15/06/2012 - 06:21

KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Làm rõ những vấn đề về quản lý công trình thủy điện, chống độc quyền và công tác đảm bảo ANTT, giữ gìn trật tự ATXH

(TTXVN)- Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, sáng 14-6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã giải đáp các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội xoay quanh bốn nhóm vấn đề lớn gồm: Tình trạng độc quyền doanh nghiệp ngành điện, xăng dầu và cơ chế điều hành giá năng lượng; Quy hoạch và chất lượng các công trình thủy điện, nhất là tình trạng an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2; các giải pháp bình ổn thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, thúc đẩy tiêu thụ và ổn định sản xuất.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Vấn đề bao trùm nhất liên quan tới trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhất là trong ngành công nghiệp thương mại, từ đó giúp cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các hộ sản xuất kinh doanh ở nước ta được trụ vững và tiếp tục phát triển lành mạnh trong tiến trình tái cơ cấu lại nền kinh tế.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Ngành điện và ngành xăng dầu là hai ngành liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia. Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị duy nhất đảm nhiệm việc truyền tải và phân phối điện. Việc phát điện ngoài EVN còn có các đơn vị khác như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà. Với nhu cầu phụ tải ngày càng tăng cao, bình quân tăng từ 10-15%/năm, ngành điện có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, nếu tình trạng như hiện nay tiếp tục kéo dài sẽ khiến thị trường điện thiếu sự cạnh tranh lành mạnh; động lực để phát triển ngành điện có những hạn chế cũng như quyền lợi của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành lộ trình tiên tới xóa bỏ sự độc quyền doanh nghiệp. Theo đó, từ 1-7-2012, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ được thực hiện thí điểm. Đến 2014 sẽ tiến hành và thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Đến năm 2022 sẽ tiến hành bán lẻ điện cạnh tranh. Sở dĩ lộ trình này kéo dài vì thị trường điện là vấn đề mới mẻ với một nước vừa chuyển từ bao cấp sang thị trường như Việt Nam. Bên cạnh đó, điện là mặt hàng đặc biệt liên quan đến toàn bộ đời sống kinh tế xã hội nên bước đi phải thận trọng.

Tương tự như vậy, trước đây, kinh doanh xăng dầu chỉ có Petrolimex, xăng dầu quân đội, dầu khí... Thực hiện lộ trình giá xăng dầu theo thị trường, đến nay, cả nước đã có 12 đầu mối kinh doanh xăng dầu gồm cả doanh nghiệp Nhà nước, ngoài nhà nước...cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đến nay, Petrolimex vẫn chiếm khoảng 60% thị phần xăng dầu để đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng đất nước và bình ổn giá thị trường khi cần thiết.

Làm rõ hơn về tình trạng an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Sau khi xử lý, đập thủy điện Sông Tranh đã an toàn bởi thiết kế an toàn và được tư vấn Nhật bản Nippon khẳng định. Bên cạnh đó, nền của đập Sông Tranh là nền đá Granit. Yếu tố thi công cũng an toàn do đập đã tích nước tức là đã chiết tải đủ theo thiết kế là ở cốt 175 vào thời kỳ tháng 11 năm 2011 và sau 4 tháng tích nước có hiện tượng rò rỉ, đây không thể gọi là sự cố, bởi sự cố phải đổ vỡ công trình mà theo đúng qui định của Luật xây dựng, đây gọi là hiện tượng thấm nước.

Vấn đề phải khắc phục thấm nước, hiện nay Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cùng với Bộ Công Thương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt tập trung chỉ đạo chủ đầu tư và chủ đầu tư đang tập trung chống thấm, cố gắng hoàn thành trước mùa lũ. Hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng yêu cầu phải có tư vấn độc lập nữa của Thụy Sĩ để kiểm tra chéo lại xem đập này an toàn như thế nào. Vì vậy, chỉ khi đập không an toàn mới thực hiện di dân.

Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ, chiều 14-6, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang về công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Buổi chất vấn cũng là cơ hội để Bộ Công an tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), hoàn thiện những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, thời gian qua, công tác đấu tranh, kiềm chế các loại tội phạm đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2011, toàn quốc đã xảy ra hơn 49.000 vụ xâm phạm trật tự an toàn xã hội, tăng 1,14% so với năm 2010. 6 tháng đầu năm 2012, cả nước xảy ra 21.986 vụ, giảm 2,57% so với cùng kỳ năm 2011.

6 tháng đầu năm, tình hình tội phạm có tổ chức, đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê, trộm cướp... đều gia tăng. Một loại tội phạm mới, nảy sinh trong những năm gần đây là tội phạm sử dụng công nghệ cao, trộm cắp tiền ở ATM, thẻ tín dụng giả, cá độ, đánh bạc qua Internet.

Nhận định về thực trạng này, Bộ trưởng cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra các loại tội phạm trên, nhưng chủ yếu là do tác động của tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, tình trạng lao động mất việc làm; sự xuống cấp của đạo đức xã hội, nhất là trong thanh thiếu niên; hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều bất cập; phong trào toàn dân đấu tranh, phòng ngừa tội phạm ở cơ sở chưa thiết thực, hiệu quả.

Với tinh thần cầu thị cao, tiếp thu mọi ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) liên quan đến lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã lần lượt trả lời các câu hỏi chất vấn của từng đại biểu xung quanh các vấn đề: Sự gia tăng của tội phạm vị thành niên; tội phạm là người nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; sai phạm trong một bộ phận cán bộ chiến sĩ CSGT...

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 14-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Các câu hỏi đặt ra rất thẳng thắn, toàn diện. Bộ trưởng Trần Đại Quang đã trả lời chất vấn rất cầu thị và có các giải pháp đưa ra để giải quyết vấn đề. Bộ trưởng đã cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, giải pháp đấu tranh với các loại tội phạm một cách tích cực hơn; đồng thời phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành, các cấp liên quan nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng đã tích cực tiếp thu các ý kiến của các ĐBQH trong việc xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh, phục vụ tốt hơn sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà trực tiếp là trên mặt trận an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Theo Chương trình, sáng 15-6, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIII sẽ kết thúc với phần trả lời trực tiếp của Thường trực Chính phủ.

Chia sẻ bài viết