17/06/2021 - 12:44

Làm thế nào để tránh bị kích động trực tuyến? 

Trong thời đại bùng nổ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội, mọi người có thể đăng, bình luận, nhận xét gần như tự do trên mạng Internet. Trong mớ hỗn độn thông tin như vậy có không ít những thông tin giả mạo, gây ngộ nhận, những bình luận kích động gây tranh cãi, thù hằn... Khi sử dụng mạng xã hội, bạn có thể bị lôi kéo về một phía nào đó bày tỏ quan điểm, nhưng bạn có quyền lựa chọn cách đối phó để tránh những rắc rối.

Nhận ra những vấn đề

Tránh các bình luận gây kích động, tranh cãi là cách khôn ngoan khi trực tuyến.

Tránh các bình luận gây kích động, tranh cãi là cách khôn ngoan khi trực tuyến.

Những thông tin gây kích động xuất hiện ở mọi nơi trên Internet. Chúng có mặt trên các phương tiện truyền thông xã hội, các trang web trò chơi trực tuyến, trong phần bình luận của các trang tin tức hoặc các diễn đàn trực tuyến. Ban đầu, những kẻ kích động thường làm chỉ đơn thuần là đăng thông tin sai lệch hoặc đưa ra ý kiến ​​phản đối, đăng những bình luận chê bai, gây khó chịu, gây tranh cãi với người khác...

Ví dụ, đại dịch COVID-19 là cơ hội để một số người khuấy động bằng các thông tin chống tiêm chủng, chống người thi hành công vụ, chống đeo khẩu trang, chia sẻ các biện pháp trị bệnh giả tại nhà hoặc thậm chí đặt câu hỏi về năng lực của các chuyên gia y tế…

Các thông tin gây kích động có vẻ vô hại lúc đầu, nhưng nó thường dẫn đến các tranh cãi tồi tệ hơn về sau và khi cơn giận dữ lên cao, nó trở thành mối đe dọa, thù hằn trực tuyến. Nguy hiểm hơn, những thông tin này có thể dẫn đến đối đầu trong đời thực, gây bất ổn xã hội.

Cần làm gì nếu gặp phải chủ đề gây tranh cãi

“Không nuôi cơn giận” là nguyên tắc mà các nhà tâm lý khuyên nên tuân thủ khi gặp những vấn đề gây tranh cãi trên mạng. Khi gặp phải một vấn đề bức xúc nào đó có liên quan, bạn cần bình tĩnh và tránh bình luận. Nếu làm ngược lại, bạn chỉ “thêm dầu vào lửa”, và đó là những gì mà các phần tử kích động mong muốn.

Mặc dù bạn có thể muốn tham gia vào một cuộc tranh luận hoặc đưa các lập luận của mình đi theo hướng tích cực, nhưng theo các chuyên gia, nó không cần thiết. Đơn giản, vì những kẻ kích động thường không muốn thảo luận; họ muốn gây phản ứng, gây tức giận, thậm chí là thù hằn, nếu mọi thứ diễn ra theo kế hoạch của họ.

Tuy nhiên, có những bước đi bạn có thể thực hiện để bảo vệ khỏi những kẻ xấu, tránh đi những rắc rối khi trực tuyến. Các mạng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và Zalo... đều tạo ra các công cụ cho phép bạn báo cáo những kẻ xấu đang cố tình bắt nạt người dùng, đăng thông tin nhạy cảm, có lời nói căm thù hoặc vi phạm các nguyên tắc chung của cộng đồng. Các trang web tin tức hoặc diễn đàn cũng không khuyến khích các hành vi như vậy và tùy thuộc vào mức độ vi phạm nghiêm trọng, người kiểm duyệt có thể đưa ra các mức phạt từ cảnh cáo, cấm tạm thời hoặc khóa tài khoản vô thời hạn đối với những người vi phạm.

Nếu sự kích động biến thành các hành vi ác ý, như rình rập đe dọa, bắt nạt trên mạng, quấy rối tình dục, nói xấu về chủng tộc hoặc tạo thành các hành động vi phạm pháp luật khác, bạn có thể nhờ đến cơ quan thực thi pháp luật để can thiệp kịp thời.

Tóm lại, các hình thức cố tình đăng tin giả, gây tranh cãi, kích động… có thể vượt qua giới hạn thông thường và trở nên độc hại. Khi điều đó xảy ra, bạn không nên theo bất cứ một phe nào để tranh cãi và tốt nhất hãy tránh xa. Nếu có liên quan trực tiếp với bạn, bạn cần dựa trên pháp luật để ngăn chặn hoặc xử lý vấn đề.

HOÀNG THY (Theo Welivesecurity)

Chia sẻ bài viết