Đào tạo từ xa (ĐTTX) được xem là hình thức đào tạo có tính chất ưu việt, bởi giúp cho người học có điều kiện học tập suốt đời. Thế nhưng, không ít người băn khoăn về chất lượng đào tạo của loại hình này, vì đòi hỏi phải có nguồn tài nguyên phù hợp, người học có tính tự học cao,... "Làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo hệ vừa làm vừa học nói chung ĐTTX nói riêng?"- là vấn đề mà nhiều đại biểu "mổ xẻ" tại Hội nghị liên kết đào tạo kỷ niệm 5 năm hình thành và phát triển Trung tâm ĐTTX (nay là Trung tâm liên kết đào tạo)- Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), do trường tổ chức tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vào ngày 25-5-2013.
Cơ hội học tập suốt đời
 |
Giờ học của học viên lớp đại học Luật (hệ đào tạo từ xa) do Trường ĐHCT liên kết đào tạo với Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. |
Nghị quyết Hội nghị lần thứ II của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII đã chỉ rõ: "Mở rộng các hình thức học tập thường xuyên, đặc biệt là hình thức học từ xa", nhằm tạo điều kiện để người dân có cơ hội học tập thường xuyên, suốt đời. Bởi, giáo dục từ xa là một quá trình giáo dục, trong đó phần lớn có sự gián cách giữa người dạy và người học về mặt không gian và thời gian. Vì thế, ĐTTX có những ưu điểm riêng so với các loại hình đào tạo khác, như: phù hợp với mọi đối tượng, học mọi lúc mọi nơi, giúp cơ sở giáo dục giảm áp lực về nguồn lực cơ sở vật chất... Tiến sĩ Phan Mạnh Tiến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết: "Tại Việt Nam, giáo dục từ xa đã phát triển được gần 20 năm và đã có những đóng góp đáng kể trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu học tập của nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội". Theo PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, đi đôi với việc đào tạo hệ chính qui, để cung cấp thêm nguồn lực có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội cho ĐBSCL, trường còn mở rộng qui mô, đa dạng hóa loại hình đào tạo, như mở các ngành đào tạo hệ vừa làm vừa học, ĐTTX... Trong đó, ĐTTX là hình thức đào tạo phù hợp với nhiều đối tượng, nhất là những người vừa làm, vừa học.
Thực tế cho thấy, Trường ĐHCT đã đào tạo hệ vừa làm vừa học tại các đơn vị liên kết 34 năm qua và đã cung cấp trên 50.000 sinh viên cho ĐBSCL. Đặc biệt, từ năm 2009, Trung tâm ĐTTX nay là Trung tâm liên kết đào tạo - Trường ĐHCT, thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho vùng ĐBSCL. Theo ông Phạm Phương Tâm, Giám đốc Trung tâm liên kết đào tạo, do đặc thù lớp học ĐTTX, học viên và giảng viên không nhất thiết gặp nhau thường xuyên mà có thể dạy và học qua nhiều kênh thông tin như mạng Internet, đĩa CD-ROM, giáo trình, băng hình, băng tiếng
Do đó, người học có thể chủ động học mọi lúc, mọi nơi. Người học phần lớn đã đi làm, có kiến thức thực tế khá tốt nên việc tiếp cận thêm kiến thức sẽ dễ dàng và sâu hơn.
Theo thống kê của Trung tâm liên kết đào tạo- ĐHCT, trường hiện có trên 17.000 sinh viên hệ vừa làm vừa học ở 27 đơn vị liên kết trong khu vực ĐBSCL; trong đó có trên 7.400 sinh viên theo học hình thức ĐTTX ở 7 ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, luật, xã hội nhân văn... Trường đang đề nghị Bộ GD&ĐT mở thêm 8 ngành học mới để phục vụ phát triển- kinh tế xã hội ở địa phương, như: Kỹ thuật điện tử truyền thông, quản lý công nghiệp, quản lý tài nguyên và môi trường, giáo dục tiểu học, marketing, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, khoa học cây trồng, phát triển nông thôn.
Để có chất lượng như chính quy
Năm 1993, Chính phủ đã có quyết định thành lập Viện Đại học Mở Hà Nội và Trường ĐH Bán công TP Hồ Chí Minh (nay là ĐH Mở TP Hồ Chí Minh) với chức năng chủ yếu là đào tạo theo hình thức từ xa nhằm phát triển giáo dục mạnh mẽ giáo dục từ xa tại Việt Nam. Đến nay, cả nước đã có 18 trường có đào tạo loại hình này; trong đó ở ĐBSCL có 2 trường ĐHCT và ĐH Trà Vinh. Riêng Trường ĐHCT, từ năm 2000, trường đã được tổ chức của Bỉ tài trợ để xây dựng chương trình ĐTTX, nhưng đến năm 2009, trường mới mạnh dạn khởi động tuyển sinh các ngành ĐTTX. Theo PGS.TS Hà Thanh Toàn, trường phải chuẩn bị thật kỹ về tài liệu, giáo trình... nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. 5 năm qua, Trung tâm liên kết đào tạo-ĐHCT không ngừng đầu tư nguồn lực, đã biên soạn 194 tài liệu và in khoảng 170.000 quyển tài liệu hướng dẫn học tập và 85.000 băng đĩa để phục vụ cho công tác đào tạo từ xa...
Mặc dù, các cơ sở đào tạo nói chung, Trường ĐHCT nói riêng đã có nhiều nỗ lực để duy trì và nâng cao chất lượng ĐTTX nhưng theo các đại biểu tham dự hội nghị, thực tế ĐTTX vẫn chưa thực sự tạo lòng tin đối với xã hội về mặt chất lượng. Trong khi đó, một số cơ sở đào tạo vẫn chưa đảm bảo đủ nguồn lực cơ sở vật chất, nguồn tài liệu,... phục vụ cho việc dạy và học theo hệ ĐTTX. Thạc sĩ Nguyễn Khánh Hùng, Phó trưởng phòng Đào tạo- Trường CĐ Cộng đồng Sóc Trăng, nói: "Khó khăn hiện nay của đơn vị là còn thiếu phòng học, trang thiết bị... Một bộ phận người học có tư tưởng học đối phó, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Mặt khác, tâm lý xã hội vẫn còn phân biệt đối xử với loại hình vừa làm, vừa học, trong đó có ĐTTX nên đây là một trong những nguyên nhân người học khó xin việc; cơ sở đào tạo tuyển sinh hạn chế. Nên chăng, trong quá trình tuyển sinh, đơn vị cần khảo sát nhu cầu thực tế xã hội để tuyển sinh; đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy".
Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cho biết: "Hơn 30 năm qua, trường đã liên kết với Trường ĐHCT đào tạo 25 ngành các hệ đào tạo, với 12.600 sinh viên theo học và đã có hơn 4.400 sinh viên tốt nghiệp. Qua khảo sát, sinh viên ra trường có thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đây là kết quả của quá trình thực hiện nghiêm túc của ĐHCT, vì dù là hệ đào tạo vừa làm vừa học, ĐTTX nhưng chương trình đào tạo của Trường ĐHCT gần như là chính quy, đào tạo theo học chế tín chỉ, cán bộ, giảng viên là của ĐHCT...". Tiến sĩ Đào Hoàng Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu, cho rằng: "Nên chăng tạo một lối mở khá thông thoáng khi tuyển đầu vào để đem đến cơ hội đi học nâng cao trình độ cho nhiều đối tượng, chủ yếu là những người vừa làm vừa học. Song, trường phải "siết" chặt đầu ra để đảm bảo chất lượng. Muốn thế, ngoài việc tuyển sinh, công tác tổ chức thi học phần và làm luận văn, đồ án tốt nghiệp không thể qua loa. Từ đó mới có thể thay đổi cái nhìn và tâm lý phân biệt đối với các loại bằng cấp không chính quy".
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã hiến kế nâng cao chất lượng ĐTTX, tạo lòng tin đối với hệ đào tạo này, như: bổ sung nguồn học liệu, tăng cường cơ sở vật chất ở các đơn vị liên kết; siết đầu ra ĐTTX; đẩy mạnh tuyên truyền ĐTTX;... PGS.TS Hà Thanh Toàn nhấn mạnh: Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, yếu kém lớn nhất ở ĐBSCL là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và sự liên kết giữa các tỉnh, thành ĐBSCL vẫn chưa chặt chẽ. ĐHCT có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho khu vực. Để làm được điều này, trường tiếp tục mở rộng qui mô, đa dạng hóa loại hình đào tạo; trong đó có hệ vừa làm vừa học. Đồng thời, trường cam kết đẩy mạnh tương tác giữa thầy và trò thông qua hệ thống mạng Internet, mô hình thông tin địa phương; đầu tư cơ sở dữ liệu; nguồn tài nguyên học vụ... nhằm đảm bảo chất lượng ĐTTX.
Bài, ảnh: BÍCH KIÊN