12/02/2008 - 22:03

Doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu

Lạc quan trong năm mới

May xuất khẩu tại Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành. Ảnh: ANH KHOA

Năm 2008, mặc dù phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực cạnh tranh trong tình hình mới, nhưng các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu tại TP Cần Thơ vẫn tin tưởng sẽ đạt được những kết quả khả quan. Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu như tăng cường năng lực sản xuất, củng cố nguồn hàng, mở rộng thị trường và sản phẩm xuất khẩu...

Ông Nguyễn Đình Ngộ, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành:

PHẤN ĐẤU XUẤT KHẨU ĐẠT 1 TRIỆU SẢN PHẨM

- Năm 2007, do Mỹ thông báo sẽ kiểm soát chặt chẽ hàng dệt may của Việt Nam xuất vào nước này, nên chúng tôi cũng hơi lo ngại, không dám làm hàng nhiều. Thế nhưng, trong suốt năm qua, tình hình không đến nỗi căng thẳng như dự đoán ban đầu, việc xuất hàng vào thị trường này tiếp tục gặp thuận lợi. Năm qua, Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành đã xuất khẩu được khoảng 880.000 sản phẩm các loại như: quần tây, áo sơ-mi... chủ yếu sang thị trường Mỹ và Anh, đạt doanh số 700.000 USD. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hàng dệt may của Việt Nam đã phải chịu áp lực cạnh tranh lớn từ hàng dệt may của Trung Quốc.

Bước sang năm 2008, Mỹ cho biết vẫn sẽ kiểm soát chặt chẽ hàng dệt may của Việt Nam, nhưng đến nay thị trường này vẫn chưa bị ảnh hưởng. Từ đầu năm 2008 đến nay, chúng tôi gặp khó khăn mới phát sinh do tỷ giá USD đã giảm so với tiền đồng Việt Nam. Trong khi công ty hợp đồng xuất khẩu thanh toán bằng USD nhưng tiền lương công nhân, chi phí nguyên liệu... đều phải trả bằng tiền đồng, nên tác động giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành dự kiến sẽ xuất khẩu đạt 1 triệu sản phẩm các loại trong năm 2008. Công ty cũng đã có các hợp đồng mới đủ để làm hàng đến hết tháng 5-2008.

Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mekong Cần Thơ:

ĐẢM BẢO VIỆC XUẤT KHẨU GẠO ĐƯỢC THUẬN LỢI VỀ GIÁ

- Năm 2008, Chính phủ cũng điều hành xuất khẩu gạo giới hạn theo định mức nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia như năm 2007. Dự kiến, tổng lượng gạo xuất khẩu trong năm 2008 sẽ ở mức khoảng 4,5 triệu tấn. Trong đó, 50% số gạo này sẽ được các doanh nghiệp xuất theo các hợp đồng cấp Chính phủ và số còn lại xuất theo các hợp đồng thương mại do các doanh nghiệp tự ký với các đối tác nước ngoài. Riêng Công ty Mekong Cần Thơ dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 40.000-50.000 tấn gạo. Để đảm bảo nguồn gạo xuất khẩu, hiện công ty đã tổ chức bao tiêu 3.000 ha lúa chất lượng cao của nông dân.

Trên bình diện chung, cả năm 2007 lẫn 2008 nhu cầu gạo và các sản phẩm nông sản khác (lúa mì, bắp, đậu...) trên thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh, trong khi nguồn cung có xu hướng thiếu hụt. Mặt khác, giá lúa gạo còn tăng do ảnh hưởng của giá vật tư nông nghiệp và các chi phí đầu vào phục vụ sản xuất lúa đã tăng mạnh trong thời gian qua. Dự đoán, xuất khẩu gạo của nước ta trong năm nay sẽ thuận lợi về giá và thị trường tiêu thụ. Trong tháng 1-2008, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta đã lên ở mức cao kỷ lục: 385-400 USD/tấn. Có nhiều khả năng cho thấy giá lúa gạo trong năm nay có thể tăng từ 30-40% so với năm trước.

Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu đã được đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo cho việc chế biến gạo xuất khẩu và thu mua hết nguồn hàng trong dân. Trong năm 2008, nhiều khả năng lúa không còn bị rớt giá mạnh khi bước vào vụ thu hoạch rộ như các năm trước đây.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP Cần Thơ:

MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG VÀ ĐA DẠNG HÓA SẢN PHẨM NÔNG SẢN XUẤT KHẨU

- Việc xuất khẩu nông sản trong năm qua gặp không ít khó khăn. Nhưng nhờ có đối tác chiến lược cho đầu ra của sản phẩm, nên hoạt động của Hợp tác xã (HTX) không bị ảnh hưởng nhiều, kim ngạch xuất khẩu đạt 800.000 USD.

Trong năm 2007, HTX luôn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh chào giá bán sản phẩm. Trước kia, việc chào giá áp dụng theo hình thức ký hợp đồng nguyên tắc chung 3 tháng/lần. Nay, do chi phí sản xuất, vận chuyển tăng, cộng với đồng USD mất giá... nên HTX chỉ dám ký hợp đồng theo từng đợt hàng xuất khẩu. Năm qua, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của HTX vẫn là nấm rơm, chiếm trên 90%. Để ổn định nguồn thu, HTX còn phải xoay xở phát triển ngành hàng xuất khẩu các mặt hàng khác như: xuất khẩu cát qua thị trường Singapore, da trăn sang thị trường Nhật Bản... Nhưng đây chỉ là những phương án tạm thời.

Bước vào năm 2008, tình hình xuất khẩu hàng nông sản của HTX có chiều hướng phát triển lạc quan hơn. HTX đã phát triển mặt hàng khóm đóng lon và xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Nga. Đây được xem là mặt hàng chiến lược cùng với mặt hàng nấm rơm. Nguồn nguyên liệu khóm tại ĐBSCL, đặc biệt là tại Kiên Giang và Hậu Giang, rất dồi dào, giá cả ổn định, nên mang lại lợi nhuận cao. Thị trường xuất khẩu mặt hàng này sẽ ổn định trong cả năm 2008 vì nguồn cung từ Thái Lan yếu do mất mùa. Ngay trong tháng đầu năm này, HTX đã ký hợp đồng và xuất trên 40 tấn nấm rơm và 50 tấn khóm thành phẩm. Để hiện đại hóa và nâng cao tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, HTX đã nâng cấp dây chuyền sản xuất bằng việc đầu tư thêm máy cắt lát và đóng lõi khóm. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng dự kiến HTX sẽ xuất khoảng 1.000 tấn khóm và 700 tấn nấm rơm trong năm 2008.

Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam (SOUTH VINA):

NHU CẦU CỦA THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI ĐỐI VỚI CÁ DA TRƠN VIỆT NAM RẤT CAO

- Năm 2007, ngoài những thị trường xuất khẩu truyền thống là EU, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Úc, Hồng Công, Singapore, Trung Quốc, công ty còn mở rộng thêm thị trường mới sang các nước vùng Trung Đông, Nam Mỹ, Bắc Mỹ... Trong năm, công ty đã xuất khẩu được 7.500 tấn sản phẩm, doanh thu đạt 13,5 triệu USD. Với những thuận lợi trong sản xuất và xuất khẩu, công ty đã nâng công suất chế biến lên 200 tấn/ngày (trước đây chỉ 100 tấn/ngày).

Công ty vừa được cấp chứng nhận đầu tư thêm nhà máy chế biến thức ăn thủy sản công suất 200 tấn/ngày, nhà máy chế biến thủy sản cùng kho trữ hàng có sức chứa 10.000 tấn, tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỉ đồng. Dự kiến các công trình này sẽ được khởi công trong tháng 2- 2008 và đầu năm 2009 đi vào hoạt động. Việc xây dựng nhà máy chế biến thức ăn nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm từ nhà máy chính, phục vụ cho qui trình sản xuất khép kín của công ty và còn tạo thêm việc làm cho người lao động. Hiện nay, công ty có 1.000 lao động, dự kiến trong năm 2008 sẽ tuyển thêm 2.000 lao động nữa, mới đáp ứng nhu cầu sản xuất của đơn vị.

Mặc dù sản phẩm của South Vina đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về chất lượng hàng hóa, nhưng số lượng vẫn chưa đáp ứng. Năm 2008 là năm đầy thử thách đối với công ty, nhưng cũng nhiều thuận lợi trong xuất khẩu. Bởi công ty sẽ có thêm nhà máy mới với những sản phẩm đa dạng và chiến lược. Khi đó sản lượng sẽ tăng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nước ngoài. Một tin vui là đầu tháng 2-2008, South Vina mới nhận đơn đặt hàng của các đối tác ở Nga, Mexico, Hà Lan, Ba Lan, Colombia, Tây Ban Nha, Boliva, Rumani, Malaysia, Philippines... với số lượng 70 cotainer (hơn 1.700 tấn). Điều này cho thấy nhu cầu của khách hàng trên thế giới đối với mặt hàng cá da trơn của Việt Nam là rất cao. Năm 2008, công ty dự kiến xuất khẩu 15.000 tấn sản phẩm các loại, đạt doanh thu khoảng 30 triệu USD.

NHÓM PV KINH TẾ

Chia sẻ bài viết