Hè là mùa bội thu của ngành du lịch, nhưng dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 7-2020 đã làm ngành công nghiệp không khói nước ta điêu đứng. Rất nhiều chiến dịch kích cầu du lịch được triển khai sau lần bị trì trệ bởi dịch COVID-19 hồi tháng 3-2020, nhưng mọi thứ trở nên không còn lạc quan sau những ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng được phát hiện tại TP Đà Nẵng ngay mùa hè. Các doanh nghiệp du lịch điêu đứng lần nữa, trong khi ngành chức năng lại căng sức xây dựng các kịch bản ứng phó trong tình hình mới.
Các khu nghỉ dưỡng được nhiều du khách lựa chọn khi đến Cần Thơ. Trong ảnh: Khu nghỉ dưỡng Cồn Khương Cần Thơ.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, chia sẻ: Cái khó ngành du lịch đang đối mặt là vừa muốn quảng bá và thu hút du khách, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn. Tâm lý của du khách là yếu tố quan trọng, cần phải trấn an và làm cho họ tin tưởng về vùng an toàn. Vì vậy, ngành chức năng Cần Thơ nỗ lực xây dựng bản đồ du lịch an toàn.
Tuy nhiên, trên thực tế theo chia sẻ từ các đơn vị lữ hành, các điểm lưu trú và nhà hàng, các tour đặt trong tháng 8 và tháng 9 đều có yêu cầu hủy. Mặc dù các đơn vị đã nỗ lực, linh hoạt để khách hàng có thể lựa chọn hoãn tour, thay đổi thời gian, nhưng kết quả không khả quan. Tình trạng hủy tour vẫn đang diễn ra liên tục. Theo số liệu báo cáo từ Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, có khoảng 35.000 chương trình tour bị hủy và tạm dừng. Trong khi đó, tại các tỉnh ĐBSCL, tình trạng hủy tour, hủy các dịch vụ cũng ở mức từ 60% trở lên. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng: “ĐBSCL hiện vẫn là vùng du lịch an toàn và chúng ta phải nỗ lực giữ lấy điều này. Đây là cơ hội cũng là thách thức cho du lịch vùng và cần đưa ra những chương trình hành động phù hợp, du lịch buộc phải thích ứng với COVID-19 với yếu tố an toàn là tiên quyết”.
Một số du khách chia sẻ rằng họ vẫn đi du lịch trong thời điểm này, quan trọng là du khách phải hiểu và có ý thức, trách nhiệm cao trong bảo vệ bản thân, cộng đồng. Phải chọn điểm đến an toàn là vùng chưa có phát sinh dịch bệnh, tìm hiểu các chính sách phòng, chống dịch và bảo vệ du khách ở đó; thường xuyên sử dụng các phần mềm khuyến cáo mà Bộ Y tế yêu cầu. Theo chia sẻ của một quản lý cơ sở nghỉ dưỡng ở Cần Thơ, số lượng khách đến cơ sở của anh vẫn ổn định, đạt hơn 70% số lượng phòng. Có được điều này vì Cần Thơ đang là điểm đến an toàn và có các chính sách phòng dịch bệnh rất chủ động.
Thực tế, du khách vẫn có thể đi du lịch trong thời điểm này với điều kiện phải luôn cẩn trọng. Đó là hãy chọn những điểm đến chưa có lây nhiễm cộng đồng, đồng thời nắm các chính sách phòng ngừa dịch bệnh và khả năng xử lý khi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh của địa phương. Tiếp theo là lựa chọn nơi lưu trú, tìm hiểu chính sách bảo vệ khách hàng và nhân viên của khách sạn, nơi lưu trú trước khi quyết định nơi đến nghỉ dưỡng. Các khách sạn thường khử trùng phòng ở, nhưng để an toàn tối đa, hãy yêu cầu phòng không có khách ở trong 3 ngày. Bên cạnh đó, du khách cũng tự ý thức trong việc bảo vệ bản thân và mọi người khi đến các điểm công cộng. Hãy luôn nhớ đeo khẩu trang và đứng cách xa người khác tối thiểu 1m.
Lãnh đạo của một đơn vị lữ hành ở Cần Thơ chia sẻ rằng: Chúng tôi đang rất khó khăn vì hàng loạt tour bị hủy, phải đền bù rất nhiều hợp đồng, cũng như giải quyết nhiều vấn đề phát sinh. Chúng tôi cần sự chia sẻ từ khách hàng lẫn ngành chức năng, thay vì hủy tour, hãy lựa chọn thay đổi tuyến hay hoãn thời gian. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn có những chính sách hỗ trợ để vượt qua trong giai đoạn này, nhất là về thuế.
Du lịch đang điêu đứng và dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng có thể thấy không ít đơn vị, nhất là đơn vị nhỏ, đã tạm ngưng hoạt động. Rất khó tính toán khi nào dịch bệnh kết thúc, do đó cần có những chính sách hỗ trợ từ địa phương và ngành chức năng đối với các đơn vị hoạt động du lịch.
Bài, ảnh: ÁI LAM