04/02/2020 - 08:36

Kỳ tích trồng thanh long trong nước mặn 

Những đọt thanh long xanh mơn mởn ôm thân cây mắm vươn cao không chỉ cho thấy sức sống mãnh liệt của loài cây ăn trái đặc sản này mà còn có cả sự sáng tạo của nhà nông miền Tây. Ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, ông Mai Lam Phương qua quá trình tự nghiên cứu gian nan, đã nhận lại thành quả là những trái thanh long ngon, ngọt được trồng trong nước mặn. “Hơn 10 năm gian nan, giờ có thể nhân rộng ra hết diện tích vuông tôm. Nhưng quan trọng là chúng ta có hướng mới để hài hòa giữa làm kinh tế và trồng cũng như giữ rừng” -
ông Phương nói.

Ông Phương kiểm tra những cây thanh long đang được trồng trong nước mặn với giá thể là cây mắm.

Thành quả 10 năm

Cà Mau, nơi có những cánh rừng bạt ngàn nhưng trên chính mảnh đất đó, cuộc chiến mặn - ngọt kéo dài song hành với sự lên ngôi của con tôm làm cho vùng ngọt hóa dần thu hẹp. Cũng chính sự phát triển nhanh của con tôm đã phát sinh nhiều vấn đề; trong đó, cuộc chiến giữa trồng rừng và nuôi tôm rất căng thẳng. Việc lựa chọn cách sản xuất phù hợp để cây rừng vẫn hiện diện trong những vuông tôm mặc dù rất được quan tâm nhưng dường như vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Ông Phương kể, trước đây gia đình ông từng là hộ nghèo. Ngoài nuôi tôm, để cải thiện cuộc sống, ông thực hiện thêm nhiều mô hình nuôi rắn, gà, nhím, vịt, heo nhưng rất khó thành công khi xung quanh toàn là nước mặn. Trong khi đó, môi trường nước tại các vuông tôm ngày càng ô nhiễm, năng suất tôm giảm, buộc ông phải tìm thêm loại cây, con phù hợp để cùng với con tôm nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình. “Hơn 10 năm trước, tôi từng đưa thanh long Bình Thuận hay Tiền Giang xuống trồng thử nghiệm trên các bờ bao vuông tôm nhưng không phù hợp thổ nhưỡng nên chết hết. Trong quá trình đó, tôi phát hiện ra giống thanh long ruột trắng tại địa phương có sức sống mãnh liệt, một số người dân trồng trên bờ vuông tôm vẫn sống được, nên tìm cách phục tráng”- ông Phương kể.

Mất gần 5 năm để hoàn thiện lại giống thanh long địa phương nhưng đưa xuống nước mặn như thế nào là cả vấn đề nan giải. Gia đình nghèo không tiền mua trụ đá, ông Phương quyết định trồng thử thanh long với giá thể là tất cả các loài cây có trong vuông. Qua đó, ông phát hiện cây mắm là cây chịu đựng giỏi nhất. Ông Phương cho biết, lúc thử nghiệm trên bờ, thanh long sống tốt nhưng đưa xuống nước hơn 1 tuần thì cây chết. Nhưng những lần như thế giúp ông rút tỉa thêm kinh nghiệm. Cứ thế, ông theo dõi, ghi chép cẩn thận quá trình sinh trưởng cùng khả năng chịu đựng nước mặn của cây thanh long để tự xây dựng hoàn thiện một quy trình kỹ thuật trồng thanh long trong nước mặn.

Theo ông Phương muốn trồng thanh long trong nước mặn đạt hiệu quả, phải biết sức chịu đựng của thanh long. Quá trình thử nghiệm cho thấy, khi thủy triều lên xuống, cây thanh long mới xuống giống phát triển bình thường nhưng nếu ngập liên tục thì chỉ chịu được 6 ngày; nếu để lâu, bộ rễ bị hư, cây không phát triển và chết dần. Khi bộ rễ đã bám lên cây mắm rồi thì nước ngập vẫn bình thường vì thanh long lấy chất dinh dưỡng từ thân cây mắm. “Tại sao cây mắm chịu được cây thanh long? Đó là câu hỏi tôi tự đặt ra để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng cây thanh long trong nước mặn. Tôi chặt cây mắm ra thì thấy có sự khác biệt. Các loại cây khác chỉ có 1 lớp vỏ, 1 đường vận chuyển chất dinh dưỡng lên trên, khi cây khác bám vào hút hết chất dinh dưỡng thì cây chết. Còn cây mắm có nhiều lớp vỏ, có rất nhiều đường vận chuyển dinh dưỡng nên khi thanh long đeo mất lớp vỏ ngoài, vẫn còn lớp vỏ trong. Vì vậy, cây mắm vẫn sống và tiếp tục lớn song hành với cây thanh long. Ngoài ra, cây mắm có bộ lọc xử lý nước mặn nên khi cây thanh long ra trái sẽ mỏng vỏ, ăn rất ngọt và thơm”- ông Phương nói.

Hướng mới cho kinh tế vùng rừng ngập mặn

“Sau thời gian chăm sóc, theo dõi, ghi nhận sự tăng trưởng, nhận thấy thanh long thích nghi tốt trên thân cây mắm và cho quả ngọt, tôi trồng 1.000 cây thanh long xung quanh gốc mắm”- ông Phương nói. Theo ông Phương, trong vụ đầu cho trái, mỗi gốc thanh long đạt khoảng gần 20kg. Những năm sau đó lượng trái cứ thế tăng dần lên đến khoảng 60kg, đến năm thứ 7 thì lượng trái giảm dần. Quan trọng là với điều kiện canh tác như của ông, thanh long phát triển hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên giá bán ra gấp 3 lần giá thanh long bình thường. Tuy năng suất không cao bằng nhiều vùng chuyên canh thanh long khác trong cả nước nhưng sản phẩm thanh long của gia đình ông Phương cho trái ngọt tự nhiên, được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng.

Hơn 10 năm nghiên cứu, giờ đây ông Phương đã có thể hưởng thành quả từ những trái thanh long thơm ngọt trồng trong nước mặn.

Thực tế cho thấy, cách làm của ông Phương đã mở ra hướng đi mới trong xây dựng phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của Cà Mau. Tuy nhiên, để thực hiện mô hình có hiệu quả, điều quan trọng là phải biết tập tính sinh trưởng, phát triển, sức chịu đựng của cây thanh long trong nước mặn để có cách chăm sóc tốt nhất. Kết quả từ mô hình của ông Phương cho thấy, cây thanh long có khả năng thích nghi và phát triển tốt khi sử dụng cây mắm ở nơi có thủy triều lên xuống làm giá thể. Từ đó gợi mở cho cơ quan chức năng Cà Mau khi áp dụng nhiều mô hình tăng thu nhập ở các vùng nuôi tôm quảng canh, đặc biệt là ở miệt rừng ngập mặn ven sông, ven biển, nơi cây mắm sinh trưởng và phát triển tốt. Ở những nơi có điều kiện thích hợp, người dân sẽ trồng cây mắm, vừa làm cây cố định đất, chống xói lở, vừa làm trụ để trồng thanh long và tận dụng rừng mắm để nuôi thêm thủy sản và các loài nhuyễn thể. Sau vài năm, việc thu hoạch thanh long và các loài nhuyễn thể sẽ góp phần đáng kể làm giảm nạn chặt phá rừng, tăng thu nhập.

Từ thực tế trong đời sống cư dân vùng rừng ngập mặn Cà Mau cho thấy, cây mắm tuy không thuộc loại gỗ có chất lượng cao nhưng có thể dùng thay thế cho các loại gỗ khác để làm củi đốt, cất nhà…. Vài nơi người dân còn dùng lá mắm để hong đuổi muỗi và làm phân xanh bón cây. Ở nhiều vuông tôm, bà con còn tận dụng cành, lá cây mắm để cải tạo nguồn nước phục vụ nuôi trồng thuỷ sản. Có nơi, người dân còn phơi khô lá mắm, nghiền nát làm thức ăn cho heo, gà, vịt. Còn với ông Phương, thành công từ quá trình hơn 10 năm nghiên cứu, trước mắt giúp gia đình ông có thêm nguồn thu nhập cải thiện kinh tế gia đình. Đầu năm 2019, ông đã trồng thanh long trên toàn bộ diện tích vuông tôm rộng hơn 1ha của gia đình với số lượng lên đến hàng ngàn gốc. Những cây thanh long này đang vươn những đọt non xanh, ôm thân cây mắm vươn cao cho thấy sức sống mãnh liệt của loài cây ăn trái đặc sản này khi được khai phá tiềm năng. Đó không chỉ phần nào khẳng định sự sáng tạo của ông Phương mà còn giúp ông định hình một mô hình kinh tế khá bền vững; đồng thời, góp phần gợi mở hướng mới để giúp hài hòa giữa làm kinh tế và trồng cũng như giữ rừng. “Hơn 10 năm giờ có thể nhân rộng ra hết diện tích vuông tôm. Sau đó tôi nuôi thêm ốc len, tôm, cá, vọp, ong dưới tán rừng, đồng thời nghiên cứu lấy lá mắm làm nhang đuổi muỗi. Có thế mô hình mới thật sự hoàn thiện”- ông Phương nói.

Ông Huỳnh Kế Thừa, cán bộ nông nghiệp thị trấn Cái Nước, cho biết: Mô hình của ông Phương là mô hình mới nhưng bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Nếu mô hình này được nhân rộng thì vùng đất ngập mặn của Cà Mau có một sản phẩm chiến lược trồng ở nước mặn mà cho trái ngọt. Vùng đất này chủ yếu nước mặn nên việc ông Phương sáng tạo trồng cây thanh long sống được trong nước mặn sẽ góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt sẽ rất có ý nghĩa với các địa phương ven biển khi góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng trong tương lai.

Bài, ảnh: Bình Nguyên

Chia sẻ bài viết