân, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh (Trường Đại học Tây Đô), thì xin làm gia sư không chỉ vì kiếm thêm thu nhập trong dịp hè, mà còn nâng cao kỹ năng thực hành tiếng Anh. Hiện cô làm việc tại một trung tâm gia sư ở quận Ninh Kiều. Ngọc Chân phụ trách dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 2, lớp 3 và lớp 8, lớp 9. Chân kể: “Buổi dạy đầu tiên, em phải chuẩn bị thật cẩn thận, đầy đủ, chu đáo tất cả các đồ dùng dạy học, giáo án… để tạo ra cho học sinh những ấn tượng tốt đẹp ban đầu. Sau đó, em phải chủ động làm quen để tìm hiểu tính cách, tâm lý của học sinh. Nghề gia sư giúp em hiểu rõ hơn về tâm lý lứa tuổi, sống gần gũi, hòa đồng với trẻ hơn”. Bên cạnh đó, Ngọc Chân có cơ hội tự học, tự nghiên cứu thêm chuyên ngành học để nắm chắc kiến thức, nhằm truyền đạt bài học cho học sinh chính xác nhất. Chưa kể, cô cũng ngày càng dạn dĩ, tự tin hơn và biết cách hoạt náo, pha trò để “lấy lòng” trẻ. “Khi học trò đã có thiện cảm với mình, gia sư mới có thể yên tâm là các em sẽ chú tâm vào việc học hơn” - Ngọc Chân tâm sự.

Trương Hà Vi chia sẻ, công việc làm thêm cũng giúp cô học được nhiều kỹ năng mềm. Hiện cô quản lý một quán cà phê, phụ trách từ việc quản lý kho hàng, nhập hàng đến việc quản lý chi tiêu và sắp xếp nhân sự. Quán có 12 sinh viên làm thêm, vì vậy việc quản lý và phân chia công việc, nhất là việc phân chia ca làm việc, cũng gây nhiều tranh luận, đòi hỏi Vi phải khéo léo hòa giải để công việc trôi chảy. Thông qua việc xử lý những tình huống mâu thuẫn giữa các nhân viên, kỹ năng giao tiếp của cô ngày càng tiến bộ hơn. Bên cạnh đó, công việc này cũng giúp cô “học lóm” được cách pha chế thức uống khá ngon!

Xu hướng xin việc làm thêm của bạn trẻ cũng ngày càng gắn với chuyên môn được học, nhằm có môi trường để thực tập, vận dụng kiến thức chuyên môn vào thực tế. Theo nhiều bạn trẻ, điều quý nhất của sinh viên khi làm việc bán thời gian là khẳng định năng lực của bản thân bởi biết cách sống tự lập, khẳng định nghị lực vượt khó, chứng minh sự năng động của mình. Những khó khăn, trở ngại trong công việc sẽ là những bài học thực tế sinh động nhất làm hành trang để bạn trẻ tự tin bước vào đời.

Bài, ảnh: Q. THÁI

Chia sẻ bài viết