29/10/2012 - 20:28

Lại thiếu trường, lớp cho bậc học mầm non

Không có trường, thiếu lớp học nên phải "gửi" trẻ học nhờ ở địa phương khác hoặc học nhờ điểm trường tiểu học là nỗi khổ của cô, trò bậc học mầm non (MN) của TP Cần Thơ từ nhiều năm nay. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, nuôi dạy trẻ và thực hiện phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi.

* Xã không có trường MN

Chị N.N.H, nhà ở thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, đang công tác tại cơ quan nhà nước, cho biết: "Mang tiếng là thị trấn nhưng thời gian dài, nhiều phụ huynh nơi đây phải chạy ngược, chạy xuôi để tìm chỗ học cho con. Điều này làm cho phụ huynh rất vất vả, ảnh hưởng đến công việc, nhất là việc chăm sóc cho trẻ". Theo chị H, nếu gửi con học tại xã Thạnh Quới thì hằng ngày, phụ huynh phải chạy xe gần 20 cây số đi về để đưa rước con đi học. Không chỉ có chị H. mà nhiều phụ huynh khác trên địa bàn thị trấn cũng gặp tình cảnh tương tự.

Giờ học của các cháu Trường MG Vĩnh Trinh - cơ sở vật chất “học nhờ” Trường Tiểu học Vĩnh Trinh 3 (xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh). 

Thành lập từ tháng 3-2007, cũng ngần ấy năm, thị trấn Vĩnh Thạnh chưa xây dựng trường MN trên địa bàn. Theo bà Phạm Ngọc Đang, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Thạnh, do chưa có trường MN nên địa phương chưa thể thống kê đầy đủ số trẻ đi nhà trẻ, chỉ nắm được 88 trẻ vào học lớp lá năm học 2012-2013. Tuy nhiên, các cháu này phải "gửi học nhờ" tại các trường ở địa phương khác (mẫu giáo (MG) Thạnh Quới, MN Thạnh Mỹ, MG Thạnh Mỹ 1). Bà Đang nói: "Dự kiến năm học tới nữa, số trẻ trên địa bàn sẽ tăng, nếu không giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp, địa phương sẽ khó thực hiện đạt hiệu quả phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi". Lý giải tình trạng không có trường MN, theo ông Trần Việt Hùng, Bí thư- Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Thạnh, trường MN được quy hoạch xây dựng trong trung tâm khu thương mại của huyện Vĩnh Thạnh, do một công ty xây dựng đầu tư. Nhưng đến nay, đơn vị này chưa thể bàn giao mặt bằng để xây dựng trường. Ông Hùng nói: "Chúng tôi cố gắng vận động trẻ ra lớp, hạn chế mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học. Còn việc xây dựng trường phải lệ thuộc vào đơn vị đầu tư, nằm ngoài tầm tay của địa phương".

*… Đến học nhờ trường tiểu học

Gần 7 năm qua, cô trò Trường MG Vĩnh Trinh phải "học nhờ" Trường Tiểu học (TH) Vĩnh Trinh 3 (xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh), trong điều kiện hết sức khó khăn. Cơ ngơi của trường có 1 văn phòng "3-4 trong 1" (phòng này vừa là phòng Ban Giám hiệu, đoàn thể, công đoàn…) cùng 3 phòng học, với 194 trẻ. Theo cô Phạm Thị Phương Uyên, Hiệu trưởng Trường MG Vĩnh Trinh, phòng học chưa đúng quy chuẩn nên nhà trường chỉ tổ chức dạy 1 buổi/ngày. Muốn đầu tư thêm trang thiết bị giảng dạy, đồ chơi cho trẻ, trường không đủ chỗ để cất giữ, ít nhiều ảnh hưởng đến việc dạy và học. Do khó khăn cơ sở vật chất, trừ trẻ MG 5 tuổi (đạt 100%), số trẻ còn lại chỉ huy động trẻ ra lớp đạt khoảng 60%. Cô Uyên nói: "Ngoài điểm chính học nhờ trường TH, trường còn 2 lớp học ở điểm lẻ tại ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Trinh (điểm này là điểm giữ trẻ mùa lũ của địa phương). Để đảm bảo đủ điều kiện dạy và học, trường cần có 10 phòng học, phục vụ giảng dạy cho 10 lớp". Khi dạo quanh một vòng Trường MG Vĩnh Trinh mới thấy sự vất vả của cô trò nhà trường. Cái nắng của tháng 10 làm căn phòng tiền chế (do nhà trường mới đưa vào sử dụng vài tháng nay) càng nóng bức hơn. Cô Nguyễn Thị Mỹ Nhung, giáo viên lớp Lá 1 của trường, nói: "Những hôm trời nắng nóng, nhìn các cháu đổ đầy mồ hôi nhưng vẫn nghêu ngao ca hát, tôi càng thấy thương. Dù khó khăn mấy, chúng tôi cũng cố gắng chăm sóc, nuôi dạy trẻ tốt".

Tương tự, tại Trường MG Thạnh Quới, ngoài điểm trung tâm tại xã Thạnh Quới, 6 điểm lẻ còn lại phải học nhờ các điểm trường TH hơn 10 năm nay. Cô Lê Thị Cúc, Hiệu trưởng nhà trường nói: "Trường có 18 nhóm lớp, với 584 trẻ học tại 7 điểm. Do học nhờ trường TH, phòng lớp giảng dạy chưa đúng quy chuẩn, giờ giấc, điều kiện sinh hoạt và nuôi dạy trẻ rất khó khăn. Như học sinh tiểu học có giờ ra chơi nhưng mẫu giáo thì không; giờ trẻ tập thể dục thì học sinh tiểu học vào tiết học bài...". Theo thống kê của ngành giáo dục Vĩnh Thạnh, toàn huyện còn 6 trường MG, MN chưa có cơ sở vật chất riêng như: Thạnh Lợi 2, Thạnh An 3, Thạnh Mỹ 1, Vĩnh Bình, Thạnh Tiến và Vĩnh Trinh. Ông Nguyễn Văn Liếng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Quy định mỗi quận, huyện phải có trường MN, MG trọng điểm nhưng đến nay huyện Vĩnh Thạnh vẫn chưa có trường".

Thực tế cho thấy, không chỉ riêng gì huyện Vĩnh Thạnh, ngay cả quận trung tâm thành phố như: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy… vẫn đang gặp khó về chuyện thiếu trường, lớp cho bậc học MN. Còn nhớ, khoảng tháng 5-2012, trong chuyến kiểm tra cơ sở vật chất trường, lớp ở quận Cái Răng, do ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ làm Trưởng đoàn. Đoàn đã nhận định hầu hết các trường, nhất là trường MN, MG đều tạm bợ, xuống cấp, bàn ghế không đúng qui chuẩn… Toàn quận Cái Răng có 26 trường từ MN đến THCS công lập, nhưng chỉ có 6 trường đạt chuẩn quốc gia. Hầu hết các trường thuộc quận đều có nhiều điểm lẻ nên gặp khó trong công tác quản lý, giảng dạy, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Hay như quận Bình Thủy còn 2 phường chưa có trường MN, MG (Bùi Hữu Nghĩa và Trà An); quận Thốt Nốt có phường Tân Hưng chưa có trường MN, MG…

Phải thừa nhận rằng, so với 5-6 năm trước, giáo dục MN hiện nay đã và đang được thành phố đầu tư, phát triển khá nhanh. Hàng loạt trường MN, MG đạt chuẩn quốc gia, được thành lập mới. Song tốc độ phát triển này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của TP Cần Thơ và chương trình sách giáo khoa đổi mới của Bộ GD&ĐT. Bởi chương trình mới đòi hỏi các cháu MG phải được phổ cập 5 tuổi. Qua thống kê của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, thành phố có 136 trường (còn thiếu 350 phòng học, 431 phòng chức năng). Thành phố còn 13 xã, phường chưa có trường MN độc lập. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu trường, thiếu lớp cho bậc học MN chủ yếu là do thiếu vốn, đất đai, một số công trình trong khu quy hoạch... Ông Nguyễn Văn Liếng đề xuất: "Nếu tốc độ đầu tư như hiện nay, kế hoạch đạt chuẩn phổ cập giáo dục MN trẻ 5 tuổi vào năm 2015 sẽ khó đạt. Vì thế, để giúp địa phương nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện phổ cập giáo dục MN trẻ 5 tuổi cần có sự đầu tư từ Trung ương, địa phương. Trước mắt, thành phố có thể đầu tư kinh phí như mọi năm và tùy thuộc vào tình hình thực tế của địa phương để tăng mức đầu tư".

Theo chương trình Đề án kiên cố hóa trường lớp, giai đoạn 2012-2015, dự kiến thành phố cần xây dựng mới 710 phòng học (trong đó có 220 phòng học cho bậc học MN), với tổng kinh phí khoảng 256 tỉ đồng. Như vậy, kinh phí đầu tư cho giáo dục MN chiếm khoảng 1/3 tổng đầu tư giáo dục các cấp. Tại cuộc họp bàn giữa lãnh đạo UBND TP Cần Thơ với các sở, ngành, lãnh đạo UBND quận, huyện về vấn đề xây dựng trường, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn TP Cần Thơ vào chiều 17-9-2012 vừa qua, bà Trần Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho rằng, định hướng của thành phố từ nay đến năm 2015, các địa phương đẩy nhanh, mạnh công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Thế nhưng, việc xây dựng trường lớp các cấp học nói chung, giáo dục MN nói riêng sẽ khó đạt như mong muốn, nếu như không có sự quan tâm đầu tư đột phá cho GD&ĐT.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết