16/04/2022 - 10:35

Làm giàu nhờ mô hình kết hợp 

Sau khi “Sản phẩm bồn bồn Cái Nước” được Cục Sở hữu - Trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể, mô hình trồng bồn bồn đang phát triển mạnh tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Gần đây, anh Trần Văn Lạc ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương.

Bồn bồn là một trong những đặc sản của tỉnh Cà Mau.

Bồn bồn là một trong những đặc sản của tỉnh Cà Mau.

Người dân huyện Cái Nước phát triển mô hình trồng bồn bồn đã hơn 10 năm. Trước đây, bà con thường trồng tự phát và chỉ làm một vụ bồn bồn vào mùa mưa. Năm 2017, khi Cục Sở hữu - Trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Sản phẩm bồn bồn Cái Nước”, đã tạo “cú hích” để mô hình trồng bồn bồn phát triển. Khi ấy, anh Trần Văn Lạc đã nhận thấy giá trị bền vững của cây bồn bồn trong tương lai nên quyết định chuyển 5 công đất nuôi tôm của gia đình sang trồng bồn bồn.

Hạn chế của mô hình trồng bồn bồn trên vùng đất bị nhiễm mặn là vào mùa khô bồn bồn không sống được. Do đó, anh Lạc đã dùng hết tiền tích lũy của vợ chồng khi ra riêng để thuê cơ giới be bờ bao trữ ngọt hướng tới trồng bồn bồn quanh năm. Khi mới triển khai mô hình, dù đã đầu tư lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Tuy nhiên, với quyết tâm làm giàu từ cây đặc sản quê hương, anh Lạc tiếp tục đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm để về áp dụng vào thực tế sản xuất. Và 4 năm qua, không chỉ ruộng bồn bồn luôn tươi tốt mà anh Lạc còn kết hợp nuôi các loại cá đồng dưới ruộng để tăng thu nhập. Từ 5 công đất ban đầu anh đã mở rộng diện tích sản xuất lên 20 công. Riêng cây bồn bồn mỗi tháng giúp gia đình anh thu nhập hàng chục triệu đồng.

“Trồng bồn bồn cực hơn nuôi tôm nhưng ổn định và hiệu quả cao hơn rất nhiều. Chi phí sản xuất chủ yếu đầu tư vào việc giữ ngọt, trong khi đầu ra cây bồn bồn rất thuận lợi, thu hoạch bao nhiêu cũng bán được. Với 20 công đang canh tác, tôi thu hoạch mỗi tháng hơn 3 tấn bồn bồn, lời trên 40 triệu đồng” - anh Lạc chia sẻ.

Theo anh Lạc, ngoài việc thu hoạch bồn bồn hơi vất vả còn lại các công đoạn đều không quá khó khăn, đặc biệt không cần tốn nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên để bồn bồn phát triển tốt thì nước trong ruộng cần giữ ở mức khoảng 0,6m, bờ bao phải gia cố chắc chắn, không cho nước mặn xâm nhập. Hiện nay, cây bồn bồn và các loài cá nước ngọt như lóc, rô, thát lát… đã giúp gia đình anh Lạc đạt thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm - một mức thu nhập mà nhiều hộ dân ở vùng đất vốn chuyên nuôi tôm quảng canh phải mơ ước.

“Sức sống của cây bồn bồn rất mãnh liệt, tuy nhiên để bồn bồn phát triển tốt, nhanh thu hoạch, cần theo dõi sự phát triển của cây để bón vôi, lân phù hợp. Đôi khi sẽ có rầy đen phá hại nên cần phải phòng trừ” - anh Lạc lưu ý.

Trước đây, bồn bồn là loại cây mọc hoang, có thời gian người dân phải tìm cách tận diệt. Theo thời gian, bồn bồn đã vươn mình trở thành đặc sản của tỉnh Cà Mau. Trong tiến trình phát triển nhãn hiệu tập thể “Sản phẩm bồn bồn Cái Nước”, mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng của anh Trần Văn Lạc đã chứng minh hiệu quả, mở thêm hướng đi cho người dân địa phương. Thực tế cho thấy từ thành công của anh Lạc, mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng đang lan rộng ra nhiều xã ở huyện Cái Nước. Ngành chức năng địa phương cũng khuyến khích và tạo điều kiện để bà con nông dân nhân rộng mô hình.

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng Đông, cho biết: “Chính quyền địa phương rất quan tâm mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá nước ngọt vì thực tế thu nhập từ bồn bồn rất ổn định và mang lại lợi nhuận cao. Do đó, Hội Nông dân và các cơ quan chức năng xã quản lý nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tạo điều kiện cho các hộ dân muốn phát triển mô hình được tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất”.

Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA

Chia sẻ bài viết