26/10/2011 - 14:45

Làm thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh?

Hội đồng Nhân dân (HĐND) là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thay mặt cho nhân dân quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng, xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa phương. Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của HĐND cấp tỉnh, mới đây, Thường trực HĐND TP Cần Thơ đăng cai tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL với chủ đề “Làm thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh”...

CHUYỂN BIẾN NHƯNG CHƯA ĐỒNG BỘ

Một cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề của đại biểu HĐND thành phố Cần Thơ, nhiệm kỳ 2004-2011. 

Tại hội nghị, đa số đại biểu có chung nhận định: Thời gian qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của pháp luật, hoạt động của HĐND cấp tỉnh đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, ngày càng đi vào chiều sâu. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh ngày càng nâng lên, qua đó tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong nhân dân. Chất lượng các kỳ họp ngày càng được nâng cao, xem xét và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của địa phương; hoạt động giám sát được thực hiện thường xuyên, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, bất cập cho cơ sở; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các ngành, các cấp. Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn đi vào nền nếp và ngày càng thể hiện rõ trách nhiệm của đại biểu dân cử cũng như của cá nhân đại diện cho cơ quan, đơn vị trả lời chất vấn; công tác tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới theo hướng sát cơ sở, gần dân, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri để phản ánh và tham gia quyết định những vấn đề bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân,... Ông Nguyễn Văn Ngó, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh, nói: “Những kết quả trên đã góp phần tích cực vào việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Vân, Ủy viên Thường trực HĐND TP Cần Thơ, khẳng định: “Trong những năm qua, HĐND cấp tỉnh nói riêng, HĐND các cấp nói chung đã có nhiều đổi mới trong tổ chức và hoạt động, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của địa phương, đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng”...

Mặc dù HĐND cấp tỉnh đã nỗ lực cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhưng các đại biểu cũng thừa nhận so với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và để HĐND thật sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương đúng nghĩa, làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo đúng quy định của pháp luật thì cần tiếp tục phấn đấu hơn nữa. Ông Đỗ Minh Đức, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Bến Tre, nói: “Do tỷ lệ đại biểu HĐND tỉnh kiêm chức cao, trong khi đó, các vị này thường xuyên bận công tác chuyên môn tại cơ quan, nên việc sắp xếp thời gian để tham gia các hoạt động với tư cách đại biểu dân cử không nhiều. Bên cạnh đó, một số đại biểu còn hạn chế về kỹ năng chất vấn nên thiếu tự tin, không đủ thông tin để đi sâu và đi đến tận cùng của vụ việc”. Còn theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Long An, do chất lượng đại biểu HĐND chưa cao, vẫn còn những đại biểu chưa thật sự đáp ứng yêu cầu hoạt động; đại biểu chuyên trách vừa ít, lại thường không được cung cấp thông tin một cách đầy đủ và kịp thời; kỹ năng thảo luận, đánh giá vấn đề của đại biểu còn hạn chế do thiếu kiến thức chuyên ngành, nhất là ở những nội dung chuyên sâu trên một số lĩnh vực... Các đại biểu cũng thừa nhận, mặc dù có nhiều cải tiến, tổ chức giám sát nhiều nhưng nhìn chung hoạt động vẫn chưa đi vào chiều sâu; hoạt động tiếp xúc cử tri còn nặng vào thời gian trước, sau mỗi kỳ họp, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, cử tri nơi cư trú còn hạn chế;...

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG?

Theo ông Nguyễn Văn Ngó, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh, muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND cần nâng cao chất lượng hoạt động của Thường trực, của các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND, đặc biệt là cần quan tâm đúng mức việc nâng cao chất lượng tổ chức các kỳ họp HĐND và chất lượng của hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri. Đây là những vấn đề quan trọng quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các hoạt động của HĐND tỉnh, để tạo ra nhận thức đầy đủ và nhất quán trong cả hệ thống chính trị về vai trò, vị trí của HĐND. Đồng quan điểm này, bà Huỳnh Thị Thanh Loan, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Cà Mau, bổ sung: “Nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND là một yêu cầu cần thiết vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động HĐND. Muốn làm được điều này, cần phải có sự chủ động, sáng tạo, tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các đại biểu HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND; sự phối hợp chặt chẽ của UBND, Ủy ban MTTQ VN tỉnh, các cơ quan thuộc UBND trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp”. Còn ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Long An, cho rằng, thực hiện tốt chức năng giám sát là một trong những yêu cầu cơ bản để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND. Theo ông Hải, các Ban và đại biểu HĐND tỉnh phải có kế hoạch giám sát thường xuyên, kết hợp với giám sát đột xuất theo yêu cầu của cử tri và dư luận xã hội. Trong giám sát, dám nói thẳng, nói thật, không nể nang, né tránh. Việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát phải nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật.

Theo bà Châu Thị Mỹ Phương, Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang, tiếp xúc cử tri là phương thức chủ yếu để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít các cuộc tiếp xúc cử tri thành phần tham gia là đại diện cử tri, như: lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cấp xã, phường, ấp, khu vực,... Chính vì vậy, ý kiến của cử tri còn mang tính đại diện, chưa thực sự sát đúng với ý chí, nguyện vọng của đa số nhân dân. Do đó, cần mở rộng tiếp xúc với tất cả cử tri, hoặc tiếp xúc cử tri theo lĩnh vực, ngành nghề mà HĐND dự kiến sẽ thảo luận, quyết định những vấn đề liên quan của kỳ họp...

Để hoạt động của HĐND cấp tỉnh ngày càng hiệu quả hơn, ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh An Giang, kiến nghị: Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức HĐND và UBND theo Thường trực HĐND cấp tỉnh gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch. Các Phó Chủ tịch phải hoạt động chuyên trách (bỏ chức danh Ủy viên Thường trực); tăng đại biểu chuyên trách ở các Ban của HĐND... Bên cạnh đó, cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng và tập huấn chuyên môn cho Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND. Ông Nguyễn Quốc Ca, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang, đề nghị Quốc hội sớm ban hành luật về hoạt động giám sát của HĐND nhằm tăng thẩm quyền và trách nhiệm của HĐND trong hoạt động giám sát... Liên quan đến vấn đề pháp lý, bà Lê Hồng Thu, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Bạc Liêu, đề nghị cần đổi mới nhận thức về tính chất và vai trò của HĐND. HĐND do nhân dân bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Do đó, cần có những quy định pháp luật về phạm vi, phương thức, điều kiện pháp lý, tổ chức, vật chất; quyền giám sát, quyền bỏ phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do HĐND bầu ra... Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về Tổ đại biểu HĐND; quy định cụ thể về bộ máy giúp việc của HĐND...

Bài, ảnh: QUANG THỤY KHUÊ

Chia sẻ bài viết